Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Covid-19 : Những nỗi đau để lại

Tính đến ngày 09/12/2021 đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 27 nghìn người dân Việt Nam. Dự báo số ca tử vong sẽ còn tăng khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, trung bình một ngày có tới hàng chục nghìn ca nhiễm trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Theo báo cáo của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có CĐCS trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại toàn ngành có 13 CNVNLĐ tử vong vì dịch Covid-19. Đây là con số rất nhỏ so với sự mất mát của hàng chục nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ… nhưng cũng đã để lại nỗi đau tận cùng cho người thân, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

 

Gắng sức vượt qua đau thương, mất mát

 

Là công nhân xí nghiệp May Việt Long- Tổng công ty CP May Việt Tiến, chị Bùi Thị Vinh đang mang thai ở tuần thứ 32 cùng 2 con trở thành F0.  Điều trị được 14 ngày thì sức khỏe của chị Vinh diễn biến xấu và ngày càng nguy kịch nên được chuyển từ Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến đến Bệnh viện Hùng Vương và được chỉ định sinh mổ để cứu mẹ và con cho dù thai nhi lúc đó mới được 34 tuần.  Hạnh phúc khi con cất tiếng khóc chào đời chưa đầy tháng thì chị Vinh ra đi mãi mãi, để lại cho chồng chị 4 đứa con, trong đó con thứ 4 sinh non cần chế độ chăm sóc đặc biệt.

 

Đại diện Công đoàn Tổng Công ty Việt Tiến đến thăm hỏi gia đình chị Bùi Thị Vinh - người đã mất do dịch Covid-19

 

Cuộc sống của gia đình anh chị vốn dĩ trước đó đã khó khăn, với nguồn thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng/tháng nhưng phải chi trả tiền thuê nhà, nuôi 3 con ăn học giờ càng khó khăn hơn.  Một mình anh Nguyễn Duy Tiên chồng chị lo toan, xoay sở không nổi phải nhờ đến sự hỗ trợ của người thân. Hiện con thứ 4 được cô ruột chăm sóc, con trai lớn đang học năm thứ nhất Đại học Bách Khoa Đà Nẵng được ông bà nội ngoại hỗ trợ nuôi ăn học, con thứ 2 và 3 gửi về quê Quảng Nam học trực tuyến... Anh Tiên chia sẻ "Hiện tại tôi đang "mất phương hướng" vì gánh nặng lo cho cuộc sống của 5 cha con.  Bản thân tôi làm nghề tự do nên thu nhập không ổn định, 16 năm rời quê lên Sài gòn lập nghiệp nhưng gia đình không có tiền tích lũy"...

 

Cùng hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Duy Tiên, anh Huỳnh Văn Khải công nhân Công ty TNHH Thương mại Cái Mép có vợ là chị Lê Mỹ Hạnh công nhân xí nghiệp may Vimiky- Tổng Công ty CP May Việt Tiến mang thai con thứ 3 đến ngày hạ sinh thì nhiễm Covid-19. Chị Hạnh là F0, sau đó là con lớn nên cả nhà phải cách ly. Điều trị được 2 ngày, chị Hạnh sinh con và tử vong sau đó 15 ngày. Anh Khải tâm sự: "Tôi không nghĩ ngày cả gia đình thực hiện cách ly (13/7/2021) cũng là lần cuối cùng 4 thành viên đoàn tụ. Trong lúc vợ tôi đau đớn vì sinh con và trút hơi thở cuối cùng vì shock nhiễm trùng, viêm phổi nặng bội nhiễm, tổn thương cơ tim... tôi và người thân không ở cạnh để động viên chăm sóc".

 

Sau khi chị Hạnh mất, đợi nhận tro cốt của vợ để lo hậu sự 4 bố con anh Khải phải rời Sài Gòn về quê Cà Mau để nhờ người thân hỗ trợ. Gạt nỗi buồn và tình thương con hiện anh Khải đã trở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc nhưng không khỏi lo lắng tương lai cho gia đình thiếu đi bàn tay của người phụ nữ.

 

Còn đối với chị Mai Thị Hồng- Công ty May Việt Thắng, ngày 2/9/2021 đánh dấu sự kiện buồn nhất đối với chị và 2 con khi anh Châu Gia Phước chồng chị bị tử vong. Cả gia đình thực hiện cách ly được 2 ngày thì sức khỏe anh diễn biến xấu, được chuyển đến Bệnh viện dã chiến và tử vong sau 10 ngày điều trị. Đã qua hơn 3 tháng mất đi người thân nhưng chị Hồng và 2 con chưa thể ổn định tinh thần. Bên cạnh đó, một mình với gánh nặng lo kinh tế, sức khỏe bị giảm sút do điều trị khi nhiễm Covid-19. Chị Hồng cho biết "Gánh nặng trên vai tôi lúc này không chỉ là làm việc để nuôi 2 ăn học mà còn là giáo dục và thay chồng bù đắp tình cảm cho các con".

 

Chung tay chia sẻ nỗi đau…

 

Khi dịch bệnh bùng phát, Đảng và Nhà nước, cộng động xã hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn. Để tưởng nhớ những người đã không may tử vong vì Covid-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ, ngày 19/11/2021, Lễ tưởng niệm hơn 23.000 người tử vong vì dịch đã được Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng của mỗi người thể hiện sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước nhằm xoa dịu nỗi đau.

 

Các cấp Công đoàn trong hệ thống ngành Dệt May đã đồng hành cùng chuyên môn chăm lo cho NLĐ cả vật chất và tinh thần trong những ngày dịch dã, nhất là những địa phương nằm trong vùng tâm dịch có đông NLĐ với mong muốn "không ai bỏ lại phía sau".

 

Tại cấp ngành: Công đoàn Dệt May đang hoàn thiện hồ sơ trích 65 triệu đồng chi hỗ trợ NLĐ tử vong vì dịch Covid-19, tương đương 5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn ngành tặng 18 sổ tiết kiệm cho con NLĐ dưới 18 tuổi mồ côi có bố/ mẹ tử vong vì dịch bệnh, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng. Bên cạnh đó Công đoàn Dệt May còn trích từ nguồn xã hội hóa và ủng hộ của các CĐCS miền Bắc hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh cho các đơn vị phía Nam số tiền 63 triệu đồng hỗ trợ các cháu với mức chi 3,5 triệu đồng/suất.

 

Tại cấp cơ sở: Công đoàn phối hợp với chuyên môn thăm hỏi, động viên kịp thời, chia sẻ với gia đình NLĐ không may tử vong; đồng thời chi hỗ trợ với mức trung bình từ 10-30 triệu đồng/trường hợp. Những đơn vị chi hỗ trợ với số lượng kinh phí lớn là Tổng công ty CP May Việt Tiến, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ngoài số tiến hỗ trợ, trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã huy động xã hội hóa, kêu gọi đoàn viên và NLĐ nhà trường được gần 90 triệu đồng hỗ trợ cho 01 gia đình giảng viên có hoàn cảnh khó khăn bị tử vong.

 

Cần lắm những "điểm tựa" để vươn lên...

 

Sự vào cuộc quyết liệt và tích cực của tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam cũng như những nỗ lực của khoa học trong việc tìm ra thuốc điều trị người nhiễm Sars - CoV2, điều chế vaccine, hỗ trợ các nước yếu thế....để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Song những vết thương, nỗi đau vô hình không có "thuốc kháng sinh" nào điều trị được, đó là stress và sang chấn tâm lý.

 

Hơn 27 nghìn số phận không may đã ra đi, bỏ lại trên 2.500 trẻ mồ côi. Nhiều người không thể quên cảm giác phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của người thân, bạn bè; chứng kiến những phút cuối đời không có người đưa tiễn hay chỉ trong một gia đình có đến nhiều người tử vong do dịch bệnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị mất việc làm, giảm thu nhập ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.... là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm.

 

Để khắc phục tình trạng này ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước trong đảm bảo công tác an sinh, các cấp các ngành và cộng đồng xã hội cần chung tay nhận đỡ đầu, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi tựa. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp hãy là "điểm tựa" vững chắc và an toàn nhất để họ vượt qua khủng hoảng. Đối với các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp nơi NLĐ công tác cần tạo điều kiện để họ có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống...Ở phạm vi những cá nhân bị tổn thương cần cố gắng, nỗ lực để vượt qua giúp sớm cân bằng cuộc sống.

 

Đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong ngày một, ngày hai nhưng cuộc sống "bình thường mới" bắt buộc tất cả chúng ta phải thích nghi. Cá nhân mỗi người hãy chung sức, đồng lòng cùng cộng đồng chống lại dịch bệnh để những nỗi đau, vết thương tinh thần sẽ không còn tiếp diễn.

 

Nguyễn Thị Thủy

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website