Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Những “con sơn ca” của nhà máy Dệt

Ra đời cách đây hơn 130 năm, Nhà máy Sợi Nam Định – tiền thân của Tổng Công ty Dệt May Nam Định ngày nay - có một lịch sử đầy tự hào không chỉ trong ngành mà còn được cả nước biết đến. Trong thời kỳ phát triển đỉnh cao, nhà máy có tới hơn 18.000 công nhân, tương đương 10% dân số của Thành phố Nam Định. Và cái tên "Thành phố Dệt" rất đỗi thân thương với mỗi người con Nam Định, cũng như đồng bào cả nước đã ra đời từ đó.

 

Có thể nói những trang sử hào hùng của Dệt May Nam Định gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng XHCN của đất nước. Chính vì thế, nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng sau này. Và càng ý nghĩa và kiêu hãnh hơn khi những bài hát đó được chính những lớp lớp các thế hệ công nhân Dệt May Nam Định - thành viên của Đội văn nghệ Tổng Công ty cất lên đầy tự hào và xúc động.

 

 

Thành viên trong đội văn nghệ của Tổng Công ty Dệt May Nam Định đều là công nhân lao động trực tiếp và nhân viên khối văn phòng. Công việc cơ quan và gia đình bộn bề nhưng do niềm đam mê âm nhạc, muốn đem tiếng hát của mình mang đến tinh thần vui tươi, phấn khởi, lối sống tích cực cho mọi người nên các anh chị không chút nề hà, tham gia nhiệt tình các chương trình văn nghệ của đơn vị, ngành và địa phương.

 

Do phải tập trung sản xuất nên thời gian tập luyện chủ yếu của đội là ngoài giờ. Thậm chí, có những sự kiện phải chuẩn bị gấp, các anh chị còn phải tập đến tối khuya. Với các thành viên nam, việc sắp xếp thời gian đã là khó, với chị em, để thu xếp vẹn tròn cả công việc cơ quan, việc nhà và tập luyện, biểu diễn văn nghệ là không hề đơn giản, đặc biệt là những chị có con nhỏ.

 

Cho dù so với trước đây, số lao động tại Dệt May Nam Định đã giảm nhiều, trong số đó có cả những giọng ca chủ chốt nhưng số thành viên đội văn nghệ luôn duy trì được từ 10 đến 20 người. Có những thành viên đã tham gia đội hàng chục năm nhưng lửa nhiệt tình thì chưa khi nào nguội lạnh ví dụ như anh Trịnh Xuân Lưu đã gắn bó với đội tính đến nay là 20 năm; hay có những người kiêm nhiệm nhiều vị trí như chị Hoàng Ngọc Lanh vừa là cán bộ Đoàn Thanh niên, vừa là cán bộ Công đoàn song vẫn luôn dành thời gian sinh hoạt cùng đội.

 

Để luôn tạo ra sự tươi mới, hứng khởi cho người nghe, chủ đề các tiết mục văn nghệ được lựa chọn rất phong phú như: tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu đôi lứa, các bài hát truyền thống của ngành, của Tổng Công ty...  thể hiện bằng nhiều dòng nhạc khác nhau đang được đông đảo người lao động yêu thích.

 

 

Không chỉ trở thành hạt nhân văn nghệ tại chính nơi mình làm việc mà các thành viên còn đại diện cho đơn vị tham gia các chương trình của địa phương, của ngành. Năm 2019, tại 3 sự kiện lớn do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức là "Lễ phát động Tháng Công nhân",  "Lễ tôn vinh cán bộ công đoàn, công nhân lao động tiêu biểu ngành Dệt May nhân kỉ niệm 90 năm Công đoàn Việt Nam" và Chương trình tổng kết "Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình Xuân Canh Tý 2020", đội văn nghệ của Tổng Công ty Dệt May Nam Định chính là nòng cốt biểu diễn toàn bộ các tiết mục trong Chương trình, được CNLĐ ngành yêu thích và đón nhận.

 

Mấy năm gần đây, ngành sợi dệt gặp nhiều khó khăn do đơn hàng từ các nước liên tục giảm và Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Dịch Covid bùng phát trên toàn cầu khiến cho những khó khăn đó trở nên nghiêm trọng và khó có thể giải quyết trong ngắn hạn, đời sống vật chất của người lao động vì thế cũng bị ảnh hưởng. Từ ban Tổng Giám đốc, Công đoàn, cho đến người lao động trong toàn Tổng Công ty vẫn một lòng sát cánh bên nhau, cùng tìm hướng đi mới, nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, cũng như đời sống cho người lao động. 

 

Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp, đội văn nghệ càng ý thức được vai trò của mình. Âm nhạc không chỉ còn để giải trí mà qua những điệu múa, ca khúc, các anh chị đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, quê hương, gia đình, gắn kết với doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin...

 

Khi mà đời sống vật chất vẫn còn thiếu thốn, mỗi lời ca, tiếng hát lại là nguồn động viên tinh thần lớn lao, tạo nên những hiệu ứng tích cực, suy nghĩ và hành động lạc quan để người lao động cùng với ban lãnh đạo và công đoàn cơ sở đồng lòng vượt qua những thách thức phía trước.

 

Từ một tổ chức hoạt động tự nguyện, có tính chất phong trào đến nay, đội văn nghệ của Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định đã làm được nhiều hơn thế.

 

Họ được gọi bằng một cái tên trìu mến "Những con sơn ca của Nhà máy Dệt"./.

 

                                                                                                                Nguyễn Thị Thu Hương

                  

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website