Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Tìm hiểu về Ngày giỗ tổ nghề May và gặp gỡ những gương mặt đạt giải Nguyễn Thị Sen năm 2022

Theo quan niệm và suy nghĩ của nhiều người, xã hội tồn tại ngành nghề nào thì sẽ có một sự tích hay cá nhân nào đó đặt nền móng và tạo dựng nên từ thưở sơ khai.

 

Theo dòng chảy của lịch sử, có nghề đã bị mai một, thâm chí biến mất, nhưng ngược lại, nhiều ngành nghề tiếp tục được lưu truyền,  ngày càng hưng thịnh và phát triển rực rỡ.

 

Bên cạnh việc tìm  giải pháp để duy trì và phát triển, người dân còn chú trọng đến văn hóa tín ngưỡng là cúng giỗ tổ nghề. Hoạt động ý nghĩa này không những tri ân bậc tiền nhân mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa, lan tỏa vàlưu truyền thủ nghệ.

 

Dệt May là nghề truyền thống có từ lâu đời của người Việt Nam, được bắt nguồn từ khi con người biết trồng dâu nuôi tằm. Và "Tổ nghề" được gắn với tên tuổi người phụ nữ có công lao khởi nghiệp -Bà Nguyễn Thị Sen.

 

Giỗ tổ nghề May (12/12 âm lịch)

 

Theo thần tích, bà Nguyễn Thi Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (Nay là thị xã Sơn Tây- Hà Nội). Vào tuổi trăng tròn bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang; giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa. Còn theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, trong đó tứ phi Hoàng Hậu Cồ Quốc chính là Thánh tổ nghề may Nguyễn Thị Sen.

(hình minh họa)

 

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lãnh đạo quân binh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi thiên tử, lấy hiệu là Tiên Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư - Ninh Bình. Trong dịp vua Đinh Tiên Hoàng về trấn Sơn Tây kén chọn hiền tài giúp nước, đến làng Trạch Xá, Người đã cảm mến, sau đó kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Sen. Theo vua về kinh đô Hoa Lư, bà được phong là Tứ phi Hoàng hậu.

 

Tại cung vua, bà được giao lý việc  may trang phục hoàng triều. Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã cùng các cung phi tạo nên các loại quần áo cho hoàng tôn, công tử, hoàng hậu và triều nghi. Đặc biệt bà đã đào tạo được đội ngũ thợ may, thêu thùa đông đảo. Bà dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ, phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có.

 

Vào năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng bị gian thần sát hại. Buồn chán trước cảnh triều đình rơi vào binh đao tranh quyền, đoạt vị, bà đã đưa các con từ giã Hoàng cung trở về làng Trạch Xá quê nhà và truyền dạy nghề may cho dân làng. Từ đó nghề may ngày càng phát triển.

 

Bà mất vào ngày 12 tháng Chạp.Để ghi nhớ công ơn của Bà, vào ngày 12/12 (âm lịch) hàng năm, làng Trạch Xá, các tổ chức doanh nghiệp, hiệp hội ngành May, kinh doanh thời trang trên cả nước tổ chức cúng giỗ với nghi lễ trang nghiêm thành kính, thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế. Một số đơn vi trực thuộc CĐDMVN như Công ty CP Tiên Hưng, Công ty CP Dệt May Phú Hòa An, Công ty  CP Đầu tư Dệt May Thiên An Phát...vào ngày 12 tháng chạp hằng năm đều tổ chức lễ cúng giỗ với sự tham dự của đông đảo NLĐ.

 

Nguyễn Thị Sen – Giải thưởng tôn vinh nữ lao động đầu tiên trong hệ thống công đoàn toàn quốc

 

Năm 2019, Công đoàn Dệt May Việt Nam ban hành Quyết định số 193/QĐ-CĐDM ngày 27/5/2019 hình thành Giải thưởng Nguyễn Thị Sen.

 

Đây là Giải thưởng giành riêng cho lao động nữ nhằm khích lệ động viên lực lượng nữ CNVCLĐ Dệt May tiếp nối và phát huy tài năng của tiền nhân truyền lại; góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành. Sau 4 năm thành lập Giải thưởng, trên cơ sở gần 120 hồ sơ của các cá nhân được CĐCS trực thuộc đề cử, Công đoàn ngành đã xét và trao tặng Giải thưởng cho 40 nữ CNVCLĐ xuất sắc gồm: 10 LĐ nữ trực tiếp sản xuất, 14 lãnh đạo quản lý; 16 cán bộ nghiệp vụ và công đoàn.

 

Được biết, Công đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong hệ thống công đoàn toàn quốc đến thời điểm này có Giải thưởng riêng cho lao động nữ, được duy trì từ năm 2019 đến nay, đã thành công lan tỏa và tạo hiệu ứng tích cực trong phong trào thi đua nói chung và phong trào lao động nữ của ngành nói riêng.

 

Tôn vinh nữ CNVCLĐ xuất sắc đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen năm 2022

 

Nằm trong chuỗi các hoạt động tổng kết năm 2022, ngày 27/12/2022, Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức tôn vinh 10 nữ cá nhân xuất sắc đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen. Ngoài việc đảm bảo những quy định và tiêu chí của Quy chế, mỗi cá nhân đều có những thế mạnh riêng. Thành tích các chị đạt được đã góp phần thúc đẩy sự phát triển và bình đẳng giới của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ ngành Dệt May nói riêngLà nữ cán bộ trẻ có nhiều triển vọng, chị Đặng Thị Đào - Phó phòng Nhân sự Tiền lương Nhà máy Wash Linh Trung, Công ty Quốc Tế Phong Phú, "ghi điểm" với 3 sáng kiến được ứng dụng tại đơn vị, trong đó sáng kiến"Đồng nhất phương pháp tính lương của 25 nhà máy và công ty con đưa lên phần mềm tính lương" vừa đem lại hiệu quả thiết thực, vừa tiết kiệm thời gian, công sức.

 

10 gương mặt Nguyễn Thị Sen năm 2022

 

Cùng với chị Đào, chị Nguyễn Bình Minh Tân- Tổ trưởng Nhà máy Sợi Hòa Xá (Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định) có thành tích hướng dẫn những thao tác hay, cách làm hiệu quả cho đồng nghiệp; tích cực tham gia cuộc thi thợ giỏi các cấp và đạt giải cao.

 

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Giải thưởng năm nay được trao cho chị Nguyễn Diệp Linh- Phó Giám đốc Công ty CP- Viện Nghiên cứu Dệt May với Đề án "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công thương,phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đề án được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, ứng dụng vào thực tiễn ngành nghề.  

 

Chị Lý Thị Kim Ngân- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mẫu Dương Long - Tổng Công ty CP May Việt Tiến đã tích cực ứng dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, trách nhiệm xã hội, chương trình 5S... tại nơi làm việc; thực hiện sản xuất theo công nghệ Lean nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để giữ vững thương hiệu...

 

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu, là những sáng tạo, cống hiến đậm nét trong mảng hoạt động công đoàn. Các chị: Trần Quý Dân- Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10- CTCP, Huỳnh Thị Hoa- Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Vinatex Đà Nẵng, Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Chủ tịch Công đoàn nhà máy May Veston Hòa Thọ-Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Nguyễn Thị Hương - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP May Bình Minh, Trần Thị Thanh Châu- Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đầu tư Thương Mại Thành Công... chính là những nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu.

 

Hầu hết đều có thời gian gắn bó với ngành Dệt May từ 25- 35 năm, tâm huyết với nghề, các chị luôn đặt NLĐ ở vị trí trung tâm, tìm mọi giải pháp chăm lo không chỉ cho cá nhân NLĐ mà còn cả gia đình để họ yên tâm công tác. Thường xuyên vận động NLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; hưởng ứng phong trào thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phúc lợi đoàn viên. Bên cạnh đó các chị luôn đồng hành và là đối tác tin cậy của doanh nghiệp trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập cho NLĐ., Trải qua quá trình hàng nghìn năm ra đời, hình thành và xây dựng,  Dệt May ngày càng phát triển rực rỡ, trở ngành một ngành kinh tế mũi nhọn; giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội; luôn giữ vững kim ngạch xuất khẩu, top 3 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới; nhiều mẫu của các nhà thiết kế người Việt được yêu thích và lựa chọn trên toàn thế giới...

 

Với các sản phẩm phong phú, đa dạng, từ kiểu dáng cho đến chất liệu, giá thành; phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng..., Dệt May không những phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống mà còn có giá trị thẩm mỹ, làm đẹp cho đời, làm giàu cho đất nước, góp phần giới thiệu, quảng bá và nâng tầm hình ảnh đất nước.

 

Hướng về Ngày giỗ tổ nghề, hy vọng từ Giải thưởng mang tên Bà tổ ngành may Nguyễn Thị Sen, sẽ là mạch nguồn tiếp nối, tạo động lực mạnh mẽ để phong trào thi đua trong lao động Dệt May nói chung và nữ lao động nói riêng ngày càng có hiệu quả thực chất, khẳng định được thương hiệu và bản sắc ngành nghề.

 

                                                                                          Nguyễn Thị Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website