Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Chăm sóc cha mẹ - Lời giải nào phù hợp cho đạo làm con trong một xã hội văn minh

 

"Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng 

Ấy mùa nhân loại đón Vu lan 

Bâng khuâng nhớ đến ơn sinh dưỡng 

Thổn thức tâm con ngấn lệ tràn..."

(Sưu tầm)

 

 

Một mùa Vu lan nữa lại đã qua đi, trong một bối cảnh hết sức dị biệt bởi Covid-19.

 

Nào ai biết, Vu lan năm nay, đã có bao người con phải cách xa đấng sinh thành của mình. Có không ít những xa cách tưởng chừng chỉ vài ngày, vài tuần, giữa đại dịch đã trở thành những cuộc chia ly mãi mãi...

 

Khi ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh đến thế, cầu mong cho những phận làm con, không ai phải chịu nỗi đau đớn, nuối tiếc khôn nguôi vì đã không cố gắng, nhiều nhất có thể để làm tròn chữ hiếu khi mẹ cha đương còn sống.

 

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể...

 

Người xưa đã chọn rằm tháng bảy hàng năm là ngày lễ Vu lan, là dịp để con cái được ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục, báo hiếu cha mẹ.

 

Ấy là nói đến phận làm con!

 

Nhưng với những người làm cha, làm mẹ, liệu ai có thể đếm được biết bao xuân, hạ, thu rồi lại đông đã qua đi, có tháng ngày nào, giờ phút nao, mà tất cả sức lực, tâm trí, trái tim của họ không hướng về những đứa con, những núm ruột của mình với tình yêu thương và sự hy sinh không thể nói thành lời.

 

Câu nói "Đối với thế giới này, bạn chỉ là một ai đó. Nhưng đối với một ai đó, bạn là cả thế giới này" thường được dùng trong tình yêu nam nữ, nhưng có lẽ, nó sẽ chính xác hơn khi dành để nói về tình mẹ, nghĩa cha.

 

Bởi sự đắm say, si mê trong tình cảm lứa đôi thường chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định và phai nhạt dần theo tháng năm. Còn những yêu thương vô bờ bến cha mẹ dành cho con cái thì sẽ chẳng có giới hạn nào, cả về không gian và thời gian...

 

Đạo làm con ngày nay

 

Trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, chữ "Hiếu" mang một giá trị cốt lõi đầy nhân bản. Không phải tình cờ mà từ thời phong kiến cho đến xã hội văn minh, hiện đại ngày nay, người ta vẫn dùng từ "đạo làm con". Thực tế, sự yêu kính, trân trọng, hiếu thuận, trách nhiệm với cha mẹ, cho dù có qua bao tháng năm, vật đổi sao dời, thì trong tâm thức người Việt, chữ "Hiếu" ấy vẫn luôn được nâng niu, tôn thờ như một thứ "đạo".

 

Trước đây, gia đình người Việt thường sinh hoạt theo truyền thống "tam đại đồng đường", con cái thường xuyên gần gũi, ở cùng với cha mẹ, ông bà nên thuận lợi hơn trong việc quan tâm, chăm sóc, chuyện trò...

 

Ngày nay, khi đã dựng vợ gả chồng, các con thường thích ở riêng, ít khi sống chung với cha mẹ. Sự xa cách về địa lý, trong rất nhiều mối quan hệ, đã kéo theo cả cách xa về tình cảm, sự thờ ơ, vô tâm, vô trách nhiệm của những người con đối với cha mẹ mình.

 

Thêm vào đó, cuộc sống bận rộn, hối hả trong thời đại công nghệ số khiến cho mỗi chúng ta dường như đều quay cuồng trong bộn bề công việc, đủ mọi áp lực, trăm thứ phải lo toan và vô vàn mối quan hệ phải xử lý...

 

Tất cả những nguyên nhân ấy, thậm chí nhiều khi chỉ vì những lý do nhỏ nhặt mà chúng ta quên đi, dù có thể chỉ trong một lúc nào đó, sự tồn tại của cha mẹ mình.

 

Tháng năm cứ trôi đi, cuộc sống ngày nay khiến con người phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rất nhiều vấn đề mang tính thời đại, nhưng không vì thế mà chữ "Hiếu" cũng thay đổi theo. Đạo làm con muôn đời vẫn là yêu kính, trân trọng, biết ơn, quan tâm, chăm sóc và sống có trách nhiệm với cha mẹ mình.

 

Sự quan tâm, chăm sóc ấy nhiều khi chỉ là bớt chút công viêc, về ăn với cha mẹ một bữa cơm ngày cuối tuần; mua cho mẹ tấm áo mới mà sau đấy, bà nâng niu, cất kỹ, chỉ thỉnh thoảng lấy ra ngắm nghía với ánh mắt ngập tràn hạnh phúc; hay bàn tay vạm vỡ, ấm áp của người con, nhẹ nắm lấy những ngón tay run run của cha, dìu ông qua một đoạn đường khó đi...

 

Nhưng dẫu cho là trong thời đại nào, sự hiếu thuận đều phải xuất phát từ tâm, từ sự tự nguyện, chỉ khi ấy, chữ "Hiếu" mới thực sự mang đầy đủ những giá trị nền tảng, gốc rễ của đạo làm con, của đạo làm người.

Khi quan tâm, chăm sóc cha mẹ, các con không chỉ dừng lại ở bổn phận và trách nhiệm mà hãy cảm nhận, trong những công việc nhiều khi là vất vả và nhàm chán ấy là những niềm vui. Thật hạnh phúc khi chúng ta vẫn còn có bố mẹ để chăm lo mỗi ngày!

 

__________________

 

 

 

Những đứa con dần khôn lớn, trưởng thành, vật vã mưu sinh, va vấp với cuộc sống đầy bon chen, cạm bẫy, càng thấm thía hơn bao giờ hết, câu nói luôn chính xác một cách đầy nghiệt ngã: "Dù cuộc sống thực tại có vùi dập bạn đến đâu, có cười nhạo bạn đến mức nào đi chăng nữa thì ngay lúc trở về nhà, bước vào cảnh cửa ấm áp sẽ thấy không thứ gì ngọt ngào bằng nụ cười và ánh mắt yêu thương xen lẫn vui mừng của cha mẹ khi chào đón bạn trở về."

 

 

Phận làm con, hãy gắng yêu thương, chăm sóc, gần gũi cha mẹ mỗi ngày, khi còn có thể...

  

 

Đừng ai, đừng bao giờ, đợi tới mỗi mùa Vu lan, mới trào nước mắt, tưởng nhớ tới cha mẹ mà ân hận, nuối tiếc khôn nguôi...

 

 

                                                                                                                                                                        Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website