Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Chung tay xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

Cách đây 10 năm, Liên Hiệp Quốc đã thống nhất chọn ngày 11/10 hàng năm là Ngày Quốc tế trẻ em gái. Không đơn giản là một ngày kỷ niệm, Ngày Quốc tế trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho các em và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ các em khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn...; đồng thời kêu gọi cộng đồng đảm bảo cho trẻ em gái toàn cầu được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng xã hội.

 

Tại Việt Nam, mặc dù ngày này chưa được phổ biến rộng rãi và được biết đến nhưng trong những năm qua, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã giành nhiều sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho các em.

 

 

Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

 

Đây là chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay với mong muốn phá bỏ rào cản của định kiến phân biệt đối xử giữa nam và nữ cũng như mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo cơ hội cho trẻ em gái phát triển toàn diện.

 

Năm 2020, theo công bố của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời do việc lựa chọn giới tính. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050 Việt Nam có khoảng trên 4,3 triệu nam giới không thể kết hôn vì thiếu nữ giới.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại nhiều hệ lụy: Phụ nữ sinh nhiều con, phá thai sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ ly hôn, tái hôn, lạm dụng và bạo hành giới gây xung đột các mối quan hệ. Nam giới độc thân gây bất ổn về trật tự an toàn, tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm gia tăng...

 

Còn nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự mất cân đối này là nhiều gia đình muốn có con trai để nối dõi;  tình trạng lạm dụng tràn lan các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong việc chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi; Chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm dẫn đến tư tưởng coi con trai là người chăm sóc cha mẹ khi về già....

 

Để khắc phục tình trạng trên, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai các điều luật, chính sách như: Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình... Ngày 25/10/2017 Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành. Phấn đấu đến năm 2030: Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận các biện pháp tranh thai hiện đại, giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống (năm 2020 là 115 bé trai/100 bé gái); giảm 50% số cặp tảo hôn.

 

Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới. Cùng với bảo vệ là thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, tạo cơ hội cho LĐ nữ phát huy vai trò, năng lực như: Trao quyền cho LĐ nữ quyết định làm hoặc không làm "nghề, công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con". Thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu, chăm sóc con ốm, nghỉ khi vợ sinh con được thực hiện với cả LĐ nam và nữ. Bổ sung khái niệm về quấy rối tình dục, cho phép NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà không phải báo trước với người sử dụng lao động ...

 

Bên cạnh đó, ngày 03/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28 về Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Theo đó, tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 40% vào năm 2030; giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ, chăm sóc gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới...

 

Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

 

Nâng cao nhận thức và thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập; bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; nghỉ chăm sóc con ốm. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để phát triển. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình...

 

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm đến các con đặc biệt là trẻ em gái ở tuổi vị thành niên. Thường xuyên gần gũi và trò chuyện cởi mở với con để hiểu rõ những việc xảy ra hàng ngày. Trang bị cho con kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Khuyến khích các con có điều kiện và cơ hội hãy tích cực tham gia các chương trình về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

 

Giáo dục giới tính cho con về tình dục, tình bạn, tình yêu; hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn…Tùy độ tuổi, bố mẹ trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng phòng tránh xâm hại ngay từ khi còn nhỏ: Cần giúp con có kiến thức cơ bản để con hiểu về cơ thể mình, nhất là các bộ phận nhạy cảm, dạy con kỹ năng phòng vệ cơ thể. Giúp con phân biệt sự khác nhau giữa trêu đùa thân thiện với quấy rối và quấy rối tình dục, việc im lặng hoặc bỏ qua hành vi quấy rối tình dục có thể dẫn đến những hành vi tiếp theo nguy hiểm, khó lường hơn.

 

Nếu không may con bị xâm hại, hãy bình tĩnh tìm hiểu, lắng nghe, động viên con; Kiểm tra sức khỏe cho con càng sớm càng tốt để điều trị các chấn thương về thể chất, sang trấn tâm lý; đồng thời trình báo vụ việc cho cơ quan chức năng có thẩm quyền và yêu cầu giữ bí mật thông tin.

 

Trẻ em gái sinh ra là món quà ý nghĩa mà tạo hóa ban tặng. Để các em được hạnh phúc, trước hết hãy bảo vệ cho các em được an toàn và khỏe mạnh. Và điều đó cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội, đây cũng chính là góp phần làm tốt công tác chăm lo thế hệ trẻ tương lai.

 

                                                                                     Nguyễn Thị Thủy

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website