Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Đời sống NLĐ thời hậu Covid-19 và những vấn đề cần quan tâm

Đã gần 2 năm kể từ khi đại dịch xuất hiện và bùng phát khiến cuộc sống của mỗi người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ CNLĐ bị xáo trộn. Nhiều cách thức làm việc, lối sống cũng như suy nghĩ, quan điểm mới đã dần thay thế những điều bình thường trước đây. Và đến chừng nào chưa thể kiểm soát dịch một cách hoàn toàn mà chỉ là "trạng thái bình thường mới" thì những thay đổi này vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng ta trong nhiều năm tới, thậm chí là dài lâu.

 

An toàn đặt lên hàng đầu

 

Trước đại dịch, chúng ta không có nỗi lo thường trực mang tên sức khỏe. Tuy nhiên Covid-19 xuất hiện, mỗi người đều phải tự chăm lo, đảm bảo cho an toàn của bản thân. Những thói quen mới được hình thành như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tụ tập đông người, tránh tiếp xúc cơ thể, bắt tay, ôm hôn… Chế độ sinh hoạt lành mạnh cũng được quan tâm nhiều hơn như hạn chế thức khuya, sử dụng đồ uống có cồn hay chất kích thích, tăng cường uống nước ấm, chịu khó vận động tập thể dục… Đây đều là những thói quen tốt mà Covid-19 đã hình thành cho chúng ta, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì lối sống này vẫn cần được duy trì để tăng cường sức khỏe.

 

 

Sống nhanh và đề cao tính hiệu quả

 

Giữa đại dịch, con người đã chọn cách sống chậm và đơn giản để thích nghi với điều kiện giãn cách xã hội nhưng khi quay lại cuộc sống "bình thường mới" chúng ta cần phải sống nhanh hơn, gấp gáp và hiệu quả hơn, có như vậy mới có thể bù lại những tổn thất, suy giảm trong thời gian phải tạm nghỉ. Đặt mục tiêu gấp đôi, gấp rưỡi giai đoạn trước dịch; làm việc bằng ba, bốn lần trước đây; tận dụng những thế mạnh, sự trợ giúp của máy móc, khoa học công nghệ để công việc cũng như sinh hoạt được nhanh chóng, hiệu quả hơn; tránh mất thời gian, công sức cho những việc làm vô bổ, không mang lại giá trị thực tế; hạn chế tụ tập, vui chơi, giải trí tốn kém, lãng phí để có thời gian làm những việc hữu ích… Đó cũng chính là những tác phong mà mỗi người, đặc biệt là CNLĐ cần phải học tập và cố gắng phát huy, không chỉ sau dịch bệnh.

 

Linh hoạt và thích nghi cao

 

Dưới ảnh hưởng của dịch, các yếu tố liên quan đến kinh tế, thị trường, sản xuất, kinh doanh đều gặp biến động lớn. Chính vì vậy, công việc của mỗi NLĐ cũng sẽ phải linh hoạt thay đổi tùy theo điều kiện thực tế. Có thể là linh hoạt về thời gian khi mà NLĐ có thể phải tăng ca, giảm ca, luân phiên, thậm chí có thể phải quay lại trạng thái tạm nghỉ khi dịch bùng phát. Hoặc linh hoạt về vị trí làm việc khi mà tình trạng thiếu lao động có thể xảy ra ở một vài công đoạn trên chuyền, buộc mỗi người phải tự thích ứng, đáp ứng được yêu cầu vị trí mới. Những thay đổi trong công việc sẽ dẫn đến thay đổi trong cuộc sống thường nhật khi mà NLĐ phải san sẻ, phân bổ quỹ thời gian dành cho nhiều việc khác như chăm sóc gia đình, con cái, cha mẹ hay các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống.

 

Tiết kiệm và tích lũy nhiều hơn

 

Trải qua 2 năm tổn thất vì dịch bệnh, NLĐ hiểu hơn ai hết nỗi khổ của túng thiếu và cạn kiệt tích lũy. Bài học về sự tiết kiệm vì thế mà càng trở nên sâu sắc. Nếu trước đây có thể "vung tay" mua thêm cái này cái nọ thì giờ đây chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày cũng cần phải "cân đo đong đếm". Mua sắm mới sẽ không được ưu tiên, thay vào đó là sửa chữa, tái sử dụng. Các vật dụng đa công năng cũng được yêu thích hơn. Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà tiêu xài thời gian hay công sức cũng đều cần cân nhắc kĩ lưỡng để tránh lãng phí.

 

Vai trò của tích lũy ngày càng quan trọng khi mà dịch bệnh vẫn có thể đe dọa đến sức khỏe và đời sống người dân. Với những người có thói quen "kiếm bữa nào, tiêu bữa đó" cũng đã đến lúc phải thay đổi quan điểm bởi nếu không dành dụm, NLĐ sẽ rất vất vả trong bối cảnh công việc đứt quãng, thu nhập giảm khi dịch bệnh tái diễn. Mỗi gia đình nên có một khoản tích lũy tối thiểu đủ sống trong 6 tháng khi mà không có lương hay thu nhập nào khác.

 

Bên cạnh những thay đổi tích cực về lối sống, đại dịch cũng để lại cho chúng ta những vấn đề cần quan tâm, đó là:

 

Những hệ quả về sức khỏe và tinh thần

 

Không phải ai phục hồi sau Covid-19 cũng phải chịu di chứng, tuy nhiên với số người nhiễm tăng cao thì khả năng để lại hệ quả cho người bệnh là hoàn toàn có thể, đặc biệt chủng virus lại đang biến đổi liên tục khó lường.  Các chuyên gia y tế từ Đại học Y khoa Chicago (Mỹ) nhận định, có thể các ca bệnh nhẹ sẽ không để lại di chứng nhưng đối với những trường hợp nặng, chức năng phổi sẽ không thể trở về như ban đầu, thậm chí có dấu hiệu tổn thương phổi. Nhiều bệnh nhân sẽ trải qua hội chứng hậu nhiễm virus như ho nhẹ, mệt mỏi, đau khớp và phải mất một thời gian, tùy theo tình hình sức khỏe để trở lại bình thường.

 

Ngoài ảnh hưởng về sức khỏe, Covid-19 còn khiến rất nhiều người phải chịu hậu quả về mặt tinh thần, dù có mắc bệnh hay không. Khi cuộc sống trở nên bất định, giãn cách xã hội trong một thời gian dài, kinh tế đi xuống trong khi bệnh tật, mất mát và đau thương lại tăng lên rất dễ khiến tâm trạng của chúng ta căng thẳng, mệt mỏi, nặng có thể dẫn đến kích động, rối loạn lo âu và trầm cảm.

 

Gánh nặng trên vai người phụ nữ

 

Tại Việt Nam, phụ nữ được tham gia vào rất nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, có những ngành mà tỷ lệ nữ chiếm trên 70%, ví dụ như dệt may. Khi xã hội bước vào trạng thái bình thường mới cũng chính là lúc các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh sản xuất, hồi phục kinh doanh. Chính vì vậy áp lực công việc lên người phụ nữ là rất lớn. Sức khỏe không đảm bảo hay tâm lý mệt mỏi, stress, chán nản hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Gánh nặng trên đôi vai người phụ nữ tiếp tục gia tăng sau đại dịch

 

Bên cạnh công việc, chị em vẫn phải thực thi vai trò của người phụ nữ trong gia đình như nội trợ, dọn dẹp, chăm sóc con cái. Là "tay hòm chìa khóa" trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, chị em cũng phải đau đầu lo chi tiêu với rất nhiều khoản chi phí được tái khởi động sau dịch. Chưa kể đến giai đoạn đầu của bình thường mới, các cơ sở giáo dục hay dịch vụ còn chưa đi vào hoạt động ổn định, khiến các chị phải lúng túng nhiều hơn trong chăm sóc gia đình.

 

Chưa kể đến thời gian dịch bệnh kéo dài, những hệ lụy về quan hệ xã hội, quan hệ gia đình có nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Theo UNICEF, dịch bệnh đã khiến bạo lực gia đình tăng đột biến, mà nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em.  Chính vì vậy việc nắm bắt tình hình, chia sẻ, hỗ trợ lao động nữ trong thời gian đầu đi làm lại sau dịch là rất cần thiết và là trách nhiệm của các cấp trong ngành, trong doanh nghiệp.

 

Nguy cơ về ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự tăng cao

 

"Bình thường mới" đồng nghĩa với các cơ sở nhà máy xí nghiệp sản xuất trở lại, NLĐ từ khắp nơi đổ về các thành phố lớn mưu sinh. Từ đó dẫn đến sự tăng đột biến của khí thải, hiệu ứng nhà kính, tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông… Đây là lúc môi trường chịu sức ép lớn sau một thời gian dịu xuống do giãn cách xã hội. Người dân sẽ phải đối diện với nhiều loại bệnh như viêm xoang, hô hấp, dị ứng…

 

Ngoài ra tình hình mất an ninh trật tự, trộm cắp, cướp giật, các tệ nạn xã hội cũng như tình trạng bạo lực mạng, lừa đảo, tín dụng đen, lôi kéo, xúi giục của các thế lực phản động… sẽ gia tăng đáng kể, NLĐ cần hết sức cảnh giác và phòng tránh.

 

---

 

Đại dịch Covid-19 là nỗi kinh hoàng của toàn nhân loại, chúng ta đã phải chứng kiến những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và đặc biệt là sức khỏe, tính mạng con người. Nhưng dẫu có mất mát, đau thương thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục và chúng ta buộc phải chấp nhận,  thích nghi với những điều "bình thường mới". Mong rằng chúng ta hãy tiếp tục lạc quan, tin tưởng, cố gắng đón nhận những điều mới mẻ nhưng cần thiết để cuộc sống trở nên an toàn và có ý nghĩa hơn.

 

 

Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website