Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Để mái ấm của cha mẹ mãi mãi là ngôi nhà hạnh phúc

Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ cùng cực trước vụ việc cháu gái 8 tuổi bị bố đẻ và vợ hờ của bố đánh đập dã man, hành hạ tới chết.

 

Hành động mất hết nhân tính của cô gái trẻ có thể được người ta giải thích bằng câu cửa miệng "Mấy đời bánh đúc có xương", nhưng còn thái độ và việc làm đồng lõa, dung túng, bao che cho người tình suốt một thời gian dài, dẫn đến cái chết đầy oan khuất của cô bé đáng thương, từ chính người cha đẻ thì lại là hành động không thể nào hiểu nỗi, là việc làm mà "Trời không dung, đất không tha". Người ta chỉ còn biết cảm thán một cách đầy chua xót và bất lực "hổ dữ còn không ăn thịt con!"…

 

Nhiều người dân đã đến cầu nguyện cho cô bé xấu số

 

Từ quan niệm giáo dục "Yêu cho roi cho vọt"

 

Điều thực sự đáng lo ngại là vụ việc nói trên không phải trường hợp hiếm gặp. Cách đây chưa lâu, câu chuyện về người bố ở Hà Nội, trong khi dạy con học bài, vì một phút nóng giận, thiếu kiềm chế, đã sử dụng bạo lực, dẫn đến cái chết tức tưởi cho con gái 6 tuổi.

 

Có những trường hợpbố mẹ tuy không trực tiếp gây ra cái chết cho con trẻ nhưng những trận đòi ron, những lời nhục mạ, mắng chửi.... nhiều khi chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ, vu vơ, đã khiến cho các con vì xấu hổ, uất ức, nhục nhã với bạn bè mà tìm tới cái chết.

 

Đã hơn hai thập kỷ của thế kỷ 21 qua đi, nhưng tại Việt Nam, ở cả nông thôn và thành phố, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ thường xuyên sử dụng bạo lực trong giáo dục con cái. Những người bố, người  mẹ này, họ không phải là dạng "máu lạnh" như người cha cô bé 8 tuổi, mà ngược lại, có thể còn rất yêu thương con, nhưng quan niệm nói suông không ăn thua, phải đòn đau thì trẻ mới biết sợ, mới nhớ lâu, đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ. Chỉ tới khi hậu quả đáng tiếc xảy ra thì khi ấy họ mới ân hận, đau đớn cùng cực và tự oán trách bản thân, thậm chí muốn được chết theo cùng con. Điển hình như trường hợp ông bố ở Hà Nội.

 

"Không phải đao kiếm hay súng ống, lời nói chính là vũ khí sát thương lớn nhất"

 

Đây là lời thoại đắt giá trong một bộ phim được khán giả yêu thích gần đây - "11 tháng 5 ngày".

 

Câu thoại ấy không chỉ đơn giản là triết lý sâu sắc trong một sản phẩm giải trí mà chua xót hơn, nó phản ảnh một thực tế rất phổ biến, nỗi đau thể xác chưa hẳn đã là nỗi đau lớn nhất, mà  những lời nói đầy tính "sát thương" từ chính những người thân yêu nhất mới khiến cho người thân của họ dày vò, ám ảnh, đau đớn khôn nguôi.

 

Thực tế này càng trở nên chính xác hơn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ở cả nông thôn và thành thị; cả ở những người nhận thức còn hạn chế lẫn trí thức có trình độ hiểu biết cao.

 

Cha mẹ rất quan tâm, nhưng...

 

Cha mẹ, nhiều khi chỉ vì chút nghịch ngợm, hiếu động, hơi lười học do tâm lý lứa tuổi của con trẻ mà sẵn sàng buông ra những câu chửi rủa, nhục mạ, xúc phạm tới nhân phẩm con cái, làm cho chúng có cảm giác xấu hổ, ê chề, thậm chí không dám gặp ai nữa.

 

Trong nhiều trường hợp, các con tuy đã rất chăm chỉ nhưng không được như kỳ vọng của cha mẹ, hoặc thậm chí con học đã giỏi nhưng chưa xuất sắc bằng "con nhà người ta", nhiều bậc cha mẹ cũng tỏ ra cay cú, hơn thua, sẵn sàng mạt sát, đay nghiến, hạ thấp khả năng, trình độ của trẻ, khiến các con trở nên hoang mang, mất hết sự tự tin, nghi ngờ năng lực của chính mình, không còn muốn cố gắng, nỗ lực, dần dà trở nên chán học, sợ học, oán hận chính cha mẹ của mình.

 

Có những bậc cha mẹ thì luôn phớt lờ những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của con trẻ, ép con phải nghe theo lựa chọn của mình mà không xem xét tới sở thích, năng lực thực sự, không lắng nghe, tôn trọng ý kiến của con, khiến cho chúng buộc phải nghe theo vì sợ, chứ không cảm thấy "tâm phục khẩu phục".

 

Nhiều cha me vẫn giữ quan niệm dạy con "yêu cho roi cho vọt"

 

 

Để con tự bơi

 

Ngược lại với những ông bố, bà mẹ nói trên, lại có một bộ phận không nhỏ cha mẹ, vì lý do bận công việc, mưu sinh; vợ chồng ly hôn hay thậm chí... chả vì lý do gì nhưng luôn thờ ơ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương con cái, để mặc trẻ tự lớn lên như cây cỏ; loay hoay với rất nhiều vấn đề của tuổi mới lớn mà không biết phải cậy nhờ ai; cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà, bên những người thân thương nhất của mình, dần dà tạo nên những rào cản trong tâm lý cũng như sự mất phương hướng của trẻ nhỏ trong quá trình phát triển.

 

Trên đây là những trường hợp cha mẹ chăm sóc và dạy dỗ con cái không đúng cách, hoặc là quan tâm một cách thái quá, khiến con trẻ dần mất hết tính độc lập, cảm thấy bị áp lực, o ép tới ngột ngạt, chỉ muốn được phản kháng, thoát ra; hoặc là thờ ơ, thiếu quan tâm khiến con mất phương hướng, buông xuôi hoặc phát triển một cách tiêu cực. Tất cả những phản ứng này đều sẽ dẫn tới hệ quả vô cùng tai hại cho quá trình nuôi dạy, giáo dục trẻ em.

 

Cho dù là thời tiền sử hay tới xã hội hiện đại, văn minh, ngôi nhà của thuở ấu thơ sẽ luôn là chốn đi về ấm áp yêu thương, bao bọc chở che, đối với bất kỳ ai, đặc biệt là với những tâm hồn bé dại, non nớt, mong manh của con trẻ. Nhưng chúng ta đã bao giờ tự hỏi, liệu có bao nhiêu đứa trẻ trên đất nước của chúng ta, thực sự cảm thấy hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình?

 

Cháu gái 8 tuổi hẳn đã đau đớn, cô đơn đến cùng cực trong những phút giây cuối cùng của cuộc đời bất hạnh, ngắn ngủi, bởi người cha, cái phao thương yêu, bấu víu cuối cùng của bé, lại chính là kẻ đồng lõa tàn nhẫn, nhấn chìm, đẩy bé tới cái chết!

 

Để mỗi ngôi nhà của mẹ cha thực sự trở thành những ngôi nhà hạnh phúc, hỡi những bậc làm cha, làm mẹ, với con trẻ, yêu thương thôi là chưa đủ!

 

Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website