Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Đại học Nguyễn Tất Thành: Những “chiến sỹ giảng đường” giữa tâm dịch

2021 là năm đáng nhớ với thầy cô và sinh viên trường Đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành không chỉ bởi dịch Covid-19 đã càn quét, gây thiệt hại nặng nề cho khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận mà còn bởi những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng hết sức đặc biệt và ý nghĩa của nhà trường.

 

Những vất vả, hiểm nguy không thể cản bước những "chiến sỹ giảng đường" giữa tâm dịch.

 

Tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch

 

Từ những ngày tháng 6 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại TP.HCM, giảng viên, sinh viên của ĐH Nguyễn Tất Thành đã chuẩn bị hành trang đi vào các tâm dịch, hỗ trợ đơn vị chức năng, địa phương phòng chống dịch  như: Hỗ trợ 06 khu cách ly tập trung là KTX Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Ngoại Ngữ - Tin học TP.HCM, quận Bình Thạnh, quận 12; Tham gia trực chốt, điều phối tại các điểm chốt phong tỏa tại Phường Thạnh Lộc và Phường An Phú Đông, Quận 12; Thực hiện công tác nhập liệu, dán code, cắt que, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng theo phân công của HCDC; Tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM và hỗ trợ công tác tại các điểm tiêm phòng vaccine tại Quận 4, 7, 12.

 

Sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành hỗ trợ tại các điểm chốt 

 

Đặc biệt khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, mỗi ngày có hàng nghìn ca lây nhiễm, các cơ sở y tế thường xuyên bị quá tải, nguồn lực và nhân lực đều cạn kiệt, thầy cô cùng sinh viên nhà trường đã xung phong đến hỗ trợ các bệnh viện như Chợ Rẫy, Gia Định, Bệnh viện dã chiến... trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tính riêng Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ĐH Nguyễn Tất Thành có một cô giáo là cô Trần Thị Hồng Thủy cùng 70 sinh viên tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo, những đôi mắt đỏ hoe vì không được ngủ cùng sự bỡ ngỡ, nỗi lo sợ khi lần đầu chứng kiến quá nhiều sự mất mát.

 

Sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia chăm sóc, điều dưỡng bệnh nhân Covid-19 

 

Sinh viên Nguyễn Công Luận chia sẻ: "Lúc mới đến, chúng em hoang mang lắm vì chưa bao giờ tiếp xúc với nhiều máy móc và bệnh nhân như thế. Nhưng làm việc một thời gian rồi cũng quen, ngoài ra còn được các anh chị y bác sĩ, điều dưỡng viên chỉ bảo tận tình nên đã dần bắt kịp với công việc. Tuy nhiên, điều buồn nhất đối với những sinh viên mới 21 tuổi như chúng em đó là việc chứng kiến sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Có những ca bệnh 15 phút trước vẫn khỏe mạnh bình thường, sau đó thì ngưng tim. Có những người cấp cứu được, có người thì mãi mãi ra đi. Đó là ký ức đáng buồn nhất của tụi em trong đợt tình nguyện này".

 

Song những vất vả, lo toan cùng sợ hãi đó cũng không thể làm giảm đi sự quyết tâm, ý chí và tinh thần của cô và trò trong cuộc chiến cam go chống lại dịch bệnh. Bác sĩ Trần Thanh Linh – Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nhận xét: "Các em sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành có nền tảng rất tốt, việc tham gia vào Bệnh viện là một trải nghiệm quý giá, là môi trường giúp các em rèn luyện, không chỉ về chuyên môn mà còn cả tinh thần, ý chí. Mặc dù còn rất trẻ nhưng chúng tôi đều nhìn thấy sự tâm huyết, nhiệt tình, sự chịu khó học hỏi của các em. Đây là lực lượng đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt trong những lúc thiếu thốn nhân lực trầm trọng".

 

Như vậy, trong làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, Đại học Nguyễn Tất Thành đã có 407 sinh viên khoa Y, 91 sinh viên khoa điều dưỡng tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện Chợ Rẫy; 31 bạn hỗ trợ Bệnh viện Gia Định; 120 bạn làm công việc hỗ trợ xét nghiệm tại các quận và trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố.

 

Bên cạnh việc hỗ trợ về nhân lực tham gia phòng chống dịch, cứu chữa chăm sóc người bệnh, ĐH Nguyễn Tất Thành còn hỗ trợ kinh phí cho các bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175; Bệnh viện 1A; Bệnh viện Thủ Đức; Bệnh viện Hùng Vương... với tổng số tiền 430 triệu đồng.

 

Những lời nhắn ý nghĩa trên hộp cơm gửi F0 và lực lượng tuyến đầu

 

Không chỉ các khoa liên quan đến y dược tham gia, thầy cô cùng các bạn sinh viên ở những chuyên khoa khác bằng nhiều cách khác nhau đã đóng góp công sức, "tiếp lửa" cho các bệnh nhân và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

 

Xuất phát từ việc chuẩn bị các suất cơm cho sinh viên khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội, gian bếp của các giảng viên Khoa Du lich và Việt Nam học (ĐH Nguyễn Tất Thành) đã mở rộng nấu các suất cơm hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19, người có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng tuyến đầu.

 

Những thông điệp vui nhộn nhưng là nguồn động viên to lớn với những người đang bị mắc Covid-19 và lực lượng tuyến đầu

 

Ban đầu, 300 suất cơm gửi đi mỗi ngày được đính kèm tờ giấy ghi thông điệp về sự lạc quan và niềm hy vọng. Khi nhận được phản hồi tích cực từ các bệnh nhân, các thầy cô trong nhóm đã nghĩ đến việc đầu tư thêm cho hoạt động ý nghĩa này và quyết định viết tay lên từng hộp cơm, thay vì in giấy như trước.

 

"Thương nhau mấy núi cũng đèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng giao cơm"

"Người nấu, lòng không biết sầu, bởi vì được nấu cả bầu yêu thương"

"Bạn ăn hết cơm, bếp thơm 10 cái"

"Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm san sẻ tháng ngày Cô - Vy"

"Cá không ăn muối cá ươn, hôm nay món cá không ươn, thơm lừng"

"Chưa một ngày nấu cơm cho vợ, mà hôm nay nấu cả chợ "tình thương"

"Dịch bệnh chưa thể mua cua, hôm nay tạm món cà chua sốt cà"

"Người nấu xa vợ 2 tháng, nên tấm lòng trong sáng như cơm"

 

 

Phía sau những dòng chữ vui nhộn ấy là tấm lòng, sự quan tâm, động viên của mỗi thành viên bếp đến với các bệnh nhân và những người tuyến đầu chống dịch. Họ tin rằng những sự cổ vũ này sẽ giúp người bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng tuyến đầu mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với đại dịch.

 

"Tôi thật sự xúc động khi nhận được món quà quá đỗi dễ thương trong hoàn cảnh này!", một F0 đã gửi tin nhắn về căn bếp.

 

Thầy cô tham gia nấu cơm hỗ trợ cho bệnh nhân F0 và lực lượng tuyến đầu

 

300 suất cơm mỗi ngày không phải là con số quá lớn so với những bếp cơm thiện nguyện khác nhưng để duy trì được công việc này trong suốt thời gian dài dịch bệnh là sự nỗ lực không nhỏ của các thầy cô. Để đảm bảo an toàn, bếp hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ". Các thầy cô phải tạm rời xa gia đình, ở lại trường để tham gia nấu ăn trong suốt 2 tháng. Căn bếp có 10 thành viên, vừa phải nấu nướng, vừa lo công tác giảng dạy. Đôi lúc cả gian bếp phải làm việc trong im lặng để một thầy, cô nào đó vào ca dạy online.

 

Bước cùng nhau trên một hành trình đặc biệt, mỗi thành viên trong nhóm đều học được cách yêu thương nhiều hơn. "Tôi nhận ra bản thân thật may mắn, vì vậy tự nhủ phải làm nhiều hơn cho cộng đồng", thầy Phạm Phúc Lợi – giảng viên của trường chia sẻ.

 

Có thể thấy, đằng sau những công việc giản dị như nấu các suất cơm hỗ trợ cùng lời nhắn động viên hài hước vui nhộn; hay những công việc vất vả, nguy hiểm như hỗ trợ phòng chống dịch, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, đều là những tình cảm, sự sẻ chia đầy yêu thương của các giảng viên, sinh viên ngôi trường mang tên Bác – trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành cho cộng đồng, cho xã hội.

 

 

Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website