Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Những gam màu sáng cho bức tranh ngành Dệt May Việt Nam năm 2022

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2022 nhu cầu dệt may thế giới có thể phục hồi trở lại bằng mức của năm 2019, do đó sẽ có những dư địa cho xuất khẩu  dệt may của Việt Nam.

 

Kỳ vọng từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới

 

Theo báo cáo tháng 10/2021 của IMF nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ vẫn trên đà phục hồi, bất chấp sự bùng phát của dịch bệnh tại nhiều khu vực trên thế giới. Với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta và những mối lo ngại về sự xuất hiện của các biến chủng mới sẽ tác động không ít tới sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát gia tăng, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, cũng như nguồn cung nguyên liệu sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới.

 

Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022 (thấp hơn 0,1% so với Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) tháng 7/2021). Cũng theo đó năm 2022, tăng trưởng toàn cầu dự kiến ​​điều chỉnh ở mức khoảng 3,3% trong trung hạn, do các chính sách tăng cường tiềm năng của Hoa Kỳ, cũng như việc triển khai vaccine chậm và ít các chính sách hỗ trợ tại các quốc gia đang phát triển.

 

Đáng chú ý hơn, IMF đã chỉ ra sự phân hóa trong việc phục hồi kinh tế giữa 2 nhóm nước phát triển và đang phát triển. Theo đó, tổng sản lượng của nhóm nền kinh tế phát triển dự kiến lấy lại xu hướng trước đại dịch vào năm 2022 và vượt 0,9% vào năm 2024. Ngược lại, tổng sản lượng cho thị trường mới nổi và nhóm nền kinh tế đang phát triển (trừ Trung Quốc) vẫn thấp hơn 5,5% so với dự báo trước đại dịch vào năm 2024, dẫn đến việc cải thiện mức sống của người dân các quốc gia này cần lớn hơn.

 

Còn theo dự đoán của World Bank, với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) - nơi được coi là công xưởng dệt may của thế giới đang phải hứng chịu sự "đảo lộn" vì dịch bệnh. Vào năm 2020, nhiều quốc gia EAP đã ngăn chặn thành công COVID-19 và hoạt động kinh tế nhanh chóng được hồi sinh khi các khu vực khác phải vật lộn với đại dịch và suy thoái kinh tế. Hiện khu vực này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta trong khi nhiều nền kinh tế tiên tiến đang trên đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, World Bank cũng dự đoán rằng, tình hình dịch bệnh ở EAP sẽ dịu đi kể từ tháng 6/2022 với hàng loạt chính sách hỗ trợ của các quốc gia, cũng như tỷ lệ tiêm chủng cho toàn bộ người dân trong khu vực sẽ đạt trên 60%. Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia EAP tăng trưởng trở lại vào nửa cuối của năm 2022.

 

Nguồn: Trademap

 

Với những dự báo về nền kinh tế thế giới, vậy nhu cầu về mặt hàng dệt may sẽ thế nào trong năm 2022?

 

Theo thống kê của Trademap, năm 2021 tổng cầu mặt hàng dệt may khoảng 714 tỷ USD, giảm khoảng 5% so với 2019 ( năm 2019 đạt 742 tỷ USD) – thời điểm trước dịch bệnh, còn với năm 2021 được dự đoán tổng cầu dừng lại ở mức 707 tỷ USD, con số khá khiêm tốn so với 2019.

 

Tuy nhiên, với những dự báo về nền tăng trưởng kinh tế của World Bank và IMF cho năm 2022, Trademap cũng đã đưa ra nhận định rằng, năm 2022 tổng cầu dệt may thế giới sẽ khôi phục, đạt 740 tỷ USD, xấp xỉ thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Điều này dựa trên nhu cầu mua sắm tại các quốc gia như Mỹ, EU và nhiều khu vực trên thế giới có xu hướng gia tăng trở lại khi áp dụng trạng thái bình thường mới.

 

Nguồn: Trademap

 

Cũng theo Trademap, ngay trong năm 2021 một số thị trường nhập khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam đã có sự tăng trưởng trở lại. Theo đó, EU và Mỹ đều có sự tăng trưởng "vượt bậc" so với năm 2020. Với thị trường Mỹ, 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 123% so với 6 tháng đầu năm 2020; Thị trường EU cũng chứng kiến đà tăng trưởng vượt trội với 122% của 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ, thậm chí là đã phục hồi bằng với thời điểm 2019 – trước khi dịch bệnh xảy ra.

 

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2022 sẽ ra sao?

 

Với những dự báo lạc quan của World Bank và IMF, chúng ta có thể kỳ vọng tình hình xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam sẽ có những phục hồi tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình những tháng cuối năm 2021 liên tục "đảo chiều", giá năng lượng, lạm phát… tăng cao. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, làn sóng Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại tại Châu Âu và Mỹ, điều này dẫn tới năm 2022 sẽ là một năm khó dự doán cho các kịch bản xuất khẩu của ngành.

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu may mặc đạt hơn 23,8 tỉ USD; vải đạt hơn 2 tỉ USD, nguyên phụ liệu dệt may hơn 1 tỉ USD, vải địa kỹ thuật đạt 636 triệu USD. Đặc biệt, năm 2021 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành Sợi, với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm xơ sợi đạt gần 4,5 tỉ USD, tăng đến hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Với trạng thái "bình thường mới" tại hầu hết các tỉnh thành, trong đó có các tỉnh thành từng là tâm dịch, cùng với tốc độ phủ vaccine đang ở mức nhanh chóng, lãnh đạo Vitas kỳ vọng năm 2021 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể chạm mốc 38 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, ông Vũ Đức Giang cho biết, tình hình các đơn hàng trong niên vụ 2022 đang có dấu hiệu quay trở lại khi Việt Nam ra Nghị quyết 128 về việc kiểm soát và sống chung với dịch bệnh. "Chính vì vậy, chúng tôi đặt niềm tin vào mục tiêu cho dệt may Việt Nam năm 2022 là xuất khẩu khoảng 43,5 tỉ USD dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu" Chủ tịch Vitas nhấn mạnh.

 

Còn theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), với những dự báo của nền kinh tế còn nhiều "bất ổn" và khó dự đoán, Vinatex đưa ra 3 kịch bản về kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2022 của Việt Nam như sau:

 

Nguồn: Vinatex

 

Kịch bản cao: Sản xuất trở lại từ Quý 4/2021 – Quý 1/2022, có 80% lao động trở lại nhà máy, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, vượt mức 39 tỷ USD của năm 2019.

 

Kịch bản trung bình: Sản xuất trở lại từ Quý 4/2021 – Quý 1/2022, có khoảng 70% lao động trở lại và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD.

 

Kịch bản thấp: Quý 1/2022 vẫn chưa ổn định hoàn toàn, chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD.

 

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp May tại Hà Nội, hiện công ty đã có các đơn hàng đến hết Quý 1/2022 và đang tiếp tục đàm phán các đơn hàng mới. Tuy nhiên, vị này cũng nhận định rằng đại dịch Covid-19 có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp có đông lao động như các doanh nghiệp May. Do đó, ngoài việc phủ hết vaccine cho người lao động, thì công tác phòng dịch khi có F0 trong nhà máy là hết sức quan trọng, vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ các đơn hàng đã ký kết, cũng như hiệu quả SXKD. Do đó, nếu như làm tốt công tác phòng dịch, cũng như với tình hình đơn hàng như hiện tại, chúng ta có quyền lạc quan vào tình hình xuất khẩu dệt may năm 2022.

 

Nam Vũ

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website