Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nâng cao nhận thức về vai trò của “Học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động trong CMCN 4.0”

Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa hay thất nghiệp. Không chỉ đe dọa việc làm của lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) nếu như họ không được cập nhật những kiến thức cũng như những kỹ năng mới.

 

 

Thực trạng trình độ lao động ngành Dệt may Việt Nam

 

Dệt may không chỉ đóng vai trò là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam mà còn là một trong những ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm với khoảng 2,5 triệu lao động. Mặc dù nhiều doanh nghiệp dệt may hiện nay đã từng bước sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại, sử dụng robot, máy in 3D, công nghệ cắt laser để thay thế những khâu giản đơn, độc hại tuy nhiên nhìn chung ứng dụng công nghệ tại các đơn vị còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng suất của Dệt May Việt Nam so với các nước khác chỉ ở mức trung bình khá. Điều này chủ yếu là do doanh nghiệp chưa chú trọng cũng như chưa đủ tiềm lực tài chính để đầu tư vào công nghệ và trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng tay nghề của người lao động còn hạn chế.

 

Vai trò của tổ chức Công đoàn trong thay đổi nhận thức của NLĐ

 

Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã đưa nội dung "Đẩy mạnh phong trào thi đua, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động" là một trong 5 chuyên đề hoạt động trọng điểm. Với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động để họ thấy rõ thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không chịu học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thì đoàn viên, người lao động rất dễ bị đào thải khỏi thị trường lao động. Việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp là xu thế tất yếu nhằm thích ứng yêu cầu phát triển mới. Đó vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, vừa là thực hiện trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp và bản thân. Để làm được điều này, hoạt động trong thời gian tới cần tập trung tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, người lao động để NLĐ hiểu rõ:

 

CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến doanh nghiệp, người lao động. Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ đã và đang mang lại nhiều tiến bộ về năng suất lao động song với những thay đổi về nhu cầu sử dụng lao động trong thời kỳ CMCN 4.0 sẽ đặt ra nhiều cơ hội với lao động dệt may đó là: Cơ hội tiếp cận với ngành nghề mới, việc làm mới, cơ hội tăng năng suất lao động và tăng thu nhập và cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật; song song với cơ hội còn có những thách thức tác động ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, đó là nguy cơ chuyển đổi, mất việc làm đối với ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may là rất cao… Từ đó doanh nghiệp, người lao động cần có những định hướng nhằm thích ứng nhanh với xu thế phát triển mới.

 

Phải xác định cuộc CMCN 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa. Lao động cần nâng cao nhận thức, học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu. Mỗi cá nhân cần nỗ lực, tự vượt qua chính mình, tự học tập, tự trang bị kiến thức, để đáp ứng yêu cầu phát triển.

 

Mỗi lao động phải ý thức được sự thay đổi, cảm nhận được áp lực, thách thức từ cuộc CMCN lần này, để có ứng phó phù hợp với bản thân; cần nỗ lực tự trau dồi, trang bị cho mình khả năng học hỏi, phải sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới vì khả năng được tuyển dụng ít phụ thuộc vào những gì người lao động đã biết mà phụ thuộc nhiều vào khả năng học tập, ứng dụng và thích nghi tốt như thế nào. Lao động phải thay đổi tư duy và chấp nhận học suốt đời, mất việc này thì học việc mới, làm việc khác và chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc.

 

Trình độ chuyên môn, kỹ thuật và các bằng cấp chưa đủ để quyết định hiệu quả trong công việc; lao động phải tạo cho mình các yếu tố đặc trưng về kỹ năng làm việc, khả năng sáng tạo, thích ứng, linh hoạt với công việc và giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, tin học… Các yếu tố này được gọi là kỹ năng mềm. Những kỹ năng này có thể không được học trong nhà trường, mà cần sự trau dồi, rèn luyện của người lao động trong quá trình làm việc. Bởi vậy người lao động phải luôn tự trau dồi học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với những thách thức mới, cơ hội mới ổn định cuộc sống và thu nhập.

 

                                                      Nguyễn Hồng Chiến

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website