Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Giới trẻ ngày nay trong lằn ranh của “thực tế” và “thực dụng”

Ngày nay, khi các bậc trung niên, lão niên nói chuyện với nhau về giới trẻ, có một câu cửa miệng mà chúng ta thường xuyên được nghe thấy là: "bọn thanh niên giờ rất khác chúng mình ngày xưa!"

 

Giới trẻ ngày càng trở nên thực tế hơn

 

Ngày xửa, ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có câu chuyện tình đẹp hơn cổ tích "Một túp lều tranh, hai trái tim vàng"...

 

Ngày nảy, ngày nay, thanh niên dường như ít nghe chuyện cổ tích hơn xưa.

 

Ví dụ trong lĩnh vực tình yêu, cho dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng các bạn trẻ hôm nay vẫn ý thức được rằng, một mối quan hệ tình cảm, cho dù có sâu nặng đến đâu mà không có nền tảng tài chính vững chắc thì cũng khó có thể bền vững. Bởi những "cơm, áo, gạo, tiền...", rồi tiến tới sẽ là "tã, bỉm, sữa..." nghe qua có vẻ tầm thường, nhỏ bé biết bao so với vẻ đẹp đầy sức quyến rũ của ái tình, nhưng lại có thể âm thầm bào mòn, hủy hoại "thân phận" (chữ dùng của nhà văn Bảo Ninh) thoạt nhìn có vẻ như rất vững bền nhưng thực chất lại khá mong manh, dễ biến đổi của tình yêu.

 

Không chỉ trong tình yêu, sự thực tế của không ít các bạn trẻ còn thể hiện trong mọi mặt của đời sống, mà bên cạnh câu chuyện ái tình, một chủ đề khác cũng "hack não" không kém, ấy là chọn nghề nghiệp.

 

Giờ đây, có lẽ không còn nhiều người trẻ mơ mộng được làm những nghề nghiệp phi thường, những nghề mà họ ôm ấp ước mơ từ nhỏ.Thay vào đó, họ thực tế hơn nhiều.

 

Thay vì theo đuổi đam mê, không ít người trẻ tuổi sẽ nghiêng sang những nghề  có thu nhập tốt và dễ xin việc khi ra trường. Khách quan mà nói, sự thực tế này không hoàn toàn do bản thân họ mà có thể chịu nhiều tác động, do quan niệm, áp lực của xã hội hay định hướng từ cha mẹ, gia đình, bạn bè...

 

 

Ranh giới mong manh của "thực tế" và "thực dụng"

 

Người ta thường dùng từ "thực tế" với hàm ý thiếu thiện cảm và hơi tiêu cực nhưng khi nhìn nhận một cách đúng đắn và khoa học, sự thực tế trong cuộc sống không những không xấu mà còn đặc biệt cần thiết.

 

Trong bất kỳ câu chuyện nào, sự thực tế giúp cho mọi ước mơ, dự định, kế hoạch... không còn viển vông, sách vở nữa mà trở nên gần gũi, khả thi, hiệu quả và có tính bền vững. Sự thực tế càng trở nên có giá trị khi nó mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình, rộng hơn là cho mọi người, cho cả cộng đồng.

 

Ý nghĩa tích cực này được minh chứng rõ ràng trong tình yêu và hôn nhân. Sự thực tế sẽ giúp các cặp đôi tìm được nửa kia phù hợp hơn trong hàng loạt các tiêu chí lựa chọn về gia cảnh, nghề nghiệp, tính cách... của cả đôi bên, khiến cho họ có thể tìm được bạn đời tương xứng, hòa hợp về nhiều mặt - vốn dĩ là một trong những căn cứ quan trọng của một hôn phối hạnh phúc dài lâu.

 

Hay trong định hướng nghề nghiệp, sự thực tế sẽ giúp cho các bạn trẻ tránh được những vấp ngã do sự lựa chọn viển vông, xa vời, cảm tính mang lại, mà thay vào đó là những bước đi chắc chắn, phù hợp với trình độ, sở trường, hoàn cảnh... Từ đó sẽ có điều kiện để khai thác và được khai thác; phát huy năng lực; trở nên tự tin và tỏa sáng.

 

Nhưng "thực tế" và "thực dụng" lại chỉ khác nhau có... một chữ! Ý nghĩa tích cực của thực tế sẽ nhanh chóng mất đi nếu như chỉ vì mục đích tìm kiếm lợi ích cho mình hay gia đình mình, hoặc cho một nhóm người, mà họ bất chấp tất cả, bằng mọi giá, nhằm đạt được mục đích của cá nhân. Khi ấy "thực tế" đã thực sự biến hình, trở thành một lối sống đầy thực dụng, coi trọng, tôn sùng những giá trị vật chất, lợi ích cá nhân mà xem nhẹ, coi thường những giá trị tinh thần mang tính giáo dục; những mối quan hệ có tính cốt lõi, vốn là máu thịt, rường cột trong văn hóa Việt như tình cảm gia đình, thày trò, bạn bè...; những lợi ích của cả cộng đồng...

 

Ngày nay, lối sống thực dụng không chỉ đang tồn tại trong một bộ phận người trẻ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu, tấn công mạnh mẽ, đặc biệt vào thanh thiếu niên, những người vốn dĩ luôn háo hức, nhạy cảm, khao khát tiếp thu và đón nhận những cái mới, bao gồm cả cái xấu và tốt.

 

Khi mà sự thực dụng lên ngôi thì cũng đồng nghĩa với nhiều giá trị cao đẹp, đầy ý nghĩa; những sắc màu lung linh của cuộc sống cũng đang dần mất đi, một cách vô cùng đáng tiếc.

 

Tâm hồn của những người ấy sẽ trở nên khô cằn, vị kỷ, mất đi sự vô tư, trong sáng, nhiệt huyết- những phẩm chất thường được gắn liền với tuổi trẻ.

 

___________________

 

Khi đã đi tới phần kết bài viết này, không hiểu sao, tác giả bỗng nhớ tới những phút cuối của Hội diễn Văn nghệ ngành Dệt May lần thứ nhất, năm 2024 tại khu vực miền Nam, chào mừng 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

 

Cả hội trường khi ấy đông chật đoàn viên, người lao động, mà hầu hết trong đó là các bạn trẻ và rất trẻ. Khung cảnh rực rỡ, lộng lẫy, náo nhiệt, đầy ắp những tiếng reo hò và hỗn hợp các thanh âm cổ vũ vào lúc đã khuya của buổi tối một ngày mùa hạ, bỗng đột nhiên trở nên trầm xuống, lắng lại, suy tư, khi anh công nhân may trẻ măng Phùng Văn Như Khang, đến từ Công ty CP Dệt May- Đầu tư- Thương mại Thành Công như bùng cháy trong bài hát "Khát vọng tuổi trẻ" (Vũ Hoàng) với ca từ lặp đi, lặp lại, như một câu hỏi, một lời tự vấn từ sâu thẳm trái tim của mỗi người trẻ:

 

"Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,

mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay...

Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,

mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay..."

 

Có chứng kiến những phút giây lắng đọng, kiệm ngôn từ mà nhiều ý nghĩa ấy của những người trẻ, thì hẳn chúng ta đều sẽ có chung cảm xúc và niềm tin về một thế hệ gen Z và cả những thế hệ tiếp nối sau này nữa, không chỉ biết sống thực tế, có lý trí cho cuộc sống của riêng mình mà khi cần, còn biết dùng những tri thức, trí tuệ và bản lĩnh ấy, mang lại giá trị cho người khác, cho cộng đồng và cho đất nước.

 

Thu Hương

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website