Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Doanh nghiệp Dệt May chủ động đào tạo tại chỗ cho người lao động

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thu hút được lực lượng lao động lớn tuy nhiên trình độ chưa cao, chưa hoàn toàn thích ứng được trong điều kiện mới. Vì vậy, muốn cạnh tranh và phát triển bền vững, ngành cần có nguồn nhân lực đủ mạnh.

 

Trong khi đó, phần lớn lao động tại các doanh nghiệp (DN) dệt may không phải là lao động địa phương mà đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Tình trạng dịch chuyển này khiến lực lượng lao động của các DN dễ bị biến động. Do đó, các DN dệt may luôn phải thực hiện đào tạo tại chỗ cho người lao động (NLĐ) theo các phương thức như NLĐ tự học hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, kèm cặp lẫn nhau, một số DN liên kết với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp nâng cao tay nghề cho NLĐ.

 

Các hình thức và kết quả đào tạo tại chỗ cho NLĐ ngành Dệt May

 

Tại cấp đơn vị, tổ chức công đoàn cùng chuyên môn hàng năm đều tổ chức các hoạt động nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn, tay nghề, cũng như các lĩnh vực thiết yếu khác như ATVSLĐ, PCCC, chính sách pháp luật... cho NLĐ.

 

Ví dụ như Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP hằng năm tuyển dụng hàng trăm lao động phổ thông, sau đó cho học qua trung tâm dạy nghề và bố trí thợ giỏi kèm việc trong khoảng 3 tháng. Sau thời gian này, lao động có thể tự đứng máy, thao tác chuyền như bình thường. Năm 2021, thông qua hình thức này, Tổng Công ty đã đào tạo 207 NLĐ mới tuyển dụng. Ngoài ra May Hưng Yên còn là đơn vị có nhiều cây sáng kiến, việc chia sẻ, hướng dẫn nhau đã giúp lan tỏa các cách mới đến toàn Tổng Công ty và mang lại hiệu quả to lớn.

 

Tổng Công ty May Hưng Yên với phương pháp đào tạo, kèm cặp tại chỗ mang lại hiệu quả tốt

 

Còn tại Tổng công ty May 10 – CTCP, công đoàn cùng ban lãnh đạo luôn chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ công nhân viên (CBCNV). Mỗi CBCNV khi  mới vào làm đều được đào tạo chuyên môn tùy theo bộ phận. Ngoài ra, May 10 còn liên tục mở các lớp đào tạo nghiệp vụ, kiến thức chuyên sâu cho CNCNV như: Đào tạo Tiếng Anh giao tiếp cho 100% cán bộ các phòng ban, xí nghiệp và các đơn vị thành viên; Kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian cho nhân viên văn phòng; Kỹ năng cho đội ngũ nhân viên bán hàng; Cập nhật xu hướng thời trang cho đội ngũ thiết kế, bán hàng; Đào tạo về LEAN, 5S và các chương trình tập huấn cho cán bộ quản lý. Đồng thời, trước khi tham gia thi thợ giỏi, thi nâng bậc, thi tổ sản xuất giỏi…các đơn vị phải tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ.  Năm 2021 có 350 công nhân lao động được đào tạo tham gia thi thợ giỏi và 606 công nhân lao động được đào tạo nâng cao tay nghề.

 

Đối với Công ty CP Dệt May Huế, hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề cho NLĐ là một trong những giải pháp cấp thiết nhằm tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho DN. Trong năm 2020, Công ty đã tổ chức 8 hoạt động đào tạo nâng cao trình độ cho NLĐ như: Đào tạo may công nghiệp và công nghệ sợi cho NLĐ  mới tuyển dụng nếu chưa có kinh nghiệm hoặc chưa có nghề; Đào tạo về ATVSLĐ, chế độ chính sách, quy định, quy chế về trách nhiệm xã hội đối với NLĐ mới tuyển dụng; Đào tạo định kỳ về công tác ATVSLĐ, BVMT, PCCN đối với toàn thể NLĐ 1 năm/lần đồng thời diễn tập chữa cháy, thoát hiểm, cứu nạn cứu hộ 3 tháng/lần, diễn tập ứng phó sự cố môi trường (tràn dầu, tràn đổ hóa chất) 1 năm/lần; Đào tạo kỹ năng chuyên môn, nâng cao tay nghề cho tổ trưởng sản xuất, công nhân bảo trì thiết bị, công nhân kiểm soát chất lượng; Đào tạo công nghệ may cho công nhân kỹ thuật; Đào tạo hệ thống ISO, đánh giá viên nội bộ; Tham gia lớp đào tạo cán bộ cấp trung của Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Tập huấn cho mạng lưới cán bộ công đoàn về văn bản pháp luật, các chế độ, chính sách mới ....thông qua các cuộc họp, gặp mặt hoặc lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa.

 

Công ty CP Quốc tế Phong Phú luôn xác định nhân lực là nguồn vốn quý báu, là chìa khóa quyết định thành công. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là một trong những nội dung có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển của Công ty. Cụ thể năm 2020, Công ty tổ chức cho CBCNV tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng như: Lớp quản lý ngành may cho 168 NLĐ; Tập huấn về ATVSLĐ cho 9.000 NLĐ; Tập huấn về Bộ luật Lao động năm 2019 và luật BHXH cho 8.000 công nhân, NLĐ; Tập huấn về phòng chống buôn bán người cho 1000 người và tập huấn nghiệp vụ công đoàn cho 200 cán bộ công đoàn…

 

Theo báo cáo, từ năm 2018 - 2020, tại các DN có tổ chức công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam có gần 170 nghìn lượt CNVCLĐ được học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp, trên 77 nghìn lao động được nâng cao trình độ tay nghề, trên 23 nghìn lao động được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và gần 52 nghìn lượt CNLĐ được thi nâng bậc.

 

Khó khăn, thách thức trong đào tạo tại chỗ cho NLĐ ngành Dệt May

 

Đặc thù của ngành dệt may là sự biến động lao động lớn và để hoàn thành các đơn hàng, bắt buộc DN phải liên tục tuyển dụng lao động mới. Do đó việc đào tạo tại chỗ theo phương thức kèm cặp của thợ lành nghề với NLĐ mới tuyển dụng được coi là phương thức chủ yếu nhưng chưa thật sự đáp ứng nhanh các yêu cầu về năng suất, tốc độ... 

 

Thêm vào đó, công nhân lao động dệt may chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo bài bản và có hệ thống. Đây là thách thức rất lớn khi ngành dệt may đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, thời trang hóa ngành dệt may, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tiếp cận với công nghiệp 4.0.

 

Giải pháp

 

Để tăng năng suất lao động,bên cạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, các DN cần triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó trọng tâm là đào tạo tại chỗ. Cụ thể:

 

Một là, đối với các doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên doanh thu sút giảm từ 10% trở lên so với năm 2019 hoặc năm 2020, phải thay đổi cơ cấu công nghệ, chuyển đổi mặt hàng để tạo việc làm cho NLĐ dẫn đến phải đào tạo lại cho NLĐ cần tận dụng chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ, DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Gói chính sách này có tổng kinh phí là 4.500 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Điểm đáng chú ý của việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề là Quyết định 33/QĐ-TTg đã đơn giản hóa thủ tục, DN có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thành các đợt khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Mức hỗ trợ tối đa với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ là 1,5 triệu đồng/người mỗi tháng, trong thời gian hỗ trợ tối đa sáu tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.  

 

Công đoàn phối hợp với chuyên môn đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ

 

Hai là, bên cạnh việc tự đào tạo tại chỗ về tay nghề, các DN dệt may cũng cần chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các lớp tập huấn ngay tại các DN về văn hóa, thái độ, kỹ năng làm việc thực tiễn…Việc liên kết này sẽ giải quyết được các vấn đề như: đảm bảo hoạt động đào tạo bền vững của cơ sở đào tạo; đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững của DN thông qua việc có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; các mối liên kết phù hợp với luật pháp và xã hội, góp phần tạo ổn định xã hội; thỏa mãn nhu cầu của người học và NLĐ để họ gắn  bó lâu dài với ngành dệt may.

 

Ba là, DN cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ để khuyến khích công nhân tự nâng cao tay nghề như chế độ tiền lương, tiền thưởng vượt định mức hay chính sách thưởng, phạt rõ ràng trong công việc , đồng thời nâng cao chất lượng đối với khâu tuyển dụng đầu vào.

 

Có thể nói, liên tục nâng cao tay nghề, kĩ năng cho công nhân lao động là điều các DN, tổ chức công đoàn cùng NLĐ phải nhận thức rõ, đặc biệt trong bối cảnh ngành phát triển mạnh mẽ cũng như sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Cùng với đó là các chương trình hành động sao cho phù hợp với điều kiện và cơ sở thực tế của từng đơn vị. Sự linh hoạt trong chọn lựa và kết hợp các phương án đào tạo tại chỗ sẽ giúp DN và NLĐ hài hòa được thời gian dành cho nhiệm vụ sản xuất và việc học tập trau dồi kĩ năng; đồng thời cân bằng được chi phí dành cho đào tạo khi mà đào tạo bằng hình thức tự học hoặc hướng dẫn kèm cặp lẫn nhau sẽ tiết kiệm hơn tổ chức lớp học song lại dễ đến đến rập khuôn, thiếu sự sáng tạo, mới mẻ.  

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website