Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Cho và nhận từ thiện đều phải đúng cách!

Đất nước ta bão lũ liên miên, hai năm nay dịch Covid-19 lại hoành hành, đời sống người dân nhiều vùng miền vô cùng khó khăn. Với truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, các phong trào, hoạt động từ thiện ngày càng nở rộ, mang đến những mảng màu ấm áp hơn trong bức tranh vốn đang ảm đạm bởi thiên tai, dịch bệnh. Nhưng đâu đó vẫn gợn lên những "hạt sạn", làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hai chữ "từ thiện". Có lẽ văn hóa từ thiện cũng cần phải học, học cách gửi đi bằng cả tấm lòng và khi nhận về cũng nhận bằng cả lòng biết ơn.

 

"Của cho không bằng cách cho"

 

Từ thiện xuất phát từ tâm, vốn đã là một hành động tự nguyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhưng vẫn không ít cá nhân/tổ chức coi từ thiện như một công cụ đánh bóng tên tuổi, khuếch trương thương hiệu một cách quà đà, lố bịch. Lấy nỗi đau, sự cơ hàn của người khác để làm chất liệu đánh bóng bản thân mà không biết rằng đó là hành động độc ác và vô văn hóa.

 

Làm từ thiện cũng cần phải văn minh. Những livestream khoe khoang hay bóc phốt với ngôn từ kích động, châm biếm gần đây đã biến từ thiện trở thành một nội dung câu khách mà quên đi rằng bản chất của từ thiện thiêng liêng biết bao.

 

Câu chuyện "cách cho" cũng khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ. Đừng nghĩ rằng người làm từ thiện thì muốn cư xử như thế nào cũng được. Hãy học cách trao tặng mà người nhận cảm thấy mình được chia sẻ, được tôn trọng chứ không phải là sự ban phát, bố thí.

 

Ngay cả việc tặng gì cũng cần cân nhắc, không phải cứ từ thiện thì tặng gì cũng quý. Xin đừng tặng cho người dân vùng cao những chiếc váy 2 dây thời trang, đừng tặng cho các cháu học sinh những cuốn sách đã rách nát, ố vàng, mất trang; cũng đừng tặng người dân vùng lũ những gói mì ăn liền đã hết hạn… 

 

Từ thiện xuất phát từ tâm, vốn đã là một hành động tự nguyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

 

Từ thiện không chỉ đòi hỏi đúng người, đúng hoàn cảnh mà còn phải kịp thời. Vừa qua, có những mạnh thường quân, nghệ sỹ, ca sỹ vẫn "ôm" số tiền mọi người ủng hộ đồng bào miền trung lũ lụt trong tài khoản dù đã nửa năm trôi qua. Đến khi bị truy vấn mới vội vàng giải ngân, lúc này người dân cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, số tiền này bốc chốc trở nên "vô duyên" và lãng phí. Hơn nữa, vì việc này mà các mạnh thường quân đứng ra kêu gọi bị sụt giảm uy tín, công chúng cũng vì thế mà sẽ đắn đo, hoài nghi khi trao gửi tấm lòng trong những lần sau. Thiệt thòi nhất vẫn là những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

 

Ngoài ra khi làm từ thiện, cũng cần lưu ý tính chân thực cũng như khả năng hoạt động của các tổ chức/cá nhân nhận quyên góp vì hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tiền của ủng hộ của người dân hoặc các quỹ thiếu năng lực vận hành, dẫn đến tiền của không thể đến tay đối tượng cần trợ giúp.

 

Cuối cùng, từ thiện sẽ mang một ý nghĩa nhân văn hơn khi nó không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt là giúp người khốn khó sống qua ngày, mà mang tính lâu dài như sinh kế cho người nghèo, giúp họ thoát nghèo và xoá nghèo bền vững bằng cách trang bị "cần câu cơm", hỗ trợ học phí, học bổng để nâng cao dân trí,...

 

Hãy nhận quà một cách trân trọng

 

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", sự hỗ trợ dù là nhỏ nhất trong lúc khó khăn đều đặc biệt quý giá, vì thế hãy nhận quà từ thiện một cách trân trọng và nói lời "cảm ơn". Hãy xếp hàng khi được yêu cầu, biết nhường nhịn và chia sẻ với những trường hợp nguy cấp hơn.

 

Nếu phần quà không được như ý muốn hoặc không thể bằng được lúc bình thường, xin đừng nặng lời nói tiếng chê bai hay trả lại, bạn có thể tặng lại cho người khác – những người cần chúng hơn.

 

Nếu không quá khó khăn, đừng giả vờ nghèo túng hay cố gắng "bon chen" đòi nhận quà từ thiện. Đến khi nhận rồi lại "được voi đòi tiên", đòi thêm cái này, muốn thêm cái kia.

 

Nếu bạn cần, hãy lấy 1 phần. Nếu bạn đủ, xin nhường cho người khác

 

Cũng đừng mang quà từ thiện thành hàng hóa để đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời. Hãy chia sẻ cơ hội nhận quà cho những người túng quẫn hơn, để tất cả cùng vượt qua thách thức. Gần đây, báo chí có đưa tin về việc có những người sau khi được hỗ trợ miễn phí bình oxy để thở tại nhà, đã không trả lại vỏ bình cho nhóm thiện nguyện, mà đem đi bán lấy tiền ăn nhậu. Điều đó thể hiện sự độc ác, bạc bẽo và vô trách nhiệm của người được nhận tài trợ. Bởi kết quả của việc làm tàn nhẫn đó, sẽ có những người bệnh nặng không có oxy để thở.

 

 

Từ thiện là sự tự nguyện và là tấm lòng của người tặng nhưng không vì thế mà chúng ta ỷ lại vào sự hỗ trợ của người khác. Không có gì vững vàng và chắc chắn bằng chính nỗ lực và sự phấn đấu của bản thân. Từ thiện bằng hiện vật chỉ mang tính giải quyết những sự việc nhất thời, còn các hoạt động hỗ trợ "cần câu cơm", "kế sinh nhai" thì phải dựa vào nỗ lực của người nhận mới phát huy hiệu quả.  Vì vậy cách nhận trân trọng nhất chính là có trách nhiệm với những gì được trang bị, những đồng vốn, những khoản học phí được tài trợ. Cần chăm chỉ làm lụng, nâng cao kiến thức, để có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình cũng như giúp đỡ mọi người xung quanh thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

 

Từ thiện - một việc làm tưởng như đơn giản chỉ bao gồm cho và nhận nhưng thực tế không phải cứ vung tiền là làm từ thiện, cứ khó khăn là hiển nhiên được nhận hỗ trợ. Từ thiện nếu không làm đúng thì sẽ trở thành hình thức, lãng phí, không đúng người, đúng việc. Dù cho hay nhận, tất cả đều phải học để sự trao đi được xuất phát từ tâm và sự nhận lấy được bắt nguồn từ lòng trân trọng.

 

Vĩnh Hồng

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website