Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Trân trọng những phút giây hòa bình, chiến thắng những cuộc chiến mới trong xã hội hiện đại

Hình ảnh chú chim bồ câu trắng muốt, tung cánh bay lên bầu trời cao xanh vời vợi là một hình ảnh tuyệt đẹp, tượng trưng cho khát vọng hòa bình, yêu thương và tự do của cả nhân loại.

 

Đất nước đã thống nhất gần 50 năm nhưng sự đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại vĩnh viễn là những vết sẹo chỉ có thể mờ đi, chứ không thể xóa nhòa trong tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam.

 

Thấm thía cái giá phải trả cho cả hai phía, cho dù là ở bên này hay bên kia chiến tuyến, của người chiến thắng hay kẻ chiến bại, nỗi buồn chiến tranh chẳng thể là nỗi buồn của riêng ai.

 

Dẫu là hôm qua, hôm nay, ngày mai hay muôn đời sau, ước vọng hòa bình sẽ mãi mãi là khát vọng lớn nhất, khát vọng vĩnh hằng của hầu hết con người trên trái đất này.

 

Cách đây đúng 20 năm, Liên hiệp quốc đã chính thức lựa chọn 21/9 là Ngày Quốc tế Hòa bình. Nhưng ngày nay, khái niệm hòa bình không chỉ dừng lại ở việc chấm dứt chiến tranh mà đã mở rộng ra các mục tiêu cấp thiết của xã hội như xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng hay nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường....

 

 

Hai năm gần đây, Ngày Hòa bình thế giới còn có thêm một mục tiêu mới, đó là cả thế giới đoàn kết, chung tay đẩy lùi đại dịch Covid- 19.

 

Trong lễ thỉnh chuông hòa bình ngày 21/9/2020, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc cảnh báo đại dịch đang gia tăng nguy cơ cho nền hòa bình ở khắp mọi nơi. Cùng thời điểm, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhấn mạnh, dịch bệnh đang đe dọa sức khỏe, an ninh và sinh kế của người dân trên khắp thế giới, song chịu tổn thương lớn nhất là những người đang phải chịu đựng cả xung đột và dịch bệnh.

 

Một năm nữa lại qua đi, dịch bệnh không bị đẩy lùi mà còn phát triển thành những biến thể mới, điển hình là biến thể Delta đặc biệt nguy hiểm, lây lan hết sức nhanh chóng, gây nên những làn sóng dịch dữ dội trên khắp các quốc gia, các khu vực trên thế giới và để lại hậu quả vô cùng tàn khốc.

 

Tính đến ngày 19/9/2021, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 229.105.331, trong đó 4.702.758 người đã tử vong.

 

Tại Việt Nam, sau một năm, từ một trong những quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, nay cũng phải chịu hậu quả vô cùng nặng nề của biến thể Delta với tổng số ca mắc là 687.010 với 17.090 người đã tử vong.

 

Đại dịch đã cho chúng ta thấy một sự thật hiển nhiên, cho dù là một đất nước nhỏ bé chỉ có vài triệu người hay những quốc gia đông dân nhất thế giới; cho dù là khu vực kém phát triển hay những cường quốc hàng đầu thế giới; cho dù là màu da hay tôn giáo khác nhau, tất cả đều đã, đang và sẽ có thể là nạn nhân của Covid-19, cũng như chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

 

Đại dịch đang hoành hành dữ dội giúp chúng ta sáng tỏ hơn điều mà dường như trước đây có một số người chưa nhận thức được: Chúng ta không phải là kẻ thù của nhau!

 

Thay vào đó, loài người hiện nay chỉ có một kẻ thù chung, đó chính là loại virus nguy hiểm đang hàng phút, hàng giờ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của tất cả chúng ta, đang khiến cho cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới bị đảo lộn; hàng trăm triệu người mất việc làm; hàng trăm triệu gia đình ly tán, mất người thân; hàng triệu đứa trẻ mồ côi; đội ngũ nhân viên y tế luôn quá tải, kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần; ngân khố nhiều quốc gia trong tình trạng báo động vì Covid-19…

 

Dịch bệnh, ngoài những hậu quả thảm khốc mà nó reo rắc cho con người, cũng đã để lại cho chúng ta bài học lớn, đó là: tất cả loài người đều đang tồn tại dưới một mái nhà chung là Trái đất. Những gì đang xảy ra ở châu Á, châu Phi hoàn toàn có thể tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới những phần còn lại của thế giới và ngược lại.

 

Kỷ niệm năm thứ 20 Ngày Quốc tế Hòa bình, thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đó là chiến tranh, xung đột vũ trang, dịch Covid-19 và những đại dịch có thể còn tàn khốc hơn trong tương lai không xa, bởi môi trường, hệ sinh thái của cả loài người đang bị hủy hoại một cách không thương tiếc. 

 

Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó. Sau chiến tranh, dịch bệnh là đói nghèo, mất việc làm, không có thu nhập, bất bình đẳng xã hội gia tăng, kéo theo sự suy giảm chất lượng y tế, giáo dục, an sinh, phúc lợi xã hội...

 

Tất cả những nguy cơ và hiểm họa hiển hiện ấy đang đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, chung tay, đồng lòng của mỗi quốc gia, dân tộc, của từng người dân.

 

Chỉ tới khi chiến tranh, xung đột, dịch bệnh... bị đẩy lùi, thì khi ấy, hai chữ "hòa bình" - đích đến của mọi hành trình, sợi dây kết nối của cả nhân loại, mới không chỉ mãi mãi là một giấc mơ đẹp đẽ mà rất đỗi xa vời...

 

Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website