Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Vì sao người lao động Dệt May nên sớm trở lại làm việc sau dịch?

Ngay khi trạng thái bình thường mới được kích hoạt, nhiều doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam đã bắt đầu quay trở lại sản xuất. Tuy nhiên do một lượng lớn người lao động (NLĐ) ồ ạt về quê và chưa có ý định hoặc không thể trở lại thành phố do các quy định phòng chống dịch của địa phương nên doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Tình trạng này đã gây ra nhiều bất lợi không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả NLĐ. Vì vậy, đâu là lý do NLĐ dệt may nên sớm quay trở lại làm việc khi trạng thái bình thường mới bắt đầu?

 

Nguy cơ mất an toàn phòng chống dịch khi NLĐ ồ ạt về quê

 

Theo chuyên gia y tế, việc ồ ạt về quê khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến dịch bệnh lây lan. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 phải được đặt lên hàng đầu. "Trong lúc này, người dân không nên trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng"

 

Theo PGS Trần Đắc Phu, lực lượng chức năng đã phát hiện một số ca dương tính SARS-CoV-2 trong số những người di chuyển về quê. Trong số đó, có những người đã mắc Covid-19, trên đường đi lây nhiễm lẫn nhau. Tình trạng này tiếp diễn sẽ tạo sự lây lan giữa những người cùng đi với nhau và lây lan dịch ra nhiều tỉnh, thành phố. Hoặc chính chúng ta đã bị nhiễm SARS-CoV-2 lây lan cho người khác và khi về quê lại làm lây lan cho người trong gia đinh, cộng đồng.

 

Chính vì vậy, nếu không thật sự quá cần thiết thì NLĐ "đã ở đâu thì nên ở yên đó", tiếp tục ở thành phố, nhất là khi các cơ sở, nhà máy xí nghiệp đã hoạt động trở lại, cơ hội để mọi người đi làm, có thu nhập là hoàn toàn khả thi.

 

Dệt may - một trong những ngành có dấu hiệu hồi phục tích cực nhất

 

Quan điểm hiện nay của Chính phủ là không thể tiếp tục giãn cách mãi mà phải chấp nhận sống chung, thích nghi với Covid-19. Hiện nay, các nước đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam đang bắt đầu hồi phục kinh tế và nhu cầu về hàng may mặc tăng trưởng trở lại. Thêm vào đó, dệt may Việt Nam đang có cơ hội hưởng lợi từ nhiều Hiệp định thương mại tự do đã ký, giúp ngành gia tăng thêm năng lực cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác. Vì vậy, giai đoạn này được coi là "thời điểm vàng" để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, hoàn thành nốt các đơn hàng dở dang từ đợt trước dịch, cũng như đàm phán những đơn hàng mới, bù đắp cho những tổn thất mà giai đoạn giãn cách gây ra.

 

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký kết các đơn hàng đến hết năm 2021, thậm chí đến hết quý 1-2022, và điều cần nhất lúc này là gấp rút ổn định tổ chức sản xuất để hoàn thành kế hoạch. Vì thế NLĐ trở lại làm việc thời điểm này sẽ không lo thiếu việc, thậm chí còn có thể tăng ca, tăng năng suất để có thu nhập tốt hơn.

 

 

NLĐ được doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn sản xuất

 

- Tính đến ngày 30/9/2021 hơn 80 nghìn lao động/120 nghìn lao động (khoảng 2/3 NLĐ) được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, chính quyền địa phương cùng các cấp trong ngành đều đang đẩy mạnh việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho NLĐ;

 

-  Các doanh nghiệp chú trọng xây phương án sản xuất an toàn: giảm mật độ lao động bằng cách chia ca làm việc, tuân thủ nguyên tắc 5K và củng cố năng lực y tế để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh;

 

- Các doanh nghiệp trong hệ thống cũng đang không ngừng hỗ trợ lẫn nhau; Tích cực làm việc với đối tác/khách hàng để họ chấp nhận giãn tiến độ giao hàng, không hủy đơn hàng, tháo gỡ một phần khó khăn;

 

- Doanh nghiệp và tổ chức công đoàn đang tích cực ưu tiên rà soát, làm thủ tục kịp thời cho NLĐ là đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của nhà nước; thực hiện nhiều giải pháp chăm lo, bảo đảm NLĐ được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, nhất là với người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch bệnh...

 

Cơ hội đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống sau dịch cho NLĐ

 

Đại dịch gây ra những khó khăn gay gắt về việc làm, sinh kế và đời sống của nhiều lao động.  Nhiều NLĐ đã rời các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... và các trung tâm công nghiệp  để về quê trong thời gian qua. Việc phải trở về quê do tác động của dịch Covid-19 là lựa chọn bắt buộc do áp lực không có thu nhập và nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, dù mong muốn được quay về quê là chính đáng nhưng khi trở về, NLĐ rất dễ rơi vào cảnh thất nghiệp, gặp khó khăn trong tìm kiếm công việc mới tại địa phương - nơi mà trước đây vì mưu sinh, lập nghiệp họ đã phải di cư vào thành phố, khu công nghiệp để có việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19, nhất là tại các địa phương chưa có giải pháp đối với lao động hồi hương thì kiếm việc làm sẽ rất khó khăn.

 

Do đó, việc NLĐ ngành dệt may thay vì về quê mà quay trở lại công ty làm việc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ vì doanh nghiệp mà còn là sự đảm bảo cho chính cuộc sống, thu nhập và tương lai lâu dài của bản thân và gia đình NLĐ.

 

Hơn nữa, những kinh nghiệm tích góp bao lâu, những cống hiến dành cho đơn vị và cả những tình cảm dành cho đồng nghiệp cũng như ngành nghề sẽ mất đi nếu NLĐ chọn cách từ bỏ công việc mình đang làm.  Sẽ thật đáng tiếc, trong khi các cấp trong ngành, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cùng hàng nghìn hàng vạn công nhân dệt may vẫn đang nỗ lực từng phút, từng giờ bám máy, bám xưởng để đưa đơn vị, ngành và nền kinh tế vượt qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất lịch sử, thì những NLĐ vốn đã từng gắn bó với ngành, với nghề lại đứng ngoài cuộc.

 

Dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn, tổn thất, đau thương sẽ không tránh khỏi nhưng cuộc sống thì vẫn phải tiếp tục. Mỗi người sẽ có một chọn lựa khác nhau, mỗi sự chọn lựa ấy đều đáng được trân trọng và ủng hộ. Nhưng dám đối diện và đương đầu với thử thách lại là con đường ngắn và hiệu quả nhất để vượt qua nghịch cảnh. Và trong lúc này, hơn bao giờ hết, các cấp trong ngành rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành của NLĐ, để cùng doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh và cũng để NLĐ có việc làm, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống sau những biến động do dịch bệnh gây ra.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website