Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Anh Hồ Thanh Phương (Dệt May Huế): Một gương sáng trong lao động sáng tạo, xung kích

Tiếp nối truyền thống thanh niên ba sẵn sàng, tuổi trẻ Vinatex luôn xung kích, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020), Cổng thông tin điện tử Công đoàn Dệt May Việt Nam xin giới thiệu gương mặt lao động trẻ điển hình, xuất sắc trong lao động sáng tạo của ngành năm 2019: Anh Hồ Thanh Phương - Kỹ sư bảo trì máy Công ty CP Dệt May Huế.

 

Là một người con sinh ra và lớn lên tại TP. Huế, cùng với đam mê dành cho máy móc, công nghệ, anh Hồ Thanh Phương theo học chuyên ngành cơ khí chế tạo của trường Cao đẳng Công nghiệp Huế sau đó học liên thông lên Đại học sư phạm kĩ thuật Vinh.  Khi còn là sinh viên, anh thường xuyên kiếm máy móc cũ về sửa chữa, lắp ráp lại rồi đem bán, tiền kiếm được đa phần dành dụm mua dụng cụ, thiết bị. Lúc đó anh vẫn nói vui với bạn bè rằng "anh kiếm tiền để nuôi đam mê, đến khi đam mê đủ lớn thì nó sẽ nuôi lại mình".

 

Anh Hồ Thanh Phương với xưởng cơ khí tại nhà

 

Câu nói vui khi xưa giờ bước đầu đã thành sự thật, anh quyết định gắn bó và cống hiến cho một doanh nghiệp tại quê nhà - Công ty CP Dệt May Huế, trở thành kỹ sư bảo trì máy tại Nhà máy sợi của Công ty. Nhiệm vụ chính của anh là bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị của nhà máy. Với đam mê và kiến thức có sẵn cùng với việc không ngừng học hỏi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, anh Hồ Thanh Phương đã có nhiều sáng kiến, phương pháp mới giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc rõ rệt. Một trong những đề tài sáng kiến của anh "Máy bơm mỡ tự động cho vòng bi suốt máy kéo sợi con" đã được Công ty áp dụng rộng rãi và xuất sắc dành giải Nhất lĩnh vực Sợi, Dệt, Nhuộm tại Ngày hội sáng tạo ngành Dệt May Việt Nam lần thứ II-2019 do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức. Với đề tài này, anh Hồ Thanh Phương đang được Công đoàn ngành đề nghị Bằng Lao động sáng tạo 2020 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

 

Xuất phát từ việc máy kéo sợi con của dây chuyền sản xuất sợi có hơn 150.000 suốt cao su các loại, trong đó 1 suốt cao su được cấu tạo gồm 1 trục giữa và 2 đầu là 2 vòng bi đòn gánh. Công việc bảo dưỡng thường ngày của anh là bơm mỡ cho 2 vòng bi trục suốt, sau đó tiến hành mài lại rồi đưa vào máy chiếu tia UV để xử lý lại bề mặt. Công đoạn bơm mỡ được thực hiện bằng tay với số lượng lớn nên công việc bảo dưỡng rất tốn kém thời gian và công sức. Từ đó anh đã tìm hiểu, nghiên cứu và chế tạo loại máy bơm mỡ tự động cho vòng bi suốt máy kéo sợi con với các tính năng ưu việt như: Tiết kiệm nhiên liệu (mỡ); Lượng mỡ được bơm đều nên kéo dài tuổi thọ cho vòng bi suốt cao su; Rút ngắn thời gian bảo dưỡng, đưa máy vào hoạt động sớm làm tăng hiệu suất máy sản xuất; Giảm được 1 lao động, ước tính tiết kiệm được khoảng 150 triệu đồng/năm; Thay thế động tác đơn giản nhưng lặp đi lặp lại nhàm chán của con người.

 

Anh Hồ Thanh Phương bảo vệ đề tài tại Ngày hội Lao động sáng tạo lần thứ II

 

Về quá trình nghiên cứu đề tài này, anh Hồ Thanh Phương chia sẻ do không muốn ảnh hưởng đến công việc hàng ngày tại nhà máy nên toàn bộ quy trình chế tạo chủ yếu được anh tranh thủ làm ngoài giờ và tại nhà. Anh tự mở một xưởng cơ khí nhỏ tại nhà với kha khá trang thiết bị, máy móc để vừa thỏa mãn đam mê vừa có điều kiện tự nghiên cứu, tìm tòi. Tối nào anh cũng thức đến 1, 2 giờ sáng, ngày cuối tuần là 3 giờ sáng để đọc tài liệu, lên ý tưởng rồi bản vẽ thiết kế... Đến phần gia công, lắp ráp, do các xưởng gia công không nhận đơn hàng nhỏ lẻ nên anh đành phải thuê máy móc của họ theo giờ rồi tự mình thực hiện.

 

Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, ý chí quyết tâm dám nghĩ, dám làm, giải pháp của anh đã được đón nhận nhiệt tình, được nhà máy và bộ phận bảo trì ứng dụng rộng rãi. Đề tài cũng được Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty chọn tham gia Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May Việt Nam lần thứ II. Đánh giá về sáng kiến này, Hội đồng giám khảo tại Ngày hội cho rằng đây là loại máy bơm mỡ tự động cho vòng bi suốt máy kéo sợi con đầu tiên trên thị trường, hoàn toàn có thể tham gia các triển lãm quốc tế về máy móc phụ trợ cho ngành kéo sợi.

 

Ngoài việc tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh Hồ Thanh Phương còn nhiệt tình tham gia các hoạt động do Đoàn Thanh niên, Công đoàn Công ty và Công đoàn Dệt May Việt Nam triển khai và phát động. Bên cạnh Bằng khen giải Nhất lĩnh vực Sợi, Dệt, Nhuộm - Ngày hội sáng tạo ngành DMVN lần thứ II-2019 của Công đoàn Dệt May Việt Nam, anh còn đạt Giải Nhì Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh TT Huế lần thứ IX năm 2019; được Công ty giới thiệu làm đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ V năm 2020.

 

Anh Hồ Thanh Phương đạt giải Nhất lĩnh vực Sợi, Dệt, Nhuộm - Ngày hội sáng tạo ngành DMVN lần thứ II-2019

 

Vừa mới bước qua tuổi 30, nhưng anh Hồ Thanh Phương không chỉ thể hiện được tài năng, chuyên môn của mình mà còn là tấm gương sáng về bản lĩnh, ý chí vững vàng, có hoài bão, dám nghĩ dám làm, xung kích, tiên phong trong vượt khó, vượt khổ, mang lại hiệu quả, năng suất, chất lượng công việc tốt hơn chính mình và mọi người; góp phần vào sự phát triển của Công ty, của ngành, và nền kinh tế đất nước, xứng đáng với lời Bác Hồ dạy Thanh niên xung phong năm xưa:

 

"Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên"

 

Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website