Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Quản trị chiến lược doanh nghiệp: Những lỗi thường gặp và giải pháp thực hiện

Xây dựng quản trị chiến lược không chỉ giúp các doanh nghiệp (DN) hoạch định hướng đi đúng đắn, dự đoán những kịch bản cho thị trường… mà còn giúp phân bổ các nguồn lực, tạo sự thống nhất và liên kết giữa các phòng ban. Tuy nhiên, hiện nay xây dựng quản trị chiến lược trong các DN dệt may thường bị hiểu sai, thậm chí chưa được chú trọng, nhất là với các DN có quy mô vừa và nhỏ.

 

Mới đây, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức buổi đào tạo trực tuyến về Quản trị chiến lược, nằm trong khuôn khổ của Khóa đào tạo trực tuyến nâng cao năng lực cho đội ngũ cấp trung của Vinatex. Buổi đào tạo có sự tham gia giảng dạy của ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex.

 

Buổi đào tạo đã chỉ ra những lỗi thường gặp trong việc xây dựng quản trị chiến lược của các DN dệt may, phân tích các ví dụ thực tế, đồng thời định hướng chiến lược của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong thời gian tới.

 

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex tại buổi đào tạo trực tuyến

 

Những lỗi khi xây dựng chiến lược thường gặp

 

Theo ông Lê Tiến Trường, hiện các DN dệt may trong Tập đoàn thường mắc phải 5 lỗi trong việc hiểu và thực hiện chiến lược. Đó là:  

 

(1) DN coi chiến lược như một tầm nhìn. Chiến lược là dài hạn và phải xác định được con đường để đi tới điểm đến tuy nhiên, hiện nay có không ít DN hiểu sai rằng chiến lược là tầm nhìn. Ví dụ như trở thành DN có quy mô 10 nghìn lao động, kim ngạch xuất khẩu 150 triệu USD… Nhưng những mục tiêu đó không phải là chiến lược bởi chưa chỉ ra được những việc cần làm và bản đồ hướng tới mục tiêu tương lai. Thậm chí, DN chưa đưa ra được các sản phẩm trong kinh doanh, đối thủ cạnh tranh và xác định những khu vực sẽ không tập trung cho phát triển. "Một trong những quyết định quan trọng nhất của chiến lược, đó là quyết định không làm, chứ không phải là quyết định làm gì. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ xác định việc sẽ làm mà quên phân tích những việc không làm. Ví dụ như chúng ta phải vẽ ra sân chơi cho bản thân, rồi từ đó mới xác định các chiến thuật, chiến lược để chơi sao cho thành công. Nhưng hiện nay chúng ta lại không vẽ ra sân chơi, đường biên… mà chỉ tổ chức một cuộc chơi lộn xộn!" Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

 

(2) Coi chiến lược như một kế hoạch. Đây cũng là một lỗi phổ biến mà nhiều DN gặp phải. Phân tích ví dụ tại một số DN dệt may cho thấy các chiến lược thực chất chỉ là những kế hoạch trong ngắn và trung hạn, có thể là 5 năm hay 10 năm. Ví dụ: mở rộng nhà máy Sợi, đổi mới dây chuyền nhà máy May hay đầu tư thêm chi nhánh…  Do đó, việc xây dựng chiến lược đang bị "tầm thường hóa" giống như xây dựng một bản kế hoạch.

 

(3) Cho rằng chiến lược dài hạn (thậm chí trung hạn) hiện nay là không khả thi do môi trường biến đổi quá nhanh, chiến lược dễ bị lạc hậu. Hiện không ít DN vẫn cho rằng chỉ cần có hợp đồng, có đơn hàng, DN vẫn hoạt động, hay DN may thì vẫn sẽ làm may trong tương lai. Tuy nhiên cần xác định rõ "Cũng là may, nhưng may kiểu nào, may cho ai… điều này sẽ biến động theo thời gian, theo đầu vào và chúng ta thường không cập nhật để xây dựng lại chiến lược". Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết.

 

(4) Định nghĩa chiến lược như là biện pháp tối ưu hóa tình trạng hiện có. Nhiều DN xây dựng chiến lược bằng cách đưa ra những điểm yếu của giai đoạn cũ, đồng thời đưa ra cách khắc phục và giải pháp thực hiện chiến lược cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa trả lời được câu hỏi, những thế mạnh của DN hiện có còn lợi thế cạnh tranh hay không.

 

(5) Định nghĩa chiến lược như là cách tốt nhất để theo đuổi "best practice – thực hành tốt nhất". Thực tế, best practice chỉ là một công cụ để xây dựng lợi thế cạnh tranh chứ không thể đánh giá được khu vực mà các DN đang thực hiện còn hiệu quả hay không?

 

Giải pháp xây dựng mục tiêu chiến lược cho từng lĩnh vực

 

Vậy các DN dệt may cần phải làm thế nào để xây dựng mục tiêu chiến lược bám sát với tình hình thực tiễn, cũng như đáp ứng được xu thế toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng khi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu các mặt hàng dệt may?

 

Theo Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường, trong thời gian tới Vinatex sẽ xây dựng Tập đoàn trở thành nhà cung cấp trọn gói các nhu cầu của khách hàng DN, bao gồm đầy đủ các ngành hàng từ Sợi – Dệt – Nhuộm hoàn tất – May. Đặc biệt, bao gồm cả các ngành hỗ trợ như logistics, cung ứng và đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, sản phẩm trọn gói từ thiết kế... "Vinatex sẽ trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói nhu cầu của khách hàng DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từng bước vươn lên thang bậc cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế & thương hiệu."

 

Với mục tiêu chiến lược như vậy, Vinatex sẽ có các giải pháp gì đối với chuỗi cung ứng trong toàn hệ thống?

 

Ngành Sợi: Đây là "mắt xích" đầu tiên trong chuỗi cung ứng, cũng là ngành đầu tiên cần phải xây dựng để đưa Vinatex trở thành "1 điểm đến". Ngoài việc cung ứng cho ngành Dệt, sợi vẫn đang là mặt hàng xuất khẩu lợi thế với thị trường chính là Trung Quốc. Do đó, trong thời gian tới, Vinatex sẽ chú trọng phát triển các mặt hàng sợi có chất lượng cao trong nhóm các loại sợi phổ thông, đồng thời có giá thành tốt tương xứng với chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm được thị trường chấp nhận. Bên cạnh đó, phân phối trực tiếp đến nhà sản xuất Dệt – Nhuộm không kể trong nước hay nước ngoài, tiếp tục cung ứng cho ngành Dệt của Tập đoàn.

 

 

Theo Chủ tịch HĐQT Vinatex, 5 năm qua tỷ lệ đầu tư cho ngành Sợi của Tập đoàn chiếm đến 80% tổng lượng vốn đầu tư. Đến 2021, ngành Sợi mang đến khoảng 90% hiệu quả của Tập đoàn, chiếm khoảng 50-55% nguồn lực tài chính. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới tới ngành May, thì ngành Sợi đã mang đến những bức tranh tươi sáng hơn về hiệu quả và lợi nhuận, và đó cũng chính là câu trả lời cho những năm qua, đầu tư cho ngành Sợi có đúng đắn hay không.

 

Ngành Dệt – Nhuộm: Thực tế cho thấy, với chủng loại đa dạng, nhu cầu lớn… thì mặt hàng dệt thoi khó cạnh tranh nếu sản xuất với quy mô nhỏ. Bởi Trung Quốc là quốc gia có ưu thế sản xuất mặt hàng dệt thoi lớn, giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã. Do đó, trong những năm tiếp theo Vinatex đang hướng đến ngành dệt kim cơ bản, bởi đây là mặt hàng có tính chất, thiết kế, chất liệu dễ quản trị hơn so với dệt thoi. Đồng thời, phát triển chuỗi cung ứng Dệt kim nhằm cung ứng cho ngành May theo chỉ định của khách hàng.

 

 

Cùng với các mặt hàng dệt kim, Vinatex cũng sẽ phát triển các mặt hàng dệt gia dụng, mặt hàng vải dệt thoi đặc thù cho thị trường ngách, trong đó phát triển và nghiên cứu một số loại vải đặc thù như vải chống cháy, chống bị đâm chọc thủng… dành cho các loại quần áo bảo hộ.

 

Ngành May: Về cơ bản, các đơn vị trong ngành May của Tập đoàn, so về lợi thế cạnh tranh, các đơn hàng lớn sẽ thua so với Bangladesh hay Trung Quốc. Do đó, Vinatex sẽ định hướng sản xuất các đơn hàng vừa và nhỏ, thời gian giao hàng ngắn. Đồng thời, về mô hình quản trị sẽ là mô hình công ty May liên kết không chi phối, chỉ chi phối các DN May có phần sản xuất nguyên liệu.

 

 

Với mô hình "1 điểm đến", Vinatex đã và đang hoàn thiện chuỗi cung ứng trong toàn bộ hệ thống. Đây được coi là một trong những lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu khi mà các khách hàng ngày một trở nên khó tính hơn, có những yêu cầu và đòi hỏi cao hơn về các sản phẩm đầu-cuối. Ngoài ra, đây cũng sẽ là điểm mạnh của Vinatex khi mà chúng ta đang có các Hiệp định tự do thương mại như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… với những yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

 

Quang Minh

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website