Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Dân chủ trong quan hệ lao động Dệt May

Dệt May là một trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Với  gần 3 triệu người lao động (NLĐ), đây là ngành có lực lượng lao động đông nhất và có tỷ lệ biến động lao động lớn so với các ngành khác trên cả nước. Quan hệ lao động ngành Dệt May tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp do thu nhập NLĐ chưa cao, điều kiện việc làm còn hạn chế, ý thức, tác phong công nghiệp của NLĐ phần lớn xuất thân từ nông thôn, tuổi đời còn trẻ, chưa đáp ứng yêu cầu…Để xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp thì việc thực hiện dân chủ trong quan hệ lao động là yếu tố then chốt và luôn được các tổ chức công đoàn trong toàn hệ thống chú trọng và phát huy vai trò của mình.

 

Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp. Trong nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn các cấp trong ngành đã chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, tạo ra những tác động tích cực trong quá trình phát triển chung của toàn ngành, cụ thể là:

 

- Tham gia với doanh nghiệp xây dựng và giám sát thực hiện thang bảng lương, định mức lao động, quy chế lương thưởng, nội quy lao động, ATVSLĐ, cải thiện môi trường làm việc…thực hiện chế độ tiền lương và tiền thưởng kịp thời; trích nộp đầy đủ các khoản như BHXH, BHYT, BHTN, nhiều đơn vị tổ chức mua bảo hiểm thân thể cho toàn thể CNVCLĐ; 100% các doanh nghiệp triển khai thực hiện quy định về mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ. Thực hiện tốt các chế độ cho người lao động, chăm lo đời sống như: đảm bảo chế độ ăn ca, chế độ bồi dưỡng ca ba, chế độ độc hại, trang bị bảo hộ lao động cho CNVCLĐ. Thu nhập bình quân của NLĐ tại các đơn vị trực thuộc tăng bình quân từ 6-7.5% mỗi năm, riêng năm 2019 tăng 2% so với năm 2018 đạt mức hơn 8,1 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu nhập bình quân của NLĐ đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng.

 

- Các CĐCS tích cực, chủ động trong việc tham gia quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tham gia vào quá trình tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp lao động, thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ theo quy định của pháp luật và TƯLĐTT như: tư vấn để NLĐ ký kết HĐLĐ theo đúng pháp luật và giám sát quá trình thực hiện. Đến nay, có 100% NLĐ được ký HĐLĐ, trong đó 95% là HĐLĐ không xác định thời hạn.

 

Hội nghị NLĐ tại Tổng Công ty May Hưng Yên 

 

- Công đoàn DMVN đã phối hợp với Tập đoàn DMVN, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ đảm bảo dân chủ và đúng quy định. Bình quân hàng năm có hơn 95%  đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ. Hầu hết các đơn vị đã xây dựng Quy chế dân chủ, xây dựng Quy chế đối thoại tại nơi làm việc. Kết quả từ năm 2011-2020 đã có 1.505 cuộc đối thoại được tổ chức tại nơi làm việc. Đã tổ chức đối thoại cấp cao giữa Công đoàn DMVN, NLĐ với Tổng giám đốc Tập đoàn về xây dựng các chính sách đãi ngộ bền vững, về chế độ khen thưởng và tôn vinh NLĐ, về những thách thức đối với doanh nghiệp, với tổ chức công đoàn và NLĐ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhìn chung, hoạt động đối thoại được chú trọng và tổ chức thường xuyên qua hội nghị NLĐ ở nhiều cấp, góp phần nâng cao nhận thức, chia sẻ trách nhiệm giữa doanh nghiệp và NLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ…

 

- Công đoàn DMVN là công đoàn ngành đầu tiên và duy nhất trên cả nước thương lượng và ký kết TƯLĐTT ngành với Hiệp hội Dệt May Việt Nam từ năm 2010 với nhiều nội dung tiến bộ và có lợi cao hơn luật cho người lao động.  Đến nay, TƯLĐTT ngành đã ký kết lần thứ V. TƯLĐTT ngành với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ về tiền lương, mức ăn ca, các chế độ phúc lợi..., là những chính sách khung của ngành để các đơn vị xây dựng TƯLĐTT doanh nghiệp; Qua tổng hợp, đánh giá chất lượng TƯLĐTT doanh nghiệp cho thấy chất lượng TƯLĐTT cấp doanh nghiệp  đã được nâng lên. Trong thời gian qua đã có 79 lượt đơn vị sửa đổi, bổ sung, ký kết lại TƯLĐTT với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ so với những năm trước.

 

- Các cấp công đoàn trong hệ thống đã nghiên cứu điều kiện đặc thù về lao động và việc làm của ngành, tổ chức lấy ý kiến NLĐ để tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động, các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Kiến nghị các Bộ, ngành rà soát, bổ sung danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của ngành cho đúng với thực tế sản xuất, lao động tại các doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ.

 

Đối thoại định kỳ giữa Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty CP Dệt May Huế

 

Mặc dù, việc thực hiện dân chủ trong quan hệ lao động ngành Dệt May trong những năm qua đã được chú trọng và tạo được sự hài hoà, ổn định nhưng vẫn còn những tồn tại như: công tác đối thoại và xây dựng, ký kết TƯLĐTT tại một số các doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy trình về thương lượng tập thể; Các nội dung TƯLĐTT tại một số doanh nghiệp còn sao chép quy định của luật, nhất là các nội dung về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATVSLĐ…hoặc các nội dung quy định chung chung thiếu những định lượng có thể đánh giá kết quả thực hiện; đối thoại xã hội, tổ chức hội nghị người lao động, còn hình thức, chưa đảm bảo nội dung, thời gian, quy trình, còn lồng ghép với các hội nghị khác, chất lượng chưa đạt yêu cầu... Ở một số đơn vị, vai trò của cán bộ công đoàn chưa được phát huy xứng tầm, trình độ, phương pháp, kỹ năng thương lượng, đối thoại chưa tốt; chưa nắm chắc quy trình, nội dung đối thoại; chưa tự tin và thiếu bản lĩnh trong quá trình đối thoại…

 

Từ  cuối năm 2019 và đặc biệt trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tác động ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước. Ngành Dệt May không nằm ngoài ảnh hưởng này. Mặc dù, từ năm 2020 đến này bằng sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức công đoàn các cấp, sự chung tay đồng hành của toàn thể NLĐ trong hệ thống thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo thích nghi với tình hình mới để duy trì sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho NLĐ, nhưng trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều những khó khăn, thách thức. Do đó, để đảm bảo quan hệ lao động hài hoà, ổn định, phát triển thì cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh dân chủ trong các đơn vị, doanh nghiệp, Đặc biệt, trong thời gian tới khi các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt khó, đối diện nhiều những thách thức về đơn hàng, về nhân lực để khôi phục lại sản xuất kinh doanh thì việc đảm bảo quan hệ lao động hài hoà, ổn định là nhiệm vụ hàng đầu và cần chú trọng đến các nội dung sau: 

 

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, dân chủ và tiến bộ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, xây dựng quy trình đối thoại, có hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp.

 

Hai là, chú trọng tới vai trò và quyền lợi của NLĐ: triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với điều kiện dịch bệnh và sau dịch bệnh để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng, đảm bảo an toàn và đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Các cấp công đoàn trong hệ thống phối hợp với chuyên môn tăng cường công tác chăm lo cho NLĐ: hỗ trợ kịp thời các chế độ chính sách cho NLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19; nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và động viên NLĐ yên tâm sản xuất, khắc phục khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp; chủ động phối hợp với doanh nghiệp thực hiện chính sách đúng quy định của pháp luật, bảo đảm điều kiện về việc làm, tiền lương và những chế độ phúc lợi của NLĐ.

 

Ba là, tăng cường và nâng cao chất lượng đối thoại xã hội: duy trì các kênh trao đổi hai chiều để nắm bắt được ý kiến của NLĐ thông qua tổ chức công đoàn hoặc các kết nối trực tiếp với người lao động để đạt được sự đồng thuận hai bên trong áp dụng các giải pháp duy trì sản xuất, đảm bảo an toàn, đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Tăng cường đối thoại không chỉ giúp ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp mà còn tăng mức độ cam kết của NLĐ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn chưa từng có hiện nay.

 

Việc thực hiện dân chủ trong quan hệ lao động của ngành Dệt May đã và đang duy trì và cải thiện, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững đoàn kết nội bộ trong doanh nghiệp, trong toàn ngành. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ, NLĐ phát huy được tinh thần làm chủ, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, phát huy sức mạnh tập thể phục vụ hiệu quả sản xuất kinh doanh và các mặt hoạt động khác của doanh nghiệp. Nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn các cấp trong ngành Dệt May thời gian tới cần sâu sát cơ sở, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ổn định tư tưởng NLĐ để cùng doanh nghiệp vượt khó duy trì sản xuất.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website