Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Góc nhìn doanh nhân: Dệt may sau làn sóng dịch lần thứ 4

Nếu như năm 2020, nước ta là một trong những quốc gia chống dịch Covid-19 hiệu quả trên thế giới, theo đó, ngành Dệt May Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều như dự báo trước đó; thì sau một năm, biến thể Delta với những diễn biến vô cùng nguy hiểm và khó lường khiến cho nền kinh tế bị tác động hết sức nặng nề. Dệt May cũng là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn bởi dịch bệnh.

 

Hiện nay, sau thời gian dài thực hiện giãn cách tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trên cả nước, cuộc sống, việc làm, học tập, sinh hoạt của người dân đang dần được "bình thường mới". Tuy nhiên, những khó khăn mà ngành đã, đang và sẽ phải đối mặt là rất lớn.

 

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam về những ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đối với doanh nghiệp và giải pháp trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam

 

 

PV: Xin chào ông!

 

Năm 2021, theo đánh giá của Bộ Công Thương, Dệt May cùng một số ngành khác trong lĩnh vực hàng không, du lịch, là những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất từ đại dịch. Những ảnh hưởng đó cụ thể là gì, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Dương:

 

Theo dự tính của Hiệp hội Dệt May thì đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam này, sẽ có trên 1,5 triệu công nhân dệt may toàn quốc bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và đời sống, ảnh hưởng dây chuyền đến hàng triệu lao động phụ thuộc và ăn theo. Kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt May có thể chỉ đạt từ 31 đến 33 tỷ USD, giảm từ 7- 9 tỷ USD so với mức 40 tỷ USD mà kế hoạch đã đề ra (đạt 77– 82% so với kế hoạch).

 

PV: Sau khi làn sóng dịch Covid-19 được kiểm soát tại một số nước vốn là khách hàng lớn của Dệt May Việt Nam như Mỹ, châu Âu thì lượng đơn hàng xuất khẩu đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, dịch lại trở nên phức tạp tại Việt Nam, trong suốt mấy tháng phong tỏa, giãn cách, các doanh nghiệp khu vực phía Nam, vốn chiếm tới trên 50% lao động toàn ngành phải tạm ngưng hoạt động, một số thì sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", chỉ đáp ứng được 10-30% năng suất (theo VPG News), nên rất khó hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn, dẫn tới một số đơn vị bị mất khách hàng, bị phạt hoặc hủy hợp đồng. Hậu quả nặng nề hơn nữa là khả năng rút vốn khỏi thị trường Việt Nam từ các nhà đầu tư, khách hàng nước ngoài. Hiệp hội đã có giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này?

 

Ông Nguyễn Xuân Dương:

 

Vấn đề phong tỏa, giãn cách xã hội ở Bắc Giang, Bắc Ninh (đợt bùng phát thứ 3); 18 tỉnh khu vực phía Nam và một số địa phương miền Trung (đợt bùng phát thứ 4) đã làm đứt gẫy một số chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may đến hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, gây lo lắng cho khách hàng, khi nguồn cung sản phẩm hàng hóa không xác định được thời điểm nào có thể bình thường trở lại.

 

Cùng với cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt May Việt Nam; hiệp hội ngành hàng cả nước và các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài đã trực tiếp kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, với Chủ tịch Nước những giải pháp chống dịch mới. Chuyển phương châm chống dịch từ "Không COVID" sang "Sống chung với COVID" mà biện pháp cụ thể là "5 K + Vaccine". Theo thống kê và qua phát biểu của các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư vào Việt Nam thì họ vẫn tin tưởng cách chỉ đạo và phương pháp phòng dịch của Chính phủ là phù hợp và hiệu quả. Vì thế, trong kế hoạch dài hạn, Việt Nam của chúng ta vẫn là điểm đến, nơi thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn trên toàn cầu.

 

 

PV: Trong những ngày vừa qua, chúng ta chứng kiến một làn sóng rất lớn người dân các tỉnh phía Nam, có một số ở miền Trung và miền Bắc, ồ ạt trở về địa phương do phải ngừng việc, không có thu nhập, kiệt quệ về tài chính, trong đó có cả lao động dệt may. Theo ghi nhận của Công đoàn ngành, khi trở lại hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường mới vào đầu tháng 10 này, các DN trong hệ thống tại khu vực phía Nam sẽ  thiếu từ 25- 30% lao động. Vậy ngành dệt may Việt Nam cần làm gì, để có thể giải bài toán nhân lực một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Dương:

 

Theo tôi, trước hết phải thống nhất phương pháp chống dịch theo phương châm mới là "Sống chung với Covid" và hỗ trợ người lao động những vấn đề có tính chất bức thiết, cả trong ngắn hạn và dài hạn, để giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại doanh nghiệp, cụ thể:

 

- Tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp tự tổ chức và chịu trách nhiêm về công tác phòng chống Covid trong đơn vị của họ.  

 

- Nhanh chóng cấp thẻ "xanh" cho người lao động khi họ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc mắc Covid-19 và đã điều trị khỏi, để người lao động có thể đi lại tự do trong các vùng xanh, đến nơi làm việc.

 

- Hổ trợ kinh phí (hoặc tổ chức đón miễn phí) cho người lao động quay trở lại nơi làm việc.

 

- Hỗ trợ tiền lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc do doanh nghiệp bị phong tỏa và giãn cách.

 

- Về lâu dài cần có kế hoạch xây nhà ở (giá thấp) bán trả chậm cho ngươì lao động để họ "An cư lạc nghiệp", gắn bó lâu dài với đơn vị, doanh nghiệp.

 

PV:Vậy giữa rất nhiều những khó khăn, đâu là nét chấm phá tươi sáng, rực rỡ hơn trong bức tranh toàn cảnh Dệt May hiện nay, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Dương:

 

Bên cạnh những "mảng tối" chúng ta vừa nhắc tới thì ngành Dệt May vẫn còn có những điểm sáng, đó là:

 

- Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng của ngành Dệt May Việt Nam vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2020.

 

- Nhiều doanh nghiệp Dệt May khu vực miền Bắc và miền Trung có mức tăng trưởng cao, vượt năm 2019.

 

- Khách hàng các khu vực châu Âu, Mỹ, Nhật Bản vẫn cam kết gắn bó và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

- Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã và đang kiến nghị chính phủ Hoa Kỳ tăng cường viện trợ vaccine ngừa Covid-19 cho doanh nghiệp Việt Nam.

 

- Người lao động ở các khu vực bị phong tỏa, cách ly được trở lại làm việc có tinh thần, ý thức làm việc tốt hơn hẳn thời gian trước.

 

- Dịch bệnh gây ra rất nhiều khó khăn nhưng đồng thời lại tạo ra cơ hội để doanh nghiệp đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch đồng thời tạo tiền đề cho sự bứt phá khi chúng ta quay trở lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

 

- Tốc độ chuyển đổi số và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ 4.0 vào quản trị và sản xuất tăng lên đáng kể, tác động mạnh đến quá trình tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

 

Đó chính là những tín hiệu đáng mừng thời kỳ hậu Covid-19 mà doanh nghiệp cần phát huy và tận dụng để đưa doanh nghiệp mình lên một bước tăng trưởng và phát triển mới.

 

PV:

 

Rất cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

 

Xin chúc ông luôn bình an, mạnh khỏe.

 

Người thực hiện

Nguyễn Thị Thu Hương

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website