Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Chi tiêu mùa dịch sao cho “thiếu mà vẫn đủ”

Có lẽ chưa khi nào người lao động (NLĐ) trên cả nước, trong đó có ngành Dệt May phải đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền như giai đoạn hiện nay, khi mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và thu nhập của toàn xã hội. 

 

Từ những nơi ít bị ảnh hưởng…

 

Với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, NLĐ Dệt May khu vực miền Bắc và miền Trung được coi là còn may mắn hơn nhiều so với các đồng nghiệp khu vực phía Nam. Do số ca mắc và số lượng NLĐ bị phong tỏa, cách ly không cao, vẫn có thể đến nhà máy làm việc nên hầu hết các doanh nghiệp ở 2 khu vực này vẫn sản xuất bình thường. Đơn hàng tại một số nơi có thể không đem lại lợi nhuận cao nhưng vẫn duy trì công việc ổn định cùng thu nhập thường xuyên cho NLĐ. Vì thế, thu nhập của NLĐ dệt may tại các địa phương này vẫn chưa bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách như hiện nay, rất nhiều ngành nghề phải chịu tổn thất nghiêm trọng. Chỉ cần gia đình có một thành viên chẳng may phải nghỉ việc hoặc giảm thu nhập thì chi tiêu sao cho đủ, đòi hỏi mỗi người phải cân đo, đong đếm rất nhiều.

 

Với các gia đình vẫn có thu nhập, dù ít hay nhiều thì họ vẫn đang cố gắng co kéo sao cho đủ, thậm chí sẽ phải tiêu lạm vào số tiền tích lũy bấy lâu nay. Nhưng dù thế nào đi nữa thì mọi gia đình đều nhận thức được phải tiết kiệm tối đa và cố gắng để ra một khoản dự phòng nho nhỏ, bởi dịch bệnh không biết khi nào mới chấm dứt. Mọi công việc đang mang lại thu nhập đều có thể chấm dứt đột ngột, theo một cách không hề mong muốn nếu như dịch bệnh bùng phát mạnh.

 

... Đến nơi tâm dịch

 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết các tỉnh thành phía Nam, diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng hơn rất nhiều, dẫn đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động nói chung và người lao động Dệt May nói riêng gặp vô vàn khó khăn.

 

Số ca F0, F1, F2 hay lao động phải cách ly, phong tỏa tại các doanh nghiệp là rất lớn. Tùy theo điều kiện, một số đơn vị duy trì được sản xuất "3 tại chỗ" với số lượng lao động nhất định, các đơn vị còn lại buộc phải cho người lao động tạm nghỉ việc ở nhà do không đủ điều kiện để tổ chức sản xuất "3 tại chỗ".

 

Với những lao động phải tạm nghỉ ở nhà hoặc cách ly trong các khu phong tỏa, ngoài chế độ hỗ trợ của Nhà nước, họ có thể được nhận thêm trợ cấp của doanh nghiệp, công đoàn cũng như các tổ chức khác. Hiện tại, Công đoàn Dệt May Việt Nam vẫn đang tổ chức rất nhiều đợt trợ cấp cho người lao động là F0 và là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do dịch bệnh.

 

Ngoài ra, tổ chức công đoàn các cấp cũng đã tích cực vào cuộc, vận động các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê trọ. Những gia đình phải thuê trọ hầu hết đều được miễn giảm 30- 50%, thậm chí có chủ nhà miễn hoàn toàn vài ba tháng tiền trọ cho người thuê nhà. Những việc làm đầy tình nghĩa này cũng giúp giảm bớt một khoản chi phí rất đáng kể cho lao động nghèo.

 

Các gia đình có con đang đi học đỡ được phần nào gánh nặng khi TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam miễn học phí học kỳ I cho cả học sinh công lập và tư thục.

 

Vì thực hiện giãn cách nên các gia đình cũng tiết giảm được nhiều khoản chi tiêu. Chi phí giờ tập trung hầu hết vào những sinh hoạt thiết yếu như ăn uống, điện, nước, tiền nhà và tiền internet phục vụ cho gia đình có con học trực tuyến.

 

Mặc dù vậy, đời sống NLĐ vẫn đang hết sức khó khăn và áp lực, rất nhiều gia đình đã phải sử dụng đến các khoản tích lũy và các khoản này cũng đang dần cạn kiện bởi dịch bệnh kéo dài.

 

 

Chi tiêu sao cho "thiếu mà vẫn đủ"

 

Có lẽ rất lâu rồi, chúng ta mới phải đắn đo cân lên, đặt xuống từng mớ rau, lạng thịt, con cá như giai đoạn này, nhằm co kéo chi tiêu sao cho đủ bữa ăn của cả gia đình. Vậy làm sao để chi tiêu "thiếu mà vẫn đủ" trong điều kiện khó khăn chung như hiện nay?

 

- Thường xuyên rà soát, đánh giá các khoản chi tiêu để xây dựng hạn mức chi tiêu hợp lý, cắt giảm các khoản không cần thiết và tối ưu hóa các khoản thiết yếu.

 

- Tiết kiệm từ những điều nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt hàng ngày như điện, nước, thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày đến các việc lớn hơn như hạn chế mua sắm mới, không tiêu xài hoang phí, xa xỉ.

 

- Bỏ qua các chi phí cho sở thích, thói quen không cần thiết; sống một cách giản đơn và nếu có thể, hãy tự làm thay vì mua sẵn.

 

- Sử dụng các nguồn hỗ trợ một cách có ích và tiết kiệm. Tránh ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài vì đây chỉ là các khoản giúp giải quyết những khó khăn ban đầu, quan trọng nhất vẫn là sự tiết kiệm trong chi tiêu và các khoản thu nhập ổn định khi dịch bệnh được kiểm soát.

 

- Kiểm tra các dịch vụ mà gia đình và bản thân đang sử dụng, nếu không cần thiết hoặc ít dùng có thể hủy hoặc tạm dừng. Ví dụ: Nếu đã có mạng wifi thì nên cắt các dịch vụ 3G, 4G trên điện thoại (hoặc ngược lại). Nếu có nhiều tài khoản, thẻ ngân hàng không dùng đến hãy hủy để tránh việc phải trả phí duy trì và phí dịch vụ. Trước đây để phục vụ giải trí mà lắp đặt các gói truyền hình trả tiền, giờ có thể giảm bớt để tránh chi phí không cần thiết…

 

- Không đầu tư thiếu hiểu biết. Nhiều người do tạm dừng việc muốn đầu tư nhỏ hoặc tìm một công việc ngắn hạn để kiếm thêm thu nhập. Đây là một ý tưởng tích cực trong mùa dịch nhưng phải rất cẩn trọng và chỉ thực hiện khi mình hoàn toàn hiểu rõ về công việc đó. Tránh trường hợp mất tiền do đầu tư thiếu hiểu biết hoặc do bị lôi kéo, lừa đảo.

 

- Cần cảnh giác với mánh khóe cho vay nặng lãi của các tổ chức tín dụng đen lợi dụng lúc NLĐ khó khăn để dồn ép, trục lợi.

 

- Nếu quá khó khăn, túng thiếu, không đủ lương thực, thực phẩm tối thiểu cho sinh hoạt hàng ngày, hãy liên hệ ngay với địa phương, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn nơi bạn làm việc để yêu cầu được hỗ trợ. 

 

Mong rằng những gợi ý trên đây sẽ hữu ích đối với CBCNVLĐ của ngành trong chi tiêu mùa dịch, để cho dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn tạm đủ để sinh hoạt và trang trải cho các chi phí cần thiết mỗi ngày. Khi tỷ lệ người dân được tiêm vaccine đạt mức miễn dịch cộng đồng, các nhà máy, phân xưởng sẽ trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Hy vọng khi ấy, tất cả NLĐ sẽ sớm được quay lại với công việc, nỗ lực tăng năng suất, nâng cao hiệu quả, gia tăng thu nhập để bù vào những tổn thất trong thời gian qua.

 

Để những tháng ngày bình yên sẽ lại trở về và cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ no ấm và đầy đủ hơn xưa.   

 Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website