Góc nhìn & chia sẻ
Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May
Nhân kỉ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), đồng chí Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam cùng lãnh đạo Văn phòng HĐQT, các ban tham mưu giúp việc Đảng ủy Tập đoàn đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ chuyên viên Cơ quan Công đoàn Dệt May Việt Nam.
Thay mặt Công đoàn Dệt May Việt Nam, đ/c Phạm Thị Thanh Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam đã báo cáo nhanh với đoàn về các hoạt động, chương trình trong 6 tháng đầu năm 2024. Đó là: Ngay sau Đại hội VI Công đoàn Dệt May Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Công đoàn ngành đã hoàn thiện, ban hành các văn bản nội bộ của nhiệm kỳ mới, chương trình hành động triển khai Nghị quyết cũng như 5 chương trình công tác lớn; Tổ chức chăm lo Tết Giáp Thìn cho người lao động (NLĐ); Ký quy chế phối hợp giai đoạn mới với Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Tổ chức phát động và các hoạt động trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ; Tổ chức 2 Hội diễn văn nghệ tại miền Trung và miền Nam với các ca khúc mới sáng tác về ngành; Triển khai chương trình đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cũng như kĩ năng, tay nghề cho NLĐ; Tổ chức "Hành trình đỏ" tại 3 miền và các hoạt động từ thiện xã hội; Khảo sát phục vụ cho Đề tài cấp Tổng Liên đoàn: Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của NLĐ ngành Dệt May Việt Nam. Trong giai đoạn tiếp theo, Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục đề ra nhiều chương trình hướng về cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Hoạt động của Công đoàn Dệt May Việt Nam đã đóng góp vào kết quả chung của Tập đoàn và doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đ/c Lê Tiến Trường ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của Công đoàn Dệt May Việt Nam mà hạt nhân là Văn phòng Cơ quan Công đoàn Dệt May Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM. Công đoàn ngành đã thực hiện rất sát với nhiệm vụ được của Đảng ủy Tập đoàn giao tại Đại hội VI, đó là "Hướng về cơ sở - Hoạt động thực chất". Những việc làm đó đã góp phần đáng kể vào sự ổn định và phát triển của Tập đoàn. Đặc biệt trong bối cảnh DN bận rộn lo lắng về hiệu quả SX-KD, đơn hàng thấp và NLĐ có nhiều tâm tư, các hoạt động của Công đoàn vẫn rất kịp thời, giữ được nhịp độ liên tục, thường xuyên, là chất xúc tác trong đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.
Điểm sáng đầu tiên là chương trình Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực thích ứng cho cán bộ, đoàn viên và người lao động. Điều này cho thấy Công đoàn ngành đã thực sự hướng về cơ sơ, đồng hành cùng NLĐ trong phát triển bản thân cũng như hỗ trợ DN trong bồi dưỡng, phát triển nguồn lực, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Thứ hai là các chương trình chăm lo cho NLĐ, không chỉ dừng ở cấp ngành mà có sự sáng tạo riêng ở cấp cơ sở. Phương hướng, cách làm chung được Công đoàn ngành phát động, triển khai, sau đó được lan tỏa, sáng tạo, linh hoạt hơn ở cấp CĐCS. Biến những hoạt động hỗ trợ ở phạm vi lớn thành những hoạt động tương thân tương ái cụ thể tại từng đơn vị.
Thứ ba, phong trào công nhân có sự chuyển biến lớn, không chỉ số lượng mà còn cả chất lượng với nhiều chương trình có tính lan tỏa cao, được NLĐ quan tâm, yêu thích. Hoạt động văn hóa tinh thần cũng hết sức nổi bật, nhất là hai Hội diễn văn nghệ tại miền trung và miền nam đã góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về ngành và tổ chức cũng như tạo ra sự gắn kết giữa NLĐ và cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn.
Đ/c Lê Tiến Trường trao đổi với cán bộ, chuyên viên Cơ quan CĐDMVN nhân kỉ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Tập trung vào nhiệm vụ gìn giữ đội ngũ và các hoạt động mang màu sắc Dệt May
Nhiệm kỳ 2023-2028 còn gần 4 năm nữa và đây cũng là giai đoạn thay đổi mang tính căn bản của ngành khi DN chuyển đổi từ cạnh tranh bằng tay nghề, thiết bị sang cạnh tranh chủ yếu bằng năng suất lao động trong quản lý, ra quyết định và năng suất lao động sáng tạo. Thêm vào đó, ngày càng nhiều các đơn hàng "nhanh, nhỏ và khó" dồn về Việt Nam. Để đáp ứng được những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi không chỉ bộ máy quản lý, hệ thống kĩ thuật, kinh doanh mà bản thân NLĐ cũng phải thay đổi. Vai trò vận động, dẫn dắt của tổ chức Công đoàn cần được phát huy hiệu quả và rộng khắp. Tuy nhiên, các DN phát triển không đồng đều, năng lực của cán bộ CĐCS khác nhau, trình độ, hiểu biết của NLĐ chưa đồng nhất, do đó muốn đạt hiệu quả, Công đoàn ngành cần phải tiếp cận, tìm hiểu cũng như tham mưu, chỉ đạo những hành động có tính cá thể hóa với từng đơn vị, từng địa phương để có một phong trào đồng đều, trải rộng.
Ngoài ra, người cán bộ công đoàn muốn tồn tại, có vị thế, có tiếng nói, phải không khác gì cán bộ điều hành tại DN. Một bên là cán bộ điều hành lo đơn hàng, quản trị, năng suất; còn một bên là cán bộ công đoàn lo vận động, giáo dục, gìn giữ đội ngũ. "Chúng ta phải thoát ra khỏi hình ảnh "cán bộ phong trào" đơn thuần. Nội hàm của "phong trào" giờ đã thay đổi, không chỉ là hoạt động bề nổi mà phải tham gia sâu hơn vào nhiệm vụ giữ gìn và phát triển đội ngũ NLĐ" - đ/c Lê Tiến Trường chia sẻ.
Sự dịch chuyển lao động và tìm kiếm lao động ngày càng khó khăn, vai trò của Công đoàn trong dự báo, tham mưu, thương lượng để có những quyết định sớm về chế độ chính sách đãi ngộ NLĐ phù hợp với điều kiện DN là hết sức cần thiết. Công đoàn Dệt May phải phát huy những kết quả đã đạt được trong phong trào công nhân và chăm lo NLĐ trở thành chương trình gìn giữ đội ngũ, tăng cường sự gắn bó với tổ chức và DN.
Đồng chí Lê Tiến Trường khuyến khích Công đoàn ngành có những nghiên cứu cụ thể về tình hình đời sống việc làm NLĐ trong hệ thống để công tác vận động đội ngũ có tính lý luận và thực tiễn, các hoạt động, phong trào công nhân được mang màu sắc Dệt May rõ ràng hơn. Như vậy mới thể hiện được tính bền vững của một Công đoàn ngành Trung ương.
Cuối bài nói chuyện, đ/c Lê Tiến Trường một lần nữa nhấn mạnh về mối quan hệ giữa Đảng ủy, Doanh nghiệp và Công đoàn: "Đảng ủy, Doanh nghiệp và Công đoàn thực chất có lợi ích chung là DN phát triển bền vững, NLĐ có công ăn việc làm, thu nhập thỏa đáng, môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, cổ đông và các cơ quan quản lý có được lợi ích từ hoạt động hiệu quả của DN". Đó cũng chính là nội hàm của thông điệp "Hướng về cơ sở - Hoạt động thực chất - Lợi ích hài hòa - Rủi ro chia sẻ" mà Đảng ủy Tập đoàn giao phó cho Công đoàn ngành tại Đại hội VI Công đoàn Dệt May Việt Nam.
VH (ghi)
Tin khác