Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Gặp gỡ nữ nhà giáo đạt danh hiệu Nguyễn Thị Sen 2021

Là tác giả của Đề tài nghiên cứu khoa học "Hoàn thiện và triển khai mô hình sản xuất tinh gọn tại doanh nghiệp may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam" và các giáo trình, sách chuyên khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng, nữ nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hường vinh dự được Công đoàn Dệt May Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Thị Sen năm 2021- giải thưởng tôn vinh nữ CNVCLĐ Dệt May tiêu biểu.

 

Năm 1991, sau tốt nghiệp trường Sư phạm kỹ thuật chị Nguyễn Thị Thu Hường về công tác tại trường Công nhân kỹ thuật May Gia Lâm (nay là trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội). Trải qua các vị trí công tác từ giáo viên, Trưởng bộ môn, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trưởng phòng Đào tạo và hiện chị Hường đang giữ cương vị Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, phụ trách công tác tuyển sinh, đào tạo khối ngành Kinh tế, Khoa học cơ bản, Nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng. 30 năm công tác, nữ nhà giáo đã có nhiều đóng góp cho ngôi trường có bề dày gần 55 năm xây dựng và trưởng thành.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hường

 

Hiệu quả từ ứng dụng "Mô hình sản xuất tinh gọn"

 

Sản xuất tinh gọn (Lean) được nhiều ngành sản xuất áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế trên nguyên lý giảm thiểu lãng phí, tinh gọn quá trình sản xuất, quản lý chất lượng từ nguồn giúp nâng cao năng suất, tạo uy tín với khách hàng... Từ hiệu quả của mô hình, nhiều doanh nghiệp may công nghiệp đã áp dụng, tuy nhiên, hầu hết vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

 

Nguyên nhân là do doanh nghiệp thường tự học hỏi và vận dụng "nguyên mẫu" từ đơn vị khác. Hơn nữa, mặc dù triển khai theo mô hình này nhưng chưa bám sát thực tiễn, thiếu tính đồng bộ. Đội ngũ tư vấn Lean chủ yếu là chuyên gia ngoài ngành, chưa hiểu về đặc thù ngành may nên khả năng xử lý những tình huống thực tiễn còn hạn chế…Do vậy, khi triển khai áp dụng Lean gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả  sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thường bỏ cuộc.

 

Vậy "nút thắt" của vấn đề là muốn áp dụng Lean hiệu quả cần có thực nghiệm thực tiễn và tài liệu hướng dẫn một cách bài bản, hệ thống từ các chuyên gia trong ngành may. Từ thực tế trên,  nữ Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hường cùng các cộng sự đã nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp Tập đoàn Dệt May Việt Nam với chủ đề "Hoàn thiện và triển khai mô hình sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) tại doanh nghiệp may". Đây là công trình khoa học có tính sáng tạo,  tổng hợp được khung lý luận đầy đủ về sản xuất tinh gọn áp dụng trong doanh nghiệp may công nghiệp; là tài liệu hướng dẫn triển khai Lean khoa học, có hệ thống dựa vào lý luận, trên cơ sở thực nghiệm thực tiễn; cung cấp quy trình triển khai, các mẫu bảng biểu, các lưu ý, các bước thực hiện,…

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hường trong 1 buổi thuyết trình về đề tài

 

Sau khi hoàn thiện và đưa vào ứng dụng, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp may công nghiệp để chuyển giao công nghệ trị giá 700.000.000 đồng và dùng tài liệu giảng dạy cho nhiều doanh nghiệp khác.

 

Trên cơ sở hiệu quả của Đề tài, Bộ Công Thương đã giao cho Nhà trường "Triển khai thí điểm mô hình sản xuất tinh gọn vào các doanh nghiệp may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam". Mô hình này được nhân rộng trong hệ thống, kết quả năng suất tăng từ 23- 34,5% so với trước đó; môi trường làm việc được cải thiện, sạch đẹp theo tiêu chuẩn 5S. Hệ thống chất lượng được hình thành, được kiểm soát giúp nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Từ thành công của đề tài nghiên cứu của chị Hường và  kết quả  mô hình thí điểm của Bộ Công Thương, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tư vấn Lean là những giảng viên có chuyên môn vững vàng về lĩnh vực may công nghiệp, có kỹ năng sư phạm để triển khai đào tạo, tập huấn, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong hệ thống.

 

Nhà máy sau khi áp dụng LEAN trên cơ sở đề tài nghiên cứu của chị Nguyễn Thị Thu Hường

 

Chủ biên giáo trình phục vụ công tác giảng dạy

 

Lĩnh vực sản xuất may công nghiệp có những đặc thù rất riêng nên quản lý sản xuất cũng cần phù hợp. Trên cơ sở kết quả khảo sát của thị trường lao động, mục tiêu đào tạo của Nhà trường đảm bảo khi sinh viên tốt nghiệp ngoài nắm vững kiến thức cơ bản, phải có kiến thức chuyên sâu đáp ứng được nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may, có phương pháp quản lý sản xuất khoa học và sử dụng những máy móc, thiết bị, tự động hóa ...  

 

Để phục vụ công tác dạy và học của giảng viên và sinh viên của trường, năm 2019 chị Nguyễn Thị Thu Hường đã cùng các đồng nghiệp xây dựng và hoàn thành giáo trình "Quản lý sản xuất may công nghiệp". Cuốn giáo trình gồm 7 chương được thiết kế từ kiến thức chung về quản lý sản xuất, có chọn lọc phù hợp với sản xuất may công nghiệp, đồng thời có các ví dụ, bài tập, tình huống minh họa từ thực tiễn của ngành may. Với cách tiếp cận từ tổng quan đến cụ thể, từ các chức năng chung của quản lý như lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, lãnh đạo và kiểm tra đến quản lý một số lĩnh vực đặc thù trong doanh nghiệp may và đánh giá nhà máy... giúp cho người dạy dễ truyền đạt, người học dễ tiếp cận và ứng dụng.

 

Với niềm đam mê nghiên cứu phục vụ giảng dạy, một năm sau đó, nữ Nhà giáo tiếp tục là đồng tác giả, chủ biên sách chuyên khảo "Thiết kế và chế tạo dưỡng may công nghiệp". Tài liệu chuyên khảo được phát triển từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ Công Thương "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ dưỡng áp dụng vào may áo jacket". Với cách tiếp cận từ tổng quan đến cụ thể như: Phương pháp thiết kế, chế tạo dưỡng; Thiết kế và chế tạo dưỡng may áo sơ mi; Thiết kế và chế tạo dưỡng may quần; Thiết kế và chế tạo dưỡng may áo jacket...phục vụ hữu ích cho giảng dạy, học tập ngành công nghệ may tại các cơ sở giáo dục Đại học, đây là "cẩm nang" đối với các doanh nghiệp may công nghiệp. Theo kế hoạch, đầu năm 2022 cuốn giáo trình và sách chuyên khảo của nữ Phó Hiệu trưởng sẽ được xuất bản và lưu hành.

 

Cùng với các Đề tài khoa học, giáo trình, tài liệu chuyên khảo, từ năm 2016 đến nay chị còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học, đăng trên Tạp chí khoa học giáo dục, Quản lý giáo dục hoặc Giáo dục nghề nghiệp được các nhà chuyên môn đánh giá cao như:  Giải pháp để đào tạo gắn với sử dụng trong nền kinh tế thị trường; Vận dụng mô hình đào tạo theo chu trình vào quản lý đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp;  Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp - Giải pháp đổi mới giáo dục đại học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dệt may đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...  

 

Với cương vị là Phó Hiệu trưởng được giao phụ trách phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt", chị Hường luôn quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy phong trào trong giảng viên và sinh viên; nghiên cứu khoa học... Cá nhân chị nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và công đoàn các cấp tặng bằng khen. Thành tích của cá nhân chị đã góp phần xây dựng thương hiệu trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội- cái nôi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

 

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chúc chị và đội ngũ cán bộ, nhà giáo đã và đang trong ngành Dệt May nhiều sức khỏe, tiếp tục gắn bó với công việc được mọi người trân quý./.

 

                                                                           Nguyễn Thị Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website