Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Im lặng không phải là giải pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước bạo lực, xâm hại

Việt Nam là một quốc gia đi đầu về xây dựng các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Những năm gần đây, nhiều bộ luật như Luật bình đẳng giới, Phòng, chống bạo lực gia đình, Hôn nhân và Gia đình, Trợ giúp pháp lý, Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… đã được Quốc hội ban hành, sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên, trên thực tế nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, kể cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp của họ thay vì lên tiếng để được bảo vệ vì nhiều lý do khác nhau chọn giải pháp im lặng. Từ đó tạo điều kiện để đối tượng bạo lực tái diễn gây hệ lụy đối với nạn nhân, cản trở sự phát triển và tiến bộ xã hội.

 

Im lặng, đồng nghĩa với chấp nhận chịu đựng và tiếp tay cho bạo lực

 

Do định kiến xã hội, không ít người đàn ông coi việc bạo lực với vợ, con là "Việc riêng của nhà tôi", "Yêu cho roi, cho vọt"...Họ không ý thức được hành động đó là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền công dân. Đối với nhiều phụ nữ, trẻ em do thiếu kiến thức về bạo lực, xâm hại, không có kỹ năng tự vệ đã phải gánh chịu những nỗi đau cả thể xác và tinh thần trong suốt thời gian dài. Và điều đáng quan tâm, nhiều nạn nhân bị bạo lực,  người thân của họ mặc dù biết nhưng âm thầm chịu đựng; không dám lên tiếng, khai báo, tố giác; Hoặc bản thân nạn nhân không lên tiếng chia sẻ với bất cứ ai, kể cả người đó là ruột thịt của chính mình.

 

Có rất nhiều lý do khiến họ im lặng: Họ cảm thẩy xấu hổ khi danh dự cá nhân, bố mẹ, con cái liên lụy, nhất là đối tượng gây bạo lực, xâm hại là người thân trong gia đình.  Ngoài ra, một số người bị đối tượng gây bạo lực đe dọa, uy hiếp nên không dám tố cáo. Sự thỏa hiệp  theo hướng "Đóng cửa trong nhà bảo nhau". Cùng với đó là quan hiệm "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại"...khiến nạn nhân bị bạo lực càng phải cố gắng im lặng. Đây chính là nguyên nhân khiến các vụ bạo lực, xâm  hại có chiều hướng gia tăng; hành vi  gây bạo lực có cơ hội lặp lại.

 

Bên cạnh đó bạo lực, xâm hại thường khó phát hiện trừ phi ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng ... Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc tiếp cận, hỗ trợ giải quyết các vụ việc; khiến nhiều vụ bạo lực khi bị phát hiện, tố giác đã quá muộn. Như vậy, nếu nạn nhân bị bạo lực, xâm hại chọn giải pháp im lặng, đồng nghĩa với chấp nhận và tiếp tay cho bạo lực.

 

 

"Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới"

 

Đây là chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với mong muốn nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội, đặc biệt là nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Việc chọn chủ đề này khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam đang đặt mục tiêu tiến tới bình đẳng giới thực chất.

 

Trước đó, năm 2000 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Còn tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP thực hiện chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, theo đó chọn Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực diễn ra từ ngày 15/11-15/12 hằng năm và triển khai trên phạm vi toàn quốc, được đông đảo các cấp, các ngành, địa phương và người dân hưởng ứng.

 

Tuy nhiên, khi quan niệm về bất bình đẳng giới, sự thiếu hiểu biết hoặc chưa tuân thủ pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại của không ít cá nhân vẫn tồn tại. Sự thiếu kiểm soát hành vi do áp lực cuộc sống, mẫu thuẫn trong gia đình  chưa được giải quyết dẫn đến hành vi bạo lực; chế tài xử phạt đối với hành vi gây ra bạo lực còn bất cập. Một số cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giải quyết các vụ bạo lực dừng lại ở việc nhắc nhở, giáo dục, hòa giải nên không đủ sức răn đe.

 

Một số giải pháp ngăn chặn bạo lực, xâm hại

 

Bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không còn là của riêng ai, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 

Một là bản thân người phụ nữ phải thay đổi nhận thức, cởi bỏ những định kiến không còn phù hợp với cuộc sống và xã hội hiện đại. Cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán; nỗ lực hơn nữa trong công việc để có thu nhập, khẳng định bản thân, vị thế trong gia đình và xã hội.  Ứng xử khéo léo, hợp lý trong các mối quan hệ. Chia sẻ với người bạn đời khi họ gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bị bạo lực, xâm hại thay vì âm thầm một mình chịu đựng.

 

Hai là phát huy vai trò của gia đình. Đây là môi trường sống đầu tiên,  nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Cha, mẹ cần giáo dục, trang bị cho con kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc nhận diện để phòng, chống các hành vi xâm hại, bạo hành. Kịp thời giải quyết những mâu thuẫn dù nhỏ trong phạm vi gia đình. Khi vợ/chồng không tìm được tiếng nói chung từ cuộc sống hôn nhân nên bàn bạc, thống nhất để có giải pháp tốt nhất đem lại hạnh phúc mới cho cả hai.

 

Ba là ở phạm vi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi NLĐ công tác. Công đoàn phối hợp với chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền về các bộ luật, các văn bản pháp luật, kỹ năng liên quan đến công tác phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, những yếu tố nhận biết về hành vi bạo lực, quấy rối tình dục nơi làm việc... giúp NLĐ nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực, xâm hại để họ tự bảo vệ mình khi không may hoặc có nguy cơ trở thành nạn nhân.

 

Bốn là các đoàn thể chính trị, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng,  bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền cần chú trọng đến nắm bắt dư luận xã hội; kịp thời tư vấn, hòa giải, hoặc xử lý các vụ việc, hành vi liên quan đến bạo lực, xâm hại để răn đe, ngăn chặn. Phối hợp với nhà trường hỗ trợ, giúp đỡ học sinh đặc biệt là học sinh nữ trong đấu tranh phòng, chống bạo lực, xâm hại.

 

Năm là cộng đồng xã hội, mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm công dân, mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, những nghi ngờ về bạo lực, xâm hại. Thay vì phán quyết chủ quan không có cơ sở đối với nạn nhân bị bạo lực, xâm hại khiến họ tổn thương nhiều hơn. Hãy động viên chia sẻ; cung cấp địa chỉ cơ quan chức năng, số điện thoại của các chuyên gia, trung tâm tư vấn miễn phí cho người yếu thế, tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để họ được hỗ trợ kịp thời./.

 

                                                                                    Nguyễn Thị Thủy

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website