Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Gặp gỡ những gương mặt nữ tiêu biểu đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen năm 2021

Ngày 01/10/2021, Công đoàn Dệt May đã ban hành Quyết định số 435/QĐ-CĐDM khen thưởng 10 nữ cán bộ công nhân viên chức lao động (CBCNVCLĐ) tiêu biểu đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen lần thứ III năm 2021 trên cơ sở xét duyệt 20 hồ sơ của các cá nhân xuất sắc được các công đoàn cơ sở (CĐCS) đề cử.

 

Để được xét duyệt, CBCNVCLĐ nữ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định trong Quy chế xét tặng "Giải thưởng Nguyễn Thị Sen" hằng năm (Quyết định số 193/QĐ-CĐ DM ngày 27/5/2019 của Công đoàn Dệt May). Tuy nhiên, năm nay, đối với nhóm đối tượng nữ lãnh đạo quản lý và cán bộ công đoàn có thêm một số tiêu chí như: Có các giải pháp hiệu quả, mô hình hữu ích đẩy lùi Covid-19; Công tác chăm lo cho người lao động (NLĐ) trong thời gian dịch bệnh...

 

Mỗi chị đều có những thế mạnh và thành tích nổi bật riêng trong năm công tác vừa qua, hãy cùng gặp gỡ những gương mặt nữ tiêu biểu xuất sắc của ngành Dệt May năm 2021.

 

Chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp cùng nâng cao tay nghề

 

Gắn bó với ngành may 27 năm, chị Lê Thị Mai Anh công tác tại Nhà máy May Đồng Văn - Tổng Công ty Dệt May Hà Nội được đồng nghiệp quý trọng bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Là tổ trưởng sản xuất chị luôn quan tâm đến tay nghề của NLĐ. Công nhân lao động (CNLĐ) mới vào nghề sau khi được chị kèm cặp, hướng dẫn đều có khả năng sử dụng được nhiều loại máy, may được nhiều công đoạn. Mặc dù có kinh nghiệm nhưng chị Mai Anh không ngừng luyện tay nghề, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước đặc biệt là cuộc thi thợ giỏi các cấp.

 

Giống như chị Mai Anh, chị Hoàng Ngọc Lanh hiện đang là tổ trưởng chuyền 11 của Công ty May 1-Tổng Công ty Dệt May Nam Định, đã được lãnh đạo tin tưởng giao thêm phụ trách "Xưởng may Thanh niên" của Tổng Công ty từ những ngày đầu thành lập (tháng 3/2018). Từ xưởng may này, trung bình mỗi năm có khoảng 50 CNLĐ được chị đào tạo và nhanh chóng trưởng thành. Bên cạnh đó chị còn giúp đỡ, hỗ trợ CNLĐ yếu tay nghề, giúp họ hoàn thiện kĩ năng và đáp ứng yêu cầu công việc, đưa chuyền sản xuất số 11 thường xuyên dẫn đầu trong Tổng Công ty về năng suất, chất lượng và tiến độ giao hàng.

 

Chị Hoàng Ngọc Lanh hiện đang là tổ trưởng chuyền 11 của Công ty May 1-Tổng Công ty Dệt May Nam Định

 

Điểm tựa của NLĐ và đối tác tin cậy của DN

 

Trưởng thành từ thực tiễn sản xuất, chị Trần Thị Thanh Phượng có 35 năm gắn bó với Tổng Công ty Việt Thắng. Sáng kiến thành lập cửa hàng tiện ích, xây dựng thiết chế văn hóa, trích nguồn kinh phí tích lũy, tiết kiệm của công đoàn để mua cổ phần công ty, rồi lấy cổ tức dùng chăm lo cho đoàn viên, NLĐ của chị đã giúp NLĐ nơi đây thêm yêu mến và mong muốn được gắn bó lâu dài với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp (DN) hơn. Đặc biệt, thời gian đầu TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội do  dịch bệnh, có thời điểm các mặt hàng thiết yếu khan hiếm, giá cả leo thang, chị Phượng đã cùng anh chị em trong Ban chấp hành CĐCS "Đi chợ hộ công nhân" giúp NLĐ có thực phẩm an toàn, tiết kiệm, đồng thời giúp họ yên tâm công tác trong những ngày dịch dã. Mô hình này đã được lan tỏa trong toàn hệ thống, được nhiều DN phía Nam áp dụng, đem lại lợi ích thiết thực cho CNLĐ.

 

Mô hình đi chợ giúp NLĐ của chị Trần Thị Thanh Phượng

 

Còn đối với chị Lưu Thị Mộng Trinh - Chủ tịch công đoàn Công ty Dệt Gia dụng - Tổng Công ty Phong Phú, khi dịch bệnh bùng phát, chị đã chủ động đề xuất và phối hợp với lãnh đạo Công ty lên phương án sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" cho 50% số lao động. Cá nhân chị ứng trực hai tháng rưỡi liên tục tại DN để chăm lo việc ăn, ở, sinh hoạt đảm bảo sức khỏe và an toàn cho NLĐ. Trong lúc DN phải gồng mình chống dịch và tìm mọi giải pháp để duy trì sản xuất thì một số thông tin không xác thực đã gây bất lợi, ảnh hưởng tới uy tín của DN. Trước tình hình đó, chị Trinh đã cùng Ban chấp hành CĐCS hỗ trợ lãnh đạo công ty trấn an tư tưởng cho NLĐ để họ yên tâm, đồng hành cùng DN trong thời khắc khó khăn.

 

Là DN với hơn 3.500 NLĐ nên việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa được chị Huỳnh Thị Hồng Cúc - Chủ tịch công đoàn Tổng Công ty May Nhà Bè đặt lên hàng đầu.  Chị cùng Ban Chấp hành thuyết phục lãnh đạo DN đưa vào Thỏa ước lao động tập thể với những quy định có lợi hơn cho NLĐ như: CNLĐ sức khỏe kém có chế độ ăn bồi dưỡng tại chỗ hoặc nghỉ dưỡng tại Resort của Tổng Công ty, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.  NLĐ nghỉ hưu được Tổng Công ty hỗ trợ một lần (mỗi năm công tác tương ứng với 01 triệu đồng) và được thưởng 01 tháng tiền lương thu nhập. Đối với NLĐ có thời gian công tác gắn bó từ năm thứ 25 trở đi sẽ được trợ cấp thêm 0,5 tháng tiền lương thu nhập....Ngoài ra, hằng năm đơn vị còn vận động các mạnh thường quân tài trợ xây và sửa chữa nhà tình thương, mỗi căn từ 10-20 triệu đồng;  hỗ trợ CNLĐ khó khăn, bệnh hiểm nghèo mỗi suất từ 2-5 triệu đồng...

 

Tốt nghiệp ra trường, năm 1992 chị Trần Thị Hạnh đầu quân cho Công ty May Hòa Thọ - Điện Bàn thuộc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ. Gần 30 năm công tác thì có tới 19 năm chị tham gia công đoàn. Là Chủ tịch CĐCS thành viên với gần 1.700 NLĐ, trong đó 80% là nữ nên công tác chăm lo cho LĐ nữ luôn được công đoàn ưu tiên quan tâm hơn. Chị chia sẻ "Khi DN thực hiện sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", bố trí để LĐ nữ tham gia, tổ chức cho họ ăn, nghỉ và sinh hoạt thường phức tạp hơn nên chị cùng anh chị em trong Ban chấp hành công đoàn, lãnh đạo DN thay nhau ứng trực sản xuất, đồng thời động viên, chăm lo tới chị em nhất là những LĐ nữ có hoàn cảnh khó khăn". Mặc dù DN nằm trong vùng dịch nhưng thu nhập bình quân của NLĐ 9 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt trên 7,9 triệu đồng.

 

Có nhiều giải pháp duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ

 

Cùng với việc chỉ đạo mở rộng sản xuất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho NLĐ cũng như người dân địa phương tại nơi 12 công ty con, công ty liên doanh có trụ sở đóng trú, chị Bùi Thị Lý - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hưng Yên bằng sự nhạy bén trong ứng dụng khoa học công nghệ và công tác đào tạo nguồn nhân lực, đã có sáng kiến cải tiến hệ thống quản lý chất lượng giúp tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của DN trên thị trường. Theo báo cáo, thu thập bình quân của NLĐ 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng Công ty đạt 9,5 triệu đồng/người.

 

Với vài trò là Giám đốc xí nghiệp Veston Hưng Hà thuộc Tổng Công ty May 10, chị Nguyễn Thị Bích Thủy đã có những giải pháp duy trì sản xuất hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh. Từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị tạm hoãn, chị Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi mặt hàng sang may khẩu trang nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sắp xếp, bố trí và phân công lao động hợp lý, kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu nên sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, giao hàng đúng tiến độ, do đó xí nghiệp ký thêm được nhiều đơn hàng mới... giúp NLĐ có việc làm, thu nhập tốt. Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của xí nghiêp đã góp phần duy trì và giữ vững thương hiệu "Doanh nghiệp vì người lao động" của hệ thống May 10 trong nhiều năm qua.

 

Nhiều nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong ngành Dệt May

 

Sự lớn mạnh của ngành Dệt May Việt Nam có công sức đóng góp không nhỏ của đội ngũ nữ CBCNV khối trường Cao đẳng, Đại học trực thuộc. Nhiều sáng kiến  ứng dụng công nghệ tin học, tự động hóa sản xuất dệt may, chuyên môn hóa ngành thời trang, đào tạo đội ngũ các nhà thiết kế ...đã được triển khai và ứng dụng, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập.

 

Đề tài nghiên cứu khoa học "Hoàn thiện và triển khai mô hình sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) tại DN Dệt May thuộc tập đoàn Dệt May" của chị Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và Đề án "Xây dựng danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu nghề công nghệ Dệt, trình độ cao đẳng, trung cấp" của chị Phan Thị Hải Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Công thương, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Tập đoàn Dệt May nghiệm thu, được ứng dụng rộng rãi. Điều đó đã chứng minh cho vai trò và tính hiệu quả của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đối với sự phát triển của ngành.

 

Và còn có rất nhiều những lao động nữ tiêu biểu, "giỏi việc nước, đảm việc nhà" của ngành Dệt May chưa được xét thưởng và tôn vinh Giải thưởng Nguyễn Thị Sen. Nhưng chắc chắn rằng các chị đều là những gương mặt nữ xuất sắc và thành công tại các đơn vị. Thời gian tới ngành Dệt May sẽ phải nỗ lực rất nhiều để phục hồi sau Covid-19, với tỷ lệ hơn 70% là nữ thì phần lớn áp lực này sẽ được đặt lên đôi vai các chị. Mong rằng chúng ta vẫn sẽ phát huy năng lực, cùng tình yêu nghề, mến nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tiếp tục gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho DN và ngành, giúp Dệt May vững bước đi lên, vượt qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.

 

DANH SÁCH CÁC CÁ NHÂN ĐƯỢC CÔNG ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM TRAO TẶNG "GIẢI THƯỞNG NGUYỄN THỊ SEN" NĂM 2021

 

 

TT

 

HỌ VÀ TÊN

 

 

CHỨC VỤ

 

ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

1

Hoàng Ngọc Lanh

Tổ trưởng chuyền 11, Công ty CP May 1

Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định

2

Lê Thị Mai Anh

Tổ trưởng sản xuất  May 3, Nhà Máy may Đồng Văn

Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội

3

Trần Thị Hạnh

Chủ tịch CĐ Công ty May Hòa Thọ - Điện Bàn

Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ

4

Trần Thị Thanh Phượng

Chủ tịch Công đoàn

Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP

5

Lưu Thị Mộng Trinh

Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt Gia dụng Phong Phú

Tổng Công ty CP Phong Phú

6

Huỳnh Thị Hồng Cúc

Chủ tịch Công đoàn

Tổng Công ty May Nhà Bè - CT CP

7

Nguyễn Thị Thu Hường

Phó Hiệu trưởng

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

8

Phan Thị Hải Vân

Phó Hiệu trưởng

Trường Cao đẳng công nghệ TP. Hồ Chí Minh

9

Bùi Thị Lý

Phó Tổng Giám đốc

Tổng Công ty May Hưng Yên- CTCP

10

Nguyễn Thị Bích Thủy

Phó Tổng Giám đốc

Tổng công ty May 10- CTCP

 

Nguyễn Thị Thủy

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website