Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Chăm lo cho con người lao động Dệt May - Những mô hình hay, những cách làm hiệu quả

Tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng hành động vì trẻ em. Đây là dịp các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội dành sự quan tâm đặc biệt sâu sắc nhất đến thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, với các cấp công đoàn của ngành Dệt May Việt Nam, dường như Tháng hành động vì trẻ em được diễn ra trong suốt 12 tháng trong năm, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng góp phần làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động.

 

Các hoạt động ngoại khóa mới lạ được Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức cho các cháu

 

Hiện nay, Công đoàn Dệt May Việt Nam đang quản lý 120 công đoàn cơ sở với nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đại đa số người lao động có tuổi đời khoảng dưới 40 và đang trong độ tuổi sinh đẻ. Do đặc thù là một ngành có đông lao động nữ (gần 87.000 người, chiếm trên 70% lao động toàn ngành), đồng nghĩa với việc công tác chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con chủ yếu là nữ CNLĐ gánh vác. Chính vì vậy, các cấp Công đoàn trong ngành đã giúp NLĐ nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc con phải được bắt đầu từ khi bào thai được hình thành thông qua việc trang bị kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản như: tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn đối với CNLĐ trẻ, không lựa chọn giới tính khi sinh, sinh đủ 2 con để nuôi dạy con tốt, khám thai định kỳ… Cùng với đó, các CĐCS đại diện cho NLĐ thương lượng, ký kết Thỏa ước Lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ nói chung và LĐ nữ nói riêng, nhất là LĐ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, cùng nhiều chế độ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em như: Không phân biệt đối xử, bố trí công việc và điều kiện lao động tốt nhất, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng và xây dựng thực đơn riêng trong bữa ăn ca, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho phụ nữ mang thai… Ngoài ra, 100% doanh nghiệp có Công đoàn trực thuộc Công đoàn Dêt May không sử dụng lao động lao động trẻ em, kể cả việc thông qua các chuỗi cung ứng sản phẩm mặc dù đây là ngành nghề có nhiều công đoạn giản đơn. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp trong hệ thống thực hiện nghiêm túc Bộ Luật lao động cũng như Công ước về quyền trẻ em.

 

Lãnh đạo Công đoàn Dệt May Việt Nam thường xuyên quan tâm, thăm và tặng quà cho con em CBCNVLĐ

 

Bên cạnh đó, hưởng ứng chương trình "Nuôi con bằng sữa mẹ" các CĐCS đã phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp trang bị phòng vắt trữ sữa phục vụ cho nữ CNLĐ nuôi con nhỏ nhà xa, không có điều kiện về cho con bú giữa buổi. Hiện nay toàn hệ thống có 6 phòng vắt trữ sữa đạt quy chuẩn tại 5 đơn vị là May Việt  Thắng, Phong Phú, May Đồng Nai, Đầu tư Thương Mại Thành Công, Dệt May Hòa Thọ, phục vụ cho gần 800 lao động nữ đang nuôi con bú, mô hình này đã thực sự phát huy tác dụng. Những đơn vị khác chưa trang bị được phòng vắt, trữ sữa độc lập nhưng đã tuyên truyền, vận động nữ CNLĐ đang nuôi con nhỏ tự trang bị máy hút, bình trữ sữa cá nhân. Về phía công ty đã lắp đặt các thiết bị thiết yếu như tủ lạnh, điều hòa, bồn rửa tay, sách hướng dẫn… tại phòng Y tế của doanh nghiệp. Cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn nữ CNLĐ khi có nhu cầu vắt và bảo quản nguồn sữa sạch.

 

Là ngành có đông lao động, trong số đó có nhiều lao động trẻ nhập cư. Với đặc thù nghề nghiệp phải thường xuyên làm việc tăng ca, tăng giờ trong khi mức lương và thu nhập không cao, nên những lao động nuôi con nhỏ thực bất an khi phải gửi con học ở những trường Mầm non không linh hoạt thời gian trong việc nhận, trả trẻ. Để tạo điều kiện cho lao động có con nhỏ thuận tiện trong việc gửi con và yên tâm khi phải tan ca muộn, một số doanh nghiệp đã trích kinh phí xây dựng và thành lập nhóm trẻ, trường mầm non ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với bậc học mầm non. Hiện có gần 3.000 cháu là con cán bộ, nhân viên và NLĐ đang được học tại các nhóm trẻ, trường Trường Mầm non Đáp Cầu (Tổng công ty May Đáp Cầu), Trường Mầm non May 10 (Tổng công ty May 10), Trường Mầm non Nhân Phú  (Tổng công ty cổ phần Phong Phú), Trường mầm non Tổng Công ty May Hưng Yên (Tổng Công ty May Hưng Yên), và một số nhóm trẻ ở các đơn vị khác…Trong đó trường mầm non Đáp Cầu năm học 2018-2019 đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia Mức độ I. Các cháu là con cán bộ NLĐ của đơn vị học tại đây được nuôi dạy trong môi trường an toàn, tích hợp dạy và học kỹ năng theo chương trình giáo dục mầm non. Ngoài ra, NLĐ gửi con tại đây được doanh nghiệp miễn hoặc giảm 50% học phí. Đối với các đơn vị khác trong ngành không có điều kiện xây dựng các nhóm trẻ, trường Mầm non tại doanh nghiệp song hằng tháng đã hỗ trợ NLĐ tiền gửi trẻ với mức trung bình từ 150.000 - 250.000 đồng/cháu/ tháng; hoặc phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị các trường học gần trụ sở doanh nghiệp đóng quân tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục khi NLĐ nhập cư của doanh nghiệp xin học cho con…Những hoạt động này thực sự là nguồn động viên không chỉ vật chất mà cả tinh thần giúp NLĐ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 

 

Nhiều CĐCS đưa vào hoạt động thiết chế nhà trẻ, trường mầm non để CBCNVLĐ yên tâm công tác

 

Năm nay, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn Thế giới, nên công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn được các cấp các ngành, và cộng đồng xã hội phải lưu tâm. Thị trường xuất khẩu và cung ứng của ngành Dệt May chủ yếu là các nước EU đang chịu ảnh hưởng nặng nề do bị hoãn, hủy và giảm đơn hàng đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp; thu nhập và việc làm của NLĐ toàn ngành cũng bị giảm sút.  Hơn nữa thời gian kết thúc năm học của học sinh muộn hơn (trước 15/7)… Tuy nhiên, không vì thế mà công tác chăm lo cho Thiếu nhi con của NLĐ Dệt May năm nay bị lơ là. Thay vì tổ chức gặp mặt, tặng quà kết hợp vui chơi, trải nghiệm…cho các cháu như các năm trước; đại đa số các công đoàn cơ sở đã chọn lựa phương thức gửi quà. Theo nắm bắt, tính đến hết ngày 30/5, đã có trên 3.300 suất quà là các sản phẩm như: Đồ chơi rèn kỹ năng và tư duy, đồ dùng học tập, sữa, bánh kẹo và trên 3.860.000.000 đồng tiền mặt được tặng cho gần 37.500 cháu với mức chi trung bình khoảng 100.000 -150.000 đ/suất. Những đơn vị tặng quà với số lượng lớn là: May Đức Giang (8,084 suất), May Việt Tiến (6.191 suất), Đầu tư Thương Mại Thành Công (4.807 suất), Dệt May Huế (2.860 xuất), May Việt Thịnh (1.815 suất), May Đức Hạnh (1.130 suất)…  

 

Tháng hành động vì trẻ em năm nay cũng nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng công nhân năm 2020, Công đoàn Dệt May đã trợ cấp gần 600 suất quà với tổng số tiền gần 500 triệu đồng cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Dịch bệnh covid 19 và thời gian kết thúc năm học muộn nên Công đoàn Dệt May đã quyết định tổ chức vinh danh, tặng quà học sinh, sinh viên xuất sắc các trường dạy nghề trực thuộc CĐ Dệt May Việt Nam, con CNVCLĐ đạt thành tích xuất sắc trong học tập và trao học bổng "Đồng hành cùng em đến trường" năm học 2019-2020 cho con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi tại 3 miền Bắc - Trung - Nam vào tháng 8/2020 tới đây.

 

Có những việc làm tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa bởi nó xuất phát từ cái tâm của những người đại diện cho tập thể cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức. Các hoạt động chăm sóc con NLĐ của Công đoàn Dệt May và CĐCS là chủ trương của các cấp công đoàn luôn chia sẻ, đồng hành, "hướng về cơ sở, hướng về người lao động",; đồng thời đây cũng là trách nhiệm, sự chung tay cùng cộng đồng trong việc chăm lo cho "Trẻ em hôm nay" để có "Thế giới ngày mai".

 

Nguyễn Thủy

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website