Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Công nhân lao động và những lo lắng, bất an trong đại dịch

Một trong những đối tượng dễ tổn thương nhất khi dịch bệnh bùng phát là đội ngũ công nhân lao động bởi họ đứng trước nguy cơ thiếu thốn về vật chất, công việc gián đoạn, thu nhập giảm trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của họ và người thân.

 

Tích lũy đang cạn kiệt dần

 

Đây là nỗi lo chung của đa số người dân Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại song với riêng CNLĐ đây có lẽ là nỗi lo thường trực và đau đáu nhất. Khi mà đa số công nhân đều là người dân ngoại tỉnh, phải thuê trọ tại các thành phố lớn để làm việc kiếm tiền nuôi bản thân, nuôi gia đình. Trong điều kiện bình thường họ vốn đã không dư dả, tiền bạc kiếm được tháng nào cũng chỉ đủ dùng trong tháng đó, số tiền tích lũy không đáng là bao nhiêu.

 

Khi dịch ập đến, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, bên cạnh đó là tình trạng phong tỏa tại một số khu vực, nhiều công nhân không thể đến nhà máy, cũng chẳng thể về quê. Họ sử dụng số tiền tích lũy và các khoản hỗ trợ của DN, tổ chức công đoàn để chi trả cho các chi phí sinh hoạt như tiền nhà, điện nước và ăn uống hàng ngày.

 

Tuy nhiên, chừng nào NLĐ chưa thể đi làm, chưa có thu nhập ổn định thì số tiền tích lũy vẫn sẽ tiếp tục thâm hụt, cạn kiệt. Các khoản hỗ trợ cũng chỉ giải quyết tình thế trước mắt. NLĐ rất cần được đi làm để ổn định cuộc sống.

 

Công nhân "3 tại chỗ" – Nỗi nhớ nhà thường trực

 

May mắn hơn là CNLĐ ở những DN đủ điều kiện tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" bởi họ vẫn được làm việc, có thu nhập đầy đủ, được DN chăm sóc sức khoẻ và bố trí ăn 3 bữa đầy đủ trong ngày. Song NLĐ vẫn phải đối diện với những nỗi lo lắng, bất an. Chị Nguyễn Thị Hương - Ủy viên BCH, cán bộ Công đoàn chuyên trách của Công ty CP May Bình Minh – cho biết anh chị em đang làm "3 tại chỗ" tại công ty đang rất nhớ nhà. Khi bắt đầu, ai cũng nghĩ chỉ tầm 10-15 ngày nhưng dịch bệnh kéo dài, đến nay anh chị em đã xa nhà hơn 2 tháng. Nỗi nhớ nhà, lo lắng cho người thân, gia đình luôn thường trực, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và không khí làm việc chung của cả nhà máy.

 

Thêm vào đó, cuộc sống "3 tại chỗ" chắc chắn không được thoải mái, linh hoạt như khi sống ở nhà. Mặc dù các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn đã cố gắng thu xếp điều kiện ăn ở một cách đầy đủ nhất song vẫn không thể tránh được sự thiếu thốn, bất tiện. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài của NLĐ như gặp gỡ người thân, mang hàng hóa, đồ dùng từ bên ngoài vào… đều rất hạn chế.

 

Đã có những đơn vị duy trì "3 tại chỗ" hơn 2 tháng nay

 

Tuy nhiên, giữa muôn vàn những khó khăn, đây dường như là những điều nhỏ nhặt nhất. Theo ghi nhận từ các CĐCS "3 tại chỗ",  trong quá trình thực hiện, được sự động viên, khuyến khích, quan tâm chăm lo của Công đoàn và DN, đa số CNLĐ đều cố gắng khắc phục khó khăn, thích nghi với nếp sinh hoạt mới, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

 

Mong muốn hoàn thành 2 mũi tiêm để sớm được đi làm

 

Tình trạng khan hiếm vaccine Covid-19 diễn ra trên cả nước, tuy nhiên nhu cầu tại tâm dịch như TP.HCM và các tỉnh phía Nam đặc biệt cấp thiết. Hiện tại mới chỉ có gần 50% NLĐ của hệ thống đã được tiêm mũi 1, trong đó nhiều người đã qua thời điểm hẹn mà vẫn chưa được tiêm mũi 2, đặc biệt là các công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ" tại các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp.

 

Chị Trần Thị Thanh Phượng – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng cho biết: "NLĐ sống tại khu dân cư cũng như làm việc tại các KCN tiếp cận vaccine dễ hơn so với NLĐ đang thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" tại các doanh nghiệp nằm rải rác trên địa bàn TP.HCM. Đây là lực lượng lao động chính trong thời điểm hiện tại nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy nhưng lại chưa được tiêm vaccine đầy đủ, như vậy sẽ rất khó để duy trì". Chị Phượng mong rằng Thành phố ưu tiên tiêm mũi 2 cho CNLĐ "3 tại chỗ" cũng như CNLĐ đang thuộc diện cách ly, phong tỏa để họ có thể sớm quay lại công ty và ổn định sản xuất.

 

Hiện nay, mới chỉ 50% NLĐ trong hệ thống được tiêm vaccine mũi 1

 

Có thể thấy, hoàn thành 2 mũi vaccine là điều cần thiết nhất cho NLĐ hiện nay, không chỉ đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân mà còn là cơ sở để họ an tâm đi làm trong điều kiện bình thường mới. Việc duy trì sản xuất "3 tại chỗ" đối với nhiều đơn vị trong ngành đã qua tháng thứ 2. Nếu NLĐ đang cạn kiệt tích lũy thì bản thân doanh nghiệp khi thực hiện phương án này cũng đang phải gồng mình gánh vác một khoản chi phí vô cùng lớn như chi phí xét nghiệm định kỳ mỗi tuần 1 lần, chi phí sửa phòng ốc, mua đồ dùng cần thiết phục vụ cho NLĐ, chi phí ăn 3 bữa/ngày... Ước tính bình quân chi cho mỗi người lao động thực hiện 3 tại chỗ khoảng 5 triệu đồng/ người (chưa bao gồm tiền lương).

 

Những lo lắng khi bước vào "trạng thái bình thường mới"

 

Những ngày gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến "trạng thái bình thường mới", đó là khi tỉ lệ dân số được tiêm vaccine đủ đạt miễn dịch cộng đồng, doanh nghiệp được mở cửa sản xuất trở lại, NLĐ được quay lại với công việc, máy móc và nhà xưởng.

 

Tuy nhiên để quay lại sản xuất trong "trạng thái bình thường mới" này, DN đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động và mất cân đối chuyền ở một số công đoạn. Vì thế DN sẽ phải tổ chức tăng ca, thêm giờ, dẫn đến đội chi phí điện nước vào giờ cao điểm, cùng với đó là chi phí tiền lương làm thêm giờ, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về thời gian làm thêm tối đa theo ngày, tuần, tháng.

 

Chi phí cùng nhân sự phục vụ cho việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị sau một thời gian dài tạm nghỉ cũng sẽ tiếp tục đặt lên vai người chủ DN. Trước đó, thiệt hại do tạm dừng sản xuất cũng như các khoản chi phí tăng cao đối với DN "3 tại chỗ" đã khiến các DN phải "đau đầu" xoay sở.

 

Ngoài ra, DN vẫn phải tiếp tục sản xuất trong trạng thái bất an, lo lắng dịch sẽ quay trở lại; đồng thời phải tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng dịch, chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó nếu phải quay lại trạng thái giãn cách, ngừng hoạt động, hay phải tổ chức các phương án, các hình thức chăm lo ứng phó với tình huống xấu.

 

Về phía NLĐ, họ trở lại làm việc cũng rất cần các khoản chi phí tối thiểu để ổn định cuộc sống, điều này khiến các DN và tổ chức công đoàn rất trăn trở bởi các nguồn lực đều cạn kiệt.

 

Do nhu cầu tăng năng suất, tăng sản lượng để bù cho giai đoạn giãn cách nên phương án tăng ca, tăng giờ làm sẽ được các DN chọn lựa. Việc này đòi hỏi NLĐ phải có tình trạng tinh thần và sức khỏe tốt. Tuy nhiên sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch, NLĐ rất khó "vào guồng" ngay lập tức. Vì vậy, nếu không chuẩn bị tốt, NLĐ rất dễ sinh ra mệt mỏi, nản lòng khi đối diện với một khối lượng công việc lớn.

 

Bên cạnh đó, trong điều kiện bình thường mới, rất nhiều lĩnh vực, dịch vụ trong đời sống chưa được ổn định. NLĐ sẽ cảm thấy lúng túng khi vừa phải đi làm vừa phải thu xếp ổn thỏa các công việc gia đình như bảo ban, đưa đón con trẻ đi học hay chăm sóc bố mẹ già. Tình hình mất an ninh trật tự thời kỳ hậu dịch bệnh cũng là nỗi lo của NLĐ xóm trọ, đặc biệt khi họ thường xuyên phải tăng ca tại nhà máy.

 

Công đoàn – luôn là điểm tựa cho NLĐ

 

Là tổ chức sát cánh nhất cùng NLĐ trên mọi lĩnh vực, những ngày dịch Covid-19 bùng phát, những người cán bộ công đoàn hơn ai hết thấu hiểu nỗi khó khăn, lo lắng, bất an của NLĐ. Bằng tấm lòng, sự sẻ chia và trách nhiệm, tổ chức công đoàn luôn là điểm tựa cho NLĐ. Bên cạnh sự quan tâm, thăm hỏi động viên, đồng thời đề xuất kiến nghị với cấp trên về các chính sách, các gói trợ cấp, Công đoàn đã có những khoản hỗ trợ khẩn cấp và kịp thời, phần nào sẻ chia những khó khăn, mất mát của đoàn viên, người lao động do dịch bệnh gây ra.

 

Tính đến ngày 15/9/2021, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã hỗ trợ 3.316 NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Hỗ trợ 33 CĐCS phòng chống dịch với số tiền hơn 1,35 tỷ đồng.

 

Hỗ trợ kinh phí cho các y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu, sinh viên tình nguyện thuộc các trường đại học trong hệ thống tham gia công tác phòng chống dịch với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

 

Công đoàn ngành cũng đã thực hiện hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, NLĐ đang thực hiện "3 tại chỗ", tính đến ngày 15/9, đã chi 7,2 tỷ đồng cho hơn 8.000 NLĐ thuộc 21 doanh nghiệp đang làm việc "3 tại chỗ" và vẫn đang tiếp tục xét duyệt để hỗ trợ kịp thời cho NLĐ.

 

Các cấp công đoàn trong hệ thống đã hỗ trợ gần 4 tấn thực phẩm chế biến sẵn và 15.3 tấn rau xanh, củ quả các loại gửi tặng các đơn vị khu vực miền Nam nhằm cải thiện bữa ăn ca trong bối cảnh thiếu thốn của dịch.

 

Hỗ trợ rau xanh cho CĐCS đang thực hiện "3 tại chỗ"

 

---

 

Những đau thương, mất mát, khổ cực của người dân Việt Nam nói chung và CNLĐ nói riêng trong đợt dịch này là không thể đo đếm. Mong rằng tất cả chúng ta - cán bộ, đoàn viên, NLĐ trong hệ thống luôn vững vàng, bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh, đồng lòng, nhất trí, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và các cấp trong ngành, cùng nhau vượt qua khó khăn, thích nghi với trạng thái bình thường mới, ổn định sản xuất và phát triển ngành vững mạnh.

 

VH

 

 

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website