Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

“Không chất thải” trong thời trang và dệt may: Nền tảng của tương lai

"Không chất thải" là một hạng mục nằm trong lĩnh vực rộng lớn của tính bền vững, cung cấp thông tin chi tiết về hầu hết các khía cạnh của thế giới, của xã hội, trong đó có các khía cạnh chính gồm thương mại, đổi mới và môi trường. Ngày nay, xã hội hiện đại đang tìm cách giảm đáng kể lượng khí thải carbon và xác định sự phát triển của các công nghệ trong tương lai gần. Do đó, "không chất thải" là xu hướng tương lai sắp tới đối với các nguồn hàng, trong đó có hàng dệt may. Nghĩa là mặt hàng này có thể tái tạo, giảm tiết carbon, bảo vệ môi trường xung quanh và giữ môi trường cân bằng.

 

 

Tác động môi trường

 

Ngành công nghiệp thời trang và dệt may là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, sau ngành công nghiệp dầu mỏ. Khi các ngành công nghiệp phát triển, thiệt hại sinh thái cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên, để giảm thiểu những vấn đề này, vẫn có những lựa chọn và giải pháp thay thế, trong đó xây dựng ý thức và sự sẵn sàng thay đổi là bước đầu tiên để cải thiện.

 

Hình 1. Phần trăm ô nhiễm do các loại hàng dệt khác nhau gây ra.

 

Hình 1 mô tả phần trăm ô nhiễm do các loại vải dệt khác nhau gây ra. Ngành công nghiệp thời trang và dệt may chiếm tỉ lệ cao trong việc làm suy giảm chất lượng tài nguyên môi trường, đặc biệt tác động mạnh vào đất và nước theo nhiều cách khác nhau. Nước thải dệt nhuộm sử dụng trong sản xuất hàng may mặc chưa qua xử lý có chứa các chất độc hại như: thủy ngân, asen, chì và những thứ khác được đổ trực tiếp vào các vùng nước gây nguy hiểm cho loài người và thủy sinh trên toàn cầu. Mỗi lần giặt quần áo có nguồn gốc từ vật liệu tổng hợp (polyester/nylon…), khoảng 1900 sợi nhỏ sẽ đi theo đường thoát nước ra biển, từ đó tạo ra lượng lớn rác thải dưới đại dương.

 

Chất thải dệt may tại các bãi chôn lấp trên toàn cầu đang tăng lên hàng năm (Hình 2). Mức độ lãng phí do người mua gây ra là hệ quả trực tiếp của chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu.

 

Hình 2. Tỉ lệ xử lí quần áo sau khi sử dụng.

 

Trong ngành công nghiệp thời trang và dệt may, việc loại bỏ rác thải đang rất được quan tâm vì lượng chất thải hàng năm đang tăng lên. Trung bình, có sự gia tăng mua hàng thời trang hơn khoảng 60% so với năm 2000. Những hành vi mua hàng này góp phần tạo ra 39 triệu tấn chất thải thời trang sau tiêu dùng được tạo ra trên toàn cầu mỗi năm – chủ yếu ở dạng quần áo. Hơn 57% tổng số quần áo bị vứt bỏ sẽ được đưa vào bãi rác, chỉ 1/5 số đó được tái chế, còn lại sẽ đổ vào các bãi chôn lấp hoặc bị tiêu hủy.

 

Thời trang tái chế: mô hình phát triển bền vững của tương lai

 

Thời trang tái chế ở đây có nghĩa là tạo ra các sản phẩm may mặc bằng vật liệu tái sử dụng và làm chúng "sống lại" với sức sống và giá trị mới. Nhiều quốc gia và thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đang bắt đầu tập trung vào các hành động có đạo đức, biết bảo vệ và giữ gìn môi trường hơn. Các quốc gia hiện đang sử dụng các quy trình dệt đơn giản hơn, loại bỏ việc sử dụng thuốc nhuộm hóa học và màu tổng hợp. Các tổ chức như Adidas đã tạo ra các bộ sưu tập làm từ chất thải nhựa có nguồn gốc từ đại dương và các thương hiệu như Zara tập trung vào thời trang đường phố cao cấp, chuyển đổi cửa hàng của họ thành một cửa hàng bền vững vào năm 2025.

 

 

Nhu cầu chính để thay đổi hình ảnh của thời trang có đạo đức là nhận thức của người tiêu dùng đối với các loại quần áo bền vững. Các thương hiệu thời trang phải nỗ lực cung cấp một hệ thống bán lẻ phù hợp và  đổi mới để thu hút khách hàng trẻ, những người có xu hướng hướng tới các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường. Ngoài ra, người ta đã quan sát thấy rằng các lựa chọn quần áo tái chế còn rất hạn chế về thị giác và chức năng; khách hàng thiếu thông tin về sản phẩm và không chắc chắn về lợi ích thực sự đối với môi trường.

 

Tái chế các loại chất thải trong ngành dệt may

 

Chất thải dệt may có thể được phân loại chủ yếu thành ba loại chất thải: Chất thải trước khi tiêu dùng; Chất thải sau tiêu dùng và Chất thải dệt công nghiệp

 

Sản xuất hàng dệt may tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên. Việc sử dụng các hóa chất độc hại và thải ra một lượng lớn khí carbon dioxide cũng làm tăng thêm vấn đề về môi trường. Khoảng 10 tấn sản phẩm dệt may được thải bỏ mỗi năm ở châu Âu và châu Mỹ, trong khi con số này ở Trung Quốc gấp đôi. Những chất thải này gây tắc nghẽn cho các bãi chôn lấp và làm ô nhiễm môi trường. Người ta ước tính rằng khoảng 95% chất thải trong quá trình sản xuất sản phẩm dệt may được xử lý có thể được sử dụng lại. Trong những năm gần đây, do cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và việc xử lý tăng cường, ngày càng nhiều chất thải dệt may được tái sử dụng hoặc tái chế. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (USEPA), chất thải dệt may chiếm khoảng 5% tổng số nơi chôn lấp; nhưng hàng năm, chất thải này sau tiêu thụ được tái chế chỉ chiếm 15%, và do đó, một lượng lớn (85%) chất thải được chất đống trong các bãi chôn lấp.

 

 

 

Hội đồng Tái chế Dệt may (CTR) đã phân loại vật liệu tái chế dệt may là vật liệu được tái chế từ chất thải trước hoặc sau tiêu dùng. Chất thải sơ cấp, được coi là chất thải sạch, được tạo ra trong quá trình sản xuất — thông qua xử lý sợi, sản xuất sợi và vải thành phẩm, dệt kỹ thuật, vải không dệt, quần áo và giày. Chất thải sau tiêu dùng là chất thải được người tiêu dùng thải bỏ do một số lý do như người tiêu dùng không thích vải hoặc có thể bị nhàu, bị giãn. Hầu hết các chất thải sau tiêu dùng có chất lượng tốt, có thể được tái sử dụng hoặc thu hồi như đồ cũ và thường được giao dịch cho các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, chất thải dệt may không được người tiêu dùng ưa chuộng sẽ được tái sử dụng trong sản xuất.

 

Sự thay đổi liên tục của kỷ nguyên thời trang đã dẫn đến việc gia tăng chất thải sản phẩm dệt may. Việc sử dụng một chế độ tái chế thích hợp có thể giúp chuyển đổi những chất thải này thành nguyên liệu thô, có thể được sử dụng nhiều hơn trong các sản phẩm giá trị gia tăng chuyên nghiệp. Hình 3 thể hiện các chiến lược xử lý chất thải dệt may theo khái niệm 3R, bảo gồm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Tái chế chất thải dệt may mang lại một lợi thế lớn cả về kinh tế và môi trường. Nó làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, làm giảm diện tích bãi chôn lấp, tiêu thụ các nguồn tài nguyên hạn chế, tiêu thụ năng lượng và nước cũng như nhu cầu sử dụng các chất cố định và thuốc nhuộm. Tuy nhiên, các quy trình tái chế không phải lúc nào cũng được ưu tiên so với các quy trình thông thường do vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức.

 

 

Hình 3. Các chiến lược xử lý chất thải dệt nhuộm Khái niệm 3R.

 

Đánh giá vòng đời và nền kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may

 

Ảnh hưởng hoàn toàn của sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ đối với môi trường có thể được đánh giá bằng đánh giá vòng đời (LCA). LCA bao gồm một phương pháp khoa học để nghiên cứu ảnh hưởng của toàn bộ sản phẩm trong vòng đời lên môi trường. Nó không chỉ đơn thuần là chất lượng sản phẩm cũng như khối lượng chất thải chất thành đống như một bãi chôn lấp hay trong lò nung, mà vòng đời của sản phẩm quy định tác động đến môi trường của nó.

 

LCA xác định quy trình hoàn chỉnh, tức là từ khai thác nguyên liệu thô để phát triển, sử dụng, tái chế và loại bỏ chất thải. LCA cũng đánh giá việc cải tiến công nghệ xanh hơn đã được thực hiện hay chưa. Phương pháp bài bản này sẽ dẫn đến kiến thức về dấu chân của chuỗi sản phẩm trong môi trường và giúp quyết định thiết kế quy trình tốt hơn với ít tác động hơn đến môi trường. LCA cũng được sử dụng để theo dõi sự phát thải carbon dioxide và khí nhà kính, qua đó kiểm tra dòng nước và năng lượng trong quá trình này.

 

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may quan tâm đến việc giảm các bãi chôn lấp hoặc điều chỉnh dòng chảy tài nguyên, nó cũng tập trung vào việc thiết lập các phương pháp tạo ra khả năng tự duy trì và có thể được tái chế nhiều lần.

 

Việc tiêu thụ hàng dệt may, cùng với nhà ở, thực phẩm và việc đi lại, dẫn đến những tác động môi trường đáng kể. Các tác động có hại đối với môi trường có thể được giảm thiểu bằng cách tái sử dụng và tái chế chất thải. Các công nghệ hiện tại cho phép thực hiện tái chế trên cơ sở hợp lý về mặt sinh thái, đạo đức, tiết kiệm và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, quá trình tái chế hàng dệt vẫn gặp phải một số vấn đề, chẳng hạn như các phương pháp được áp dụng không phù hợp để tái chế nhiều loại sợi; Quy mô thị trường không đủ để thu thập nguyên liệu từ việc xử lý lại hoàn toàn quần áo; Việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên nguyên chất, chẳng hạn như bông và dầu thô, vẫn mang tính đặc biệt cao hơn so với việc tái chế sợi dệt… Tái chế là một cách tiếp cận tốt cho môi trường và khía cạnh kinh tế xã hội. Những hỗ trợ kinh tế – xã hội là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho các nhà sản xuất tuân theo các phương pháp thiết kế bền vững cho ngành công nghiệp dệt may.

Bài: Đặng Bá Nam

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website