Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Một số nội dung mới trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật việc làm và một số góp ý đối với nội dung về bảo hiểm thất nghiệp

Luật Việc làm năm 2013 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015, đã mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động); là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

 

 

Sau 7 năm triển khai thực hiện, Luật Việc làm năm 2013 bắt đầu bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Vì vậy,  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó xác định có 4 lý do cho thấy sự cần thiết phải xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm; thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam, những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.

 

Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm

 

Trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTBXH  đã đưa ra những khó khăn, hạn chế, bất cập đòi hỏi sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xuất phát từ những lý do sau:

 

(1) Còn một số bất cập trong quy định chung cụ thể: "quản lý lao động" là một trong những nội dung quản lý nhà nước về việc làm nhưng không được đề cập trong phạm vi điều chỉnh và quy định cụ thể tại các Chương trong Luật Việc làm; trên thực tế, hầu như chưa quản lý được toàn bộ lực lượng lao động, nhất là nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động; Thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số; chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) chuyển tiếp việc làm, tìm việc trong bối cảnh già hóa dân số và một số hành vi bị nghiêm cấm về dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), kỹ năng nghề...

 

(2) Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm còn nhiều bất cập cả về huy động nguồn lực và thủ tục giải quyết cho vay; Chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn; Thiếu quy định tạo cơ hội tiếp cận chính sách tín dụng, học nghề cho mọi lao động có nhu cầu làm việc ở nước ngoài;

 

(3) Về chính sách BHTN cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: đối tượng tham gia chưa bao phủ hết các đối tượng; các chế độ BHTN còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; Nguồn nhân lực, kinh phí, cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động BHTN của trung tâm dịch vụ việc làm còn nhiều bất cập

 

Ngoài ra, còn nhiều bất cập, hạn chế trong quy định nội dung thông tin về thị trường lao động; về đánh giá cấp chứng chỉ ký năng nghề quốc gia; về tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm.

 

4 nhóm chính sách đề xuất trong Luật Việc làm (sửa đổi)

 

Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTBXH dự kiến đề xuất xây dựng tập trung vào 4 nhóm chính sách, bao gồm:

 

Nhóm chính sách 1: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước. Nhóm chính sách này sẽ tập trung vào các giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước. Hoàn thiện hệ thống thông tin, nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động và dịch vụ việc làm; tăng cường quản lý lao động.

 

Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động. Mục tiêu của nhóm chính sách này là Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp. Đây là nhóm chính sách có tác động rất lớn đến người lao động. Trong Dự thảo xây dựng Luật Việc làm sửa đổi, về quy định liên quan tới chế độ trợ cấp thất nghiệp của BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất: Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với NLĐ khu vực nhà nước cho phù hợp với việc bỏ lương cơ sở; bổ sung quy định liên quan trường hợp NLĐ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; quy định một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, như tự ý bỏ việc, bị buộc thôi việc...Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất thêm quy định hỗ trợ NLĐ đang tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, gồm cả hỗ trợ chi phí khác trong thời gian học nghề (đi lại, sinh hoạt phí…). Với người sử dụng lao động, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định để nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; thêm hỗ trợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN khi tuyển dụng NLĐ khuyết tật, dân tộc thiểu số, người cao tuổi.

 

Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu của nhóm chính sách này là đồng bộ quá trình đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, góp phần phát triển kỹ năng nghề gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững với mục tiêu thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.

 

Một số góp ý liên quan đến nội dung sửa dổi về chính sách bảo hiểm thất nghiệp

 

Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đối với nhóm chính sách về BHTN có nhiều nội dung tích cực và phát huy được đẩy đủ các chức năng của BHTN như mở rộng đối tượng tham gia BHTN; Sửa đổi 04 chế độ hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi, rà soát điều kiện tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; Quy định các vấn đề liên quan Quỹ BHTN; Quy định việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN theo hướng tạo thuận lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính;

 

Tuy nhiên, trong hồ sơ đề nghị hiện nay có một số nội dung đề xuất sửa đổi về chính sách BHTN làm giảm đi ý nghĩa của BHTN và hạn chế quyền của NLĐ trong quy định pháp luật lao động, cụ thể các nội dung đó là:

 

- Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc;

 

- Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp;

 

- Bổ sung một số trường hợp không được hỗ trợ học nghề gồm: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc;   

 

Ý nghĩa của chính sách BHTN là nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm tạm thời. Quan trọng hơn, khi hưởng chế độ này, NLĐ còn được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề để tiếp tục tham gia thị trường lao động. Do đó, với việc đề nghị sửa đổi các nội dung nêu trên sẽ mất đi ý nghĩa của chính sách BHTN, không đúng theo nguyên tắc bảo hiểm xã hội là mức hưởng tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và hạn chế đến thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ được quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019. Đặc biệt ở khoản 2 của quy định này, một số trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ bị xâm hại, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ để không bị xâm hại nghiêm trọng hơn, bảo vệ sức khỏe thậm chí tính mạng cho NLĐ. Bên cạnh đó, trong trường hợp NLĐ bị kỷ luật lao động buộc thôi việc hoặc sa thải, đây là hình thức kỷ luật lao động cao nhất dẫn đến hậu quả NLĐ bị mất việc làm, mất thu nhập và rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới, trong khi NLĐ đã có mức đóng và thời gian đóng BHTN trước đó để hỗ trợ, bảo vệ cho họ khi rủi ro mất việc làm. Vì vậy, đề nghị Luật Việc làm sửa đổi không bổ sung sửa đổi các nội dung trên.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website