Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Thi đua ái quốc - Nâng bước con người Dệt May

Cách đây 72 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc". Trong bối cảnh sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền của dân còn non trẻ, thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi; lời kêu gọi của Người đã khích lệ lòng dân, khơi nguồn cho các phong trào thi đua yêu nước này nở, ăn sâu, lan rộng trong mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp công, công, binh, trí thức; trở thành động lực tinh thần to lớn, tạo nên sức mạnh tập thể, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của mỗi người Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành công của công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

 

Sức mạnh của lời hiệu triệu

 

Diệt giặc đói - Diệt giặc dốt - Diệt giặc ngoại xâm, để Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc - Đó chính là tinh thần cốt lõi của lời hiệu triệu.

 

 

Hưởng ứng lời lêu gọi của Người, các phong trào thi đua ái quốc đã lan rộng trên cả tiền tuyến lẫn hậu phương để sáu năm sau đó, dân tộc ta đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức mạnh của phong trào thi đua: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt"; những "Sóng duyên hải", "Gió đại phong", "Cờ ba nhất" và các phong trào thi đua "Nghìn việc tốt"… đã góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và là tiền đề quan trọng cho các phong trào thi đua hiện nay như "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Doanh nghiệp hội nhập và phát triển",… Mỗi một phong trào là một sự chuyển mình mạnh mẽ, là biểu hiện sinh động của sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới.

 

Đến nay, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn, trở thành động lực tinh thần quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

 

CNLĐ Dệt May hăng hái thi đua, làm theo lời Bác

 

Dệt May là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên của đất nước, lại vinh dự được đón Bác 6 lần về thăm và dành nhiều sự quan tâm, trao đổi. Mỗi đơn vị Bác đến thăm, Bác đều căn dặn CBCNV cần phải đoàn kết, cố gắng trau dồi chính trị, rèn luyện kỹ thuật, học hỏi lẫn nhau, ra sức thi đua lao động sản xuất.

 

Thấm nhuần lời kêu gọi và căn dặn của người, CNLĐ dệt may các thời kỳ đều ra sức thi đua lập thành tích trên mọi việc làm, vị trí công tác. Các phong trào thi đua luôn gắn với bồi dưỡng, hun đúc, củng cố tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động, yêu ngành và yêu nghề, luôn hướng đến mục tiêu "Làm cho mau - Làm cho tốt - Làm cho nhiều". Có thể kể đến các phong trào tiêu biểu như: Giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh; Ngày không giờ, tuần không thứ; Tổ sản xuất giỏi; Năng suất cao - Chất lượng tốt; Năng suất - Chất lượng -Tiết kiệm - An toàn - Hiệu quả; Rải chuyền nhanh; Văn minh công nghiệp - Tác phong công nghiệp; Giỏi một công đoạn biết nhiều công đoạn; Phát huy sáng kiến cải tiến; Luyện tay nghề thành thợ giỏi.. được diễn ra ở hầu hết  các đơn vị. Phong trào Gắn kết cùng phát triển, Sáng tạo không ngừng, Thi đua dạy tốt học tốt cũng được triển khai và thực hiện hiệu quả ở các đơn vị khối Trường.

 

Nhiều phong trào thi đua yêu nước được các đơn vị phát động và thực hiện hiệu quả

 

Đặc biệt các phong trào thi đua trong ngành còn gắn liền với việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người. Năm 2018, tại các đơn vị thuộc hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam, đã có 1.083 đề tài, giải pháp được áp dụng vào sản xuất, làm lợi gần 70 tỷ đồng. Năm 2019 đã có hơn 1600 sáng kiến, cải tiến được hình thành và áp dụng, làm lợi cho doanh nghiệp gần 40 tỷ đồng.

 

Gian hàng sáng kiến tại Ngày hội LĐST ngành Dệt May lần thứ 2

 

Cũng từ lời dạy của Bác "Thi đua chứ không phải ganh đua nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao". Các cấp trong ngành nói chung và Công đoàn DMVN nói riêng luôn chú trọng việc lan tỏa các gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, chia sẻ những mô hình hay, cách làm tốt, những sáng kiến mới trong toàn hệ thống. Đây cũng chính là một trong những mục đích mà Công đoàn ngành phối hợp cùng Tập đoàn Dệt May Việt Nam duy trì tổ chức Hội thi thợ giỏi và Ngày hội lao động sáng tạo liên tục trong nhiều năm nay; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống ngành; sáng tác các câu đối, ý thơ, khẩu hiệu về ngành nghề và con người dệt may, về ATVSLĐ; tổ chức thi và triển lãm ảnh về Nét đẹp Công đoàn và NLĐ,…để qua đó, lan tỏa, nhân lên nhiều lần những giá trị tốt đẹp trong toàn hệ thống.

 

Công tác khen thưởng cũng được các cấp của Ngành chú trọng. Bên cạnh các hình thức khen thưởng truyền thống, những năm gần đây, Công đoàn Dệt May đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và tổ chức trao các giải thưởng mới như: Giải Tập thể sáng tạo tiêu biểu, Giải Lao động sáng tạo tiêu biểu, Giải thưởng Nguyễn Thị Sen - (Giải thưởng mang tên Bà Tổ nghề May dành cho nữ CBCNLĐ tiêu biểu); Giải thưởng Doanh nghiệp vì Người lao động cấp ngành;.... Tại các đơn vị thành viên,  hoạt động khen thưởng cũng diễn ra kịp thời, đúng người, đúng việc, giúp mọi CBCNV hăng hái tham gia phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

 

Có thể nói, nhờ các phong trào được dấy lên từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà thi đua đã trở thành một việc làm thường xuyên, liên tục trong CBCNV của ngành. Các thế hệ người Dệt May đã trưởng thành về nhận thức, được nâng bước trong hành động và đạt được nhiều thành quả trong lao động sản xuất, đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng và phát triển ngành. Đội ngũ dệt may đã lớn lên, mang dáng vóc Việt Nam, tâm hồn Việt Nam hội nhập cùng thế giới.

 

72 năm đã đi qua, nhưng lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng những câu nói bất hủ của Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất" vẫn vẹn nguyên giá trị, mãi khắc sâu trong tâm trí người Dệt May, là nguồn động viên to lớn, thôi thúc, nâng bước người Dệt May thêm hăng say công tác, gắn bó với nghề, không ngừng nỗ lực rèn luyện để thực hiện thành công 4 tiêu chí của người CNLĐ Dệt May trong thời kỳ mới: Vững về tư tưởng chính trị - Mạnh về trình độ kỹ năng - Chuẩn về kỷ luật tác phong - Giỏi trong lao động công tác.

 

Những bông hoa trong vườn Bác nhất định sẽ xuất hiện thêm nhiều tấm gương điển hình của CNLĐ Dệt may trong phong trào thi đua làm theo lời Bác.

 

Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website