Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Bức tranh ngành dệt may những ngày đầu của "bình thường mới" qua góc nhìn của doanh nghiệp

Đầu năm 2021, tại các khu vực/quốc gia nhập khẩu may mặc hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU... tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, người dân được tiêm đủ vaccine, vì vậy các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với đó nhu cầu về quần áo và thời trang đã tăng trở lại. Trước diễn biến tích cực đó, ngành Dệt May Việt Nam cũng đã khởi sắc trong quý 4/2020 và 6 tháng đầu năm 2021, song chững lại vào tháng 7,8, 9 do tình hình dịch bệnh trong nước bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam. Sang quý 4/2021, khi trạng thái bình thường mới được khởi động, dệt may đang là một trong những ngành có nhiều tín hiệu tích cực hồi phục nhất song vẫn còn có những khó khăn khiến lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) phải trăn trở.

 

Những khó khăn, trăn trở của DN trở lại hoạt động sau dịch

 

Thiếu hụt lao động: Việc CNLĐ ồ ạt trở về quê và nhiều NLĐ vẫn còn đang ở trong vùng đỏ, không thể đi làm đã khiến các DN, trong đó có DN Dệt May bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Một số DN trong hệ thống đã bắt đầu quay lại sản xuất từ ngày 4/10, theo ghi nhận có khoảng 75% NLĐ quay lại nhà máy, dẫn đến năng suất trung bình cũng chỉ bằng 60-70% so với trước dịch. Hơn nữa rất dễ xảy ra tình trạng mất lao động lành nghề khi nhiều CNLĐ có tay nghề cao, có kinh nghiệm lại chọn cách từ bỏ công việc, nên dù DN có tuyển dụng đủ thì cũng phải mất nhiều thời gian và công sức để đào tạo lại.

 

Thiếu lao động đang là bài toán khó của các DN dệt may

 

Khó khăn trong đi lại, di chuyển tiếp tục là những bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Cụ thể, nhiều các địa phương giáp ranh, thậm chí các quận, huyện, xã trong cùng một tỉnh vẫn có các quy định phòng, chống dịch riêng, không thống nhất trong thủ tục đi đường gây ra nhiều khó khăn cho DN và người lao động (NLĐ) khi cần di chuyển qua các địa bàn đó. Từ đó phát sinh chi phí xét nghiệm, thủ tục phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý NLĐ và hoạt động DN.

 

Nguồn cung NPL chưa thực sự thông suốt: Giá cả NPL biến động khó lường, nhất là từ Trung Quốc – quốc gia cung cấp NPL lớn nhất cho dệt may Việt Nam đang bị khủng hoảng năng lượng do thiếu điện nên khả năng thiếu hụt nguồn cung NPL là rất lớn. Bản thân DN Trung Quốc trong dịp này có thể sẽ đẩy giá NPL cao hơn, cùng với đó là việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu còn nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao.

 

Phát sinh thêm chi phí bảo dưỡng máy móc: Máy móc thiết bị dừng sản xuất trong thời gian dài khi quay trở lại hoạt động đều phải bảo dưỡng. Còn đối với các DN thực hiện 3 tại chỗ thì hệ thống điện, nước, làm mát, các công trình phụ trợ kể cả một số máy móc thiết bị do phải hoạt động liên tục với công suất cao cũng đã bị xuống cấp cần phải sửa chữa, nâng cấp.

 

Biến động trong dây chuyền sản xuất: Trong một năm, các DN phải trải qua nhiều sự thay đổi trong dây chuyền sản xuất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất của NLĐ. Ông Nguyễn Văn Hải – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Đà Nẵng) cho biết: "Trước khi trở lại trạng thái bình thường mới, DN chúng tôi chỉ được phép hoạt động 3 tại chỗ và buộc phải giảm lao động, chỉ cho phép hoạt động 30 %, 50%, tối đa 70 % lao động tùy theo từng thời điểm nên chúng tôi phải linh hoạt bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp với số lao động. Khi quay trở lại trạng thái bình thường mới, phải bố trí lại dây chuyền nên nhiều lao động phải thay đổi công đoạn sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả công việc và thu nhập."

 

Thiếu hụt thời gian bố trí sản xuất: Thời gian giãn cách xã hội vừa qua khiến sản xuất gián đoạn, thời gian giao hàng bị chậm lại. Khi trở lại trạng thái bình thường mới, để kịp giao hàng cho khách thì DN sẽ buộc phải tăng ca, giãn giờ làm, thậm chí phải chấp nhận phương án vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí rất tốn kém.

 

Trước những khó khăn trên, các DN đã và đang triển khai nhiều giải pháp:

 

Tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch: Đây là điều kiện kiên quyết khi sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Các DN vẫn phải siết chặt các hoạt động phòng Covid-19, đảm bảo tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Y Tế và địa phương về phòng chống dịch.

 

Hoàn thành 2 mũi vaccine cho NLĐ: "Việc tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng đóng vai trò trọng yếu và lâu dài trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Không chỉ đảm bảo sức khỏe cho NLĐ mà nhiều đối tác cho biết, nếu tỷ lệ tiêm cao mới ký hợp đồng". Chia sẻ của Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, đồng thời cũng là trăn trở của rất nhiều lãnh đạo DN trong ngành khi mà tỉ lệ NLĐ được tiêm mũi 2 còn thấp. Chính vì vậy, các cấp trong ngành vẫn đang tích cực kêu gọi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho NLĐ, chỉ có như vậy DN mới có thể hoạt động thực sự bình thường trở lại.

 

Cần thiết phải hoàn thành sớm 2 mũi vaccine cho NLĐ

 

Sẵn sàng các kịch bản ứng phó: Dịch bệnh có thể vẫn sẽ diễn biến khó lường, vì thế để đảm bảo thích ứng với mọi sự thay đổi trong trạng thái bình thường mới cũng như ưu tiên cho việc duy trì sản xuất an toàn ở mức tối ưu nhất, các DN đều đã và đang xây dựng những kịch bản.

 

Tại vùng vàng và xanh, NLĐ quay trở lại làm việc bình thường, mỗi người đều phải tuân thủ nghiêm túc một hành trình từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khối văn phòng, CBCNV có thể thực hiện làm việc luân phiên, một nửa thời gian làm tại công ty, một nửa làm trực tuyến tại nhà.

 

Ngoài ra, một số đơn vị, vẫn tiếp tục triển khai 3 tại chỗ đối với lao động ở tại các khu vực bị hạn chế di chuyển hằng ngày do chính sách "con" của từng địa phương nhằm bảo đảm việc làm và thu nhập cho NLĐ cũng như việc đáp ứng đẩy nhanh tiến độ giao hàng của đơn vị.

 

Tăng cường chăm lo cho NLĐ: Trở lại làm việc sau một thời gian dài giãn cách, đời sống NLĐ rất khó khăn, chính vì thế các DN đều ưu tiên thực hiện sớm các thủ tục thủ tục để NLĐ được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ; đồng thời các DN cũng huy động các nguồn lực để có hỗ trợ thêm, động viên NLĐ quay lại làm việc, giúp họ yên tâm sản xuất và gắn bó với DN. Ngoài ra, việc hướng dẫn, đào tạo thêm cho NLĐ cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với LĐ mới hoặc LĐ phải chuyển đổi vị trí làm việc để đảm bảo sự thông suốt của chuyền.

 

Kêu gọi những chính sách hỗ trợ nhanh và kịp thời: Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành những chính sách nhằm hỗ trợ NLĐ và tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên để tiếp cận những chính sách này còn khó và mất nhiều thời gian, trong khi đây đang là giai đoạn mà DN cần sự trợ giúp nhất. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng thay vì miễn giảm thuế, Chính phủ nên xem xét khả năng cho DN vay các gói hỗ trợ dài hạn hoặc kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất vay cho DN và NLĐ gặp khó khăn bởi dịch bệnh khi họ quay trở lại sản xuất. Như vậy hỗ trợ mới thật sự nhanh chóng, kịp thời và có ý nghĩa thiết thực.

 

Linh hoạt trong đàm phán đơn hàng và tổ chức sản xuất: Ông Nguyễn Văn Hải- Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ chia sẻ: "Với các đơn hàng đã ký, DN đã tiến hành đàm phán, thuyết phục đối tác để đẩy lùi thời hạn giao hàng. Còn với những đơn hàng sắp ký, xu hướng chung hiện này là không đàm phán quá xa và phải có giải pháp cụ thể cho từng đơn hàng. Sắp xếp sản xuất có thứ tự ưu tiên và bố trí lao động, máy móc thiết bị đảm bảo hiệu quả tối ưu hoạt động trong trạng thái bình thường mới".

 

Như vậy, khi lập kế hoạch sản xuất, các DN đều phải chú trọng tính linh hoạt, có dự báo và lường trước khó khăn. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 – CTCP (Hà Nội) cho biết: "Trước kia, một chu trình sản xuất của May 10 kéo dài từ 3-6 tháng nhưng từ năm 2020, công ty đã xuất hiện khái niệm "ngay và luôn", thậm chí có những giai đoạn phải xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức sản xuất theo ngày".

 

Dự báo và động lực hồi phục cho ngành Dệt May

 

Theo ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hợp nhất cả năm 2021; riêng với công ty mẹ đã hoàn thành trên 60% kế hoạch cả năm. Dự kiến đến hết năm 2021, Vinatex sẽ hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội cổ đông giao. Tuy nhiên những khó khăn tại các đơn vị nhất là ở phía nam vẫn sẽ ảnh hưởng trong trung hạn và thể hiện trên kết quả của Tập đoàn vào chu kỳ tiếp theo.

 

Còn ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Việt Tiến trả lời Tạp chí Tài chính & Cuộc sống, đã đánh giá: "Nếu quý 4/2021 mở cửa, TP.HCM và các tỉnh phía Nam khơi thông dòng chảy, chúng ta hoàn toàn có những kỳ vọng từ 14-15 Hiệp định đã ký. Đây là cơ hội cực kỳ tốt cho nhóm DN dệt may trong khi các nước khác cũng gặp chung khó khăn của dịch bệnh".

 

Chủ tịch VITAS cũng cho rằng năm 2022 mức tăng trưởng của toàn ngành dệt may là tương đối khả quan. Trong cái khó, nội lực của DN dệt may và đầu tư công nghệ tự động hóa sẽ bù đắp được một phần sự thiếu hụt lao động. Tuy nhiên cũng cần phải xác định nền kinh tế Việt Nam đã suy yếu rất mạnh trong năm 2021, việc khôi phục nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng phải đến hết năm 2022 và sang năm 2023 mới trở lại bình thường như năm 2019.

---

 

Bức tranh ngành Dệt May Việt Nam trong giai đoạn đầu của "bình thường mới" là sự đan xen giữa những sắc màu tươi sáng của niềm tin, sự hy vọng; đồng thời vẫn còn đó gam màu xám bởi những tổn thất, khó khăn của DN và NLĐ. Nhưng với nội lực và những tín hiệu hồi phục tích cực của ngành công nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước, với những giải pháp vượt khó, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ dám làm của đội ngũ lãnh đạo các cấp trong hệ thống cùng sự đoàn kết, thấu hiểu của toàn thể NLĐ, tin tưởng rằng Dệt May sẽ trở lại và bứt phá mạnh mẽ hơn.

 

Là điểm tựa của NLĐ, là đối tác tin cậy của DN, Công đoàn các cấp vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, san sẻ bớt những gánh nặng, trăn trở mà lãnh đạo DN cũng như NLĐ đang phải gánh vác, để cùng nhau tạo nên một chiếc kiềng 3 chân "Doanh nghiệp – Công đoàn – Người lao động" một cách mạnh mẽ, vững chắc nhất, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách và hoàn cảnh.

 

Vĩnh Hồng

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website