Góc nhìn & chia sẻ
Sâu sát với Công đoàn, công nhân
Không những chỉ đạo kịp thời, sâu sát, toàn diện đối với công tác Công đoàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm thăm hỏi, động viên công nhân - lao động.
Sinh thời, dù trên cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, dành tình cảm, sự quan tâm chăm lo đặc biệt đối với tổ chức Công đoàn, công nhân - lao động. Điều đó được minh chứng qua 3 kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành thời gian đến dự, động viên, chỉ đạo.
Dấu ấn qua 3 kỳ đại hội
Trong lần đầu đến dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018, vào ngày 28-7-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 5 vấn đề để đại hội thảo luận, xem xét, quyết định, đó là: Tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách, biện pháp cụ thể đưa các quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng vào cuộc sống; Công đoàn cần chăm lo làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Công đoàn cần chủ động phối hợp với chính quyền phát động sâu rộng và tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong công nhân - lao động; Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ và cải tiến phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu mới; Công đoàn cần làm tốt công tác xây dựng Đảng tại các cơ quan, tổ chức của mình.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư được tổ chức Công đoàn các cấp nỗ lực thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhìn lại 5 năm, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác Công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hỏi thăm và tặng quà công nhân lao động tại tỉnh Hưng Yên năm 2018 Ảnh: Hải Nguyễn
Theo Tổng Bí thư, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức Công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Mười năm dõi theo hành trình phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam qua 2 kỳ dự, đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng trước sự phát triển không ngừng của tổ chức Công đoàn, các phong trào công nhân. Tổng Bí thư chỉ rõ: "Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Phải luôn trung thành với giai cấp công nhân
Tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2009), thay mặt Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Sao Vàng lần thứ hai - phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước - tặng Tổng LÐLÐ Việt Nam.
Biểu dương thành tích to lớn của phong trào CNVC-LÐ và hoạt động Công đoàn cả nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn trung thành với lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp công nhân; đoàn kết, vận động, tập hợp CNVC-LÐ đi đầu trong mọi phong trào hành động cách mạng, ra sức phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân.
Mười năm sau, năm 2019, trong cuộc gặp mặt 10 đại biểu được tôn vinh trong lễ trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần I và 90 chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ trăn trở và đặt câu hỏi cho cán bộ Công đoàn tiêu biểu: Hoạt động Công đoàn phát triển như thế nào? Tương lai nước ta sẽ thế nào? Công nghiệp nước ta phát triển đến đâu? Kêu gọi đầu tư nước ngoài, ông chủ là người nước ngoài vậy công nhân ta là người làm chủ hay làm thuê?... Những vấn đề gợi mở của người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng là những vấn đề cấp bách, trọng tâm mà nhiều năm qua tổ chức Công đoàn các cấp ra sức thực hiện.
Không những chỉ đạo kịp thời, sâu sát, toàn diện đối với công tác Công đoàn, những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành nhiều thời gian để thăm, động viên, tặng quà cho công nhân - lao động.
Hình ảnh Tổng Bí thư bắt tay, ân cần động viên công nhân mỗi khi Tết đến, xuân về trong chương trình "Tết sum vầy" do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức đã trở nên quen thuộc, in sâu trong tâm trí đội ngũ công nhân - lao động.
Nghị quyết số 02-NQ/TW - "mở đường" cho đổi mới
Ngày 12-6-2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng, đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và đến năm 2045; đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Sau 3 năm triển khai, Công đoàn Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động. Hoạt động Công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân - lao động. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất - kinh doanh...
Với truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam suốt 95 năm qua, cùng những thành tựu to lớn đã đạt được, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ nỗ lực đổi mới tổ chức và hoạt động hơn nữa để "góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh" - như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.
Báo Người lao động
Tin khác
- Điều kiện và quy trình xét chọn công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên để tôn vinh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ I năm 2025
- Mở rộng thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam
- Nghĩa đồng bào phía sau cơn bão mạnh nhất miền Bắc trong vòng 30 năm qua
- Những ý tưởng mới được ghi nhận từ chuyến thăm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên
- Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May
- Giai cấp công nhân và phong trào công đoàn quốc tế tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tóm tắt tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Dự thảo sửa đổi Luật Việc làm: một số điểm mới về bảo hiểm thất nghiệp - người lao động cần biết
- Thư chúc Tết Giáp Thìn - 2024 của Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam
- Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố
- Đàn ông và câu chuyện ngoại tình
- Video: Bay cao ước mơ năm 2024
- Giới trẻ ngày nay trong lằn ranh của “thực tế” và “thực dụng”
- Góc thơ: Thành kính tiếc thương
- Ngồi đây nhưng anh em làm gì đều biết cả đấy!
- Ngọn lửa nồng nàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho công nhân, Công đoàn
- Công đoàn Dệt May Việt Nam: Những hoạt động - sự kiện nổi bật 6 tháng đầu năm 2024
- Bệnh viện Dệt May - nơi gửi trọn niềm tin của người bệnh