Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Doanh nghiệp Dệt May chung tay “hạ nhiệt” mùa hè

Những ngày này, thời tiết khu vực miền Bắc khá oi bức, những ngày cao điểm nhiệt độ trung bình có nơi lên tới 39-40 độ. Thời tiết khắc nghiệt, oi bức nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và sức khỏe của người dân. Từ suy nghĩ người lao động (NLĐ) là tài sản quý giá nhất,  tại các doanh nghiệp Dệt May, Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn triển khai nhiều biện pháp nhằm "hạ nhiệt", đảm bảo sức khỏe và điều kiện làm việc cho NLĐ.

 

Nhiều biện pháp "hạ nhiệt" đồng thời được áp dụng

 

Phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp sử dụng hệ thống làm mát theo nguyên lý tạo ra hơi nước ở một phía của nhà xưởng. Hệ thống quạt hút gió công nghiệp với lưu lượng gió lớn sẽ hút toàn bộ không khí nóng, ô nhiễm và bụi công nghiệp trong xưởng ra ngoài. Không khí nóng và khô từ bên ngoài qua các tấm làm mát, trao đổi nhiệt trực tiếp với nước và trở thành không khí sạch và mát, tạo độ ẩm thích hợp và giảm nhiệt độ không khí trong nhà xưởng. Phương pháp này vừa tiết kiệm chi phí lắp đặt, điện năng tiêu thụ, đồng thời phù hợp với hệ thống nhà xưởng rộng, không khép kín, có đông CNLĐ. Sử dụng hệ thống này giúp hạ nhiệt độ trong nhà xưởng khoảng 5-7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Việc cải tiến hệ và lắp đặt hệ thống này không chỉ dừng lại ở các xưởng sản xuất mà còn được lắp đặt tại các nhà ăn của doanh nghiệp.

 

Với những ngày nền nhiệt từ 35 độ trở lên, các đơn vị sẽ bổ sung đồ uống giải khát cho NLĐ như: Viên sủi, nước chanh đường đá, chè, sữa luân phiên các ngày trong tuần...Thực đơn bữa ăn ca sẽ tăng lượng rau xanh, trái cây, thực phẩm chứa nhiều đạm, can xi...nhằm tăng lượng dinh dưỡng và giải nhiệt cho cơ thể người lao động. Đối với nước giải khát, thay vì phải mua đá phục vụ cho NLĐ như trước kia, hầu hết các đơn vị đầu tư thiết bị lọc nước sau đó sử dụng nguồn nước lọc làm nước mát hoặc làm đá lạnh tại chỗ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiện dụng và đảm bảo an toàn vệ sinh cho NLĐ.

 

Công đoàn cơ sở cũng tổ chức tuyên truyền và trang bị kiến thức cho NLĐ về phòng chống nắng nóng như khám sức khỏe định kỳ, sinh hoạt điều độ, ngủ nghỉ đủ giấc, ăn chín uống sôi, đủ chất dinh dưỡng; phòng chống một số bệnh thường xảy ra vào mùa hè; hay công tác phòng cháy chữa cháy khi không may doanh nghiệp xảy ra hỏa hoạn để NLĐ tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ doanh nghiệp.

 

Đầu tư chống nóng tốn kém nhưng....không lãng phí

 

Theo ông Đoàn Văn Dũng - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty CP Dệt May Nam Định, chi phi "hạ nhiệt" trong những ngày nắng nóng cho các doanh nghiệp đóng trú tại thành phố lớn sẽ cao hơn các khu vực khác. Tính riêng trong 2 năm 2018 và 2019, đơn vị đã đầu tư trên 2 tỷ đồng cho việc lắp đặt, thay thế, bảo dưỡng hệ thống làm mát bằng hơi nước cho khu vực sản xuất. Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng năm nay, trung bình một ngày, đơn vị có gần 3.700 NLĐ phải trích khoảng từ 10-13 triệu đồng/ngày cho chống nóng. Dự tính số tiền chi cho công tác này năm nay sẽ lên đến hơn một tỷ đồng.

 

Nhà xưởng thoáng mát, sạch sẽ của Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định

 

Còn ông Nguyễn Đức Thăng - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May Đáp Cầu, ngoài việc chi 6.000 đ/người/ngày tiền nước giải khát cho NLĐ và gần 500.000 tiền mua đá cây cho vào thiết bị làm lạnh của hệ thống làm mát (tương đương chi phí chống nóng khoảng 12 triệu/ngày) cho biết: Thu nhập của CNLĐ dệt may trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cơ bản là ngang nhau. Vì thế ngoài việc các doanh nghiệp có đủ việc làm, thu nhập ổn định, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động không...NLĐ còn quan tâm đến các vấn đề khác như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc ví dụ như trong điều kiện nóng bức như hiện nay, công tác chống nóng có đảm bảo hay không.

 

Sau ảnh hưởng tiêu cực từ "cơn bão" dịch covid-19, việc phải chi một số tiền lớn cho công tác chống nắng nóng đối với doanh nghiệp là hết sức thách thức. Tuy nhiên, chi phí tốn kém nhưng không lãng phí bởi vì đầu tư cho sức khỏe NLĐ là đầu tư lâu dài, bền vững và hiệu quả.

 

Nhờ những biện pháp trên, đại đa số NLĐ hài lòng với điều kiện làm việc trong bối cảnh nắng nóng hiện nay của miền Bắc. Theo chị Nguyễn Thị Tính - công nhân Tổng Công ty May Đức Giang: Nhiều CNLĐ khó khăn không có điều kiện lắp điều hòa ở nhà, có những ngày Hà Nội nắng nóng nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 50 độ C, đại đa số CNLĐ muốn được làm tăng ca, tăng giờ. Bởi vì được làm việc trong môi trường mát mẻ, dễ chịu; nhà ăn sạch sẽ thoáng mát, cơm ca ngon miệng nên sức khỏe tốt,  ai cũng chuyên tâm làm việc. Hơn nữa, tăng ca không những có tăng thu nhập mà còn được "trốn nóng" ngay chính tại doanh nghiệp thay vì phải đến những nơi như khu vui chơi, hệ thống siêu thị...

 

Có thể nói, giai đoạn này các doanh nghiệp trong ngành đang hết sức bận rộn để ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập cho NLĐ sau dịch bệnh.  Tuy nhiên, việc phòng chống nắng nóng để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ vẫn được các doanh nghiệp hết sức coi trọng. Điều này thực sự ý nghĩa bởi càng khó khăn bao nhiêu những việc làm đậm nét giá trị nhân văn sẽ càng lan tỏa bấy nhiêu./.

 

Nguyễn Thủy

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website