Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Có những ngày dừng lại để tiến xa hơn

Đa số các Thoả ước lao động tập thể của các doanh nghiệp trong ngành Dệt May đều đưa vào nội dung tổ chức tham quan du lịch cho người lao động (NLĐ) ít nhất 1 lần/năm. Hằng năm, nhằm tái tạo sức lao động, động viên tinh thần làm việc, cũng như tăng sự gắn kết giữa các bộ phận, các cán bộ, nhân viên và NLĐ, các doanh nghiệp trong ngành thường tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch trong các dịp hè hoặc ngày nghỉ lễ cho CNVCLĐ.  

 

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng chống dịch trong đó có thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế các sự kiện tập trung đông người, nhiều địa phương khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, cá nhân không tổ chức tham quan, du lịch để đảm bảo an toàn sức khỏe trước nguy cơ dịch bệnh. Do đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải hoãn/huỷ các chuyến tham quan du lịch nhưng tuỳ vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp chuyển sang các hình thức khác để NLĐ vẫn được tái tạo sức lao động, vẫn được hưởng chế độ phúc lợi. Điều này cũng đã nhận được sự ủng hộ, sẻ chia của NLĐ trong ngành.

 

Đa số các Thoả ước lao động tập thể của các doanh nghiệp trong ngành Dệt May đều đưa vào nội dung tổ chức tham quan du lịch cho người lao động ít nhất 1 lần/năm

 

Nhiều hình thức linh hoạt được tổ chức

 

Giữa năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 được không chế, một số doanh nghiệp trong ngành cũng vẫn tổ chức được cho NLĐ đi tham quan du lịch như: Công ty CP Dệt Lụa Nam Định, Công ty CP Dệt May Huế, Công ty CP Dệt May Thiên An Phú… Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, việc tổ chức được hoạt động này là sự nỗ lực rất lớn và thể hiện sự quan tâm, động viên tinh thần đối với NLĐ của doanh nghiệp và công đoàn cơ sở.

 

Song ở một số doanh nghiệp do phải tập trung cho phòng chống dịch, đồng thời ưu tiên cho cho sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ nên không tổ chức được các hoạt động du lịch, nghỉ mát. Vì thế, các doanh nghiệp đã phối hợp với công đoàn cơ sở  tổ chức các hoạt động thay thế như các bộ phận, phòng ban, xí nghiệp, tổ sản xuất tổ chức tiệc họp mặt để NLĐ vui chơi, giao lưu cùng nhau hoặc chuyển chi phí chuyến đi sang tặng quà là các sản phẩm thiết yếu cho gia đình NLĐ.

 

Nhiều doanh nghiệp khi quyết định hủy chương trình nghỉ mát hằng năm thì thay vào đó là chi tiền với mức từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng/người cho NLĐ như Tổng Công ty CP May Nhà Bè, Tổng Công ty May Việt Tiến, Tổng Công ty May 10, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Tổng Công ty May Đáp Cầu... , hoặc giữ kinh phí đó để xây dựng kế hoạch và lựa chọn phương án tối ưu để tổ chức cho NLĐ được đi du lịch vào thời điểm thích hợp như Tổng Công ty May Việt Thắng…

 

Sang năm 2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường ở nhiều địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khỏe của cán bộ, NLĐ và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp trong ngành Dệt May. Các doanh nghiệp trong ngành phải tập trung triển khai các biện pháp chống dịch, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc-xin cho NLĐ. Đồng thời, các doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh phương án sản xuất - kinh doanh phù hợp, xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với những tình huống dịch có thể xảy ra; Xây dựng phương án "3 tại chỗ" với các kịch bản, mức độ, diễn biến lây lan của dịch bệnh trên cơ sở bảo đảm an toàn cho sản xuất, NLĐ và phòng, chống dịch hiệu quả. Do đó, việc tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, cũng như các hoạt động sinh hoạt tập thể khác đều phải tạm dừng, chưa thể thực hiện được.

 

Do yêu cầu tạm dừng các hoạt động tham quan du lịch trong bối cảnh dịch bùng phát, đồng thời do những khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến những hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần khác, các công đoàn cơ sở đã kịp thời tuyên truyền, giải thích và động viên NLĐ hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp khi không tổ chức được các chuyến đi tham quan, du lịch thường niên đã thoả thuận trước đó nên hầu hết NLĐ trong các doanh nghiệp đều ủng hộ và đồng thuận với các quyết định của doanh nghiệp và tổ chức công đoàn.

 

Dừng lại để tiến xa hơn

 

Tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế đất nước dự báo khó khăn có thể còn kéo dài. Tại thời điểm này, đối với ngành Dệt May để có đơn hàng duy trì sản xuất, trả lương cho NLĐ là thách thức không nhỏ với nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt là nguy cơ đứt gãy cung ứng lao động do bối cảnh làm việc theo mô hình giãn cách và công nhân lao động trở về quê quá lớn dẫn đến thiếu lao động sau khi dịch được kiểm soát. Vì vậy, điều quan trọng nhất thời điểm sau giãn cách xã hội của các doanh nghiệp trong ngành là tập trung phục hồi sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống cho khoảng 3 triệu người lao động. Để tập trung cho nhiệm vụ này, có thể một số chế độ lương, thưởng của NLĐ giảm hơn so với trước đây và một số hoạt động khác trong đó có hoạt động tham quan du lịch phải tạm dừng để ưu tiên cho các giải pháp sản xuất kinh doanh. Song lúc này, sự thấu hiểu và tích cực tham gia sản xuất, sát cánh cùng doanh nghiệp của NLĐ tạo nên quyết tâm và động lực mạnh mẽ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giữ vững nền tảng, chuẩn bị cho sự hồi phục và phát triển. Sự đồng lòng chia sẻ, tạm dừng một số quyền lợi trong ngắn hạn của NLĐ là cơ hội để hai bên doanh nghiệp và người lao động cùng duy trì, gắn kết và phát triển bền vững trong dài hạn.

 

Bích Trần

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website