Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Anh Trần Thanh Bằng: Chàng kĩ sư trẻ tuổi và khát vọng “số hóa” ngành May

Giữa những mảng màu u ám của đại dịch Covid-19 đang tấn công TP.HCM, thì tin vui về kết quả Chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức và được Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động trong toàn hệ thống đã phần nào động viên tinh thần cho CBCNV – NLĐ của Công ty CP Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công. Đơn vị đạt giải Nhất tập thể và giải Nhất cá nhân lĩnh vực May cấp ngành với sáng kiến "Thiết bị đo thông số áo sử dụng cảm biến", đặc biệt sáng kiến này đã được TLĐLĐVN chọn là một trong những sáng kiến được tôn vinh, khen thưởng trong dịp này.

 

Từ những năm 2010, Dệt May Thành Công đã áp dụng chương trình tuyển dụng đặc biệt mang tên "Thanh Cong Strategic Internship (TSI)", với mục đích tìm kiếm, phát triển nguồn nhân lực tài năng nhằm xây dựng đội ngũ kế thừa, phục vụ cho sự phát triển bền vững của Công ty. Chương trình được thực hiện dựa trên nguyên tắc trao cơ hội nghề nghiệp và đào tạo phát triển cho các bạn trẻ có tố chất và xác định gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp. Và anh Trần Thanh Bằng – sinh năm 1987, sinh viên giỏi chuyên ngành Công nghệ tự động của trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM đã vinh dự đứng trong hàng ngũ những nhân viên ưu tú đó. Trải qua nhiều vị trí, bắt đầu từ quản lý máy móc thiết bị, sau đó được tích lũy kinh nghiệm tại nhiều công việc khác nhau như xây dựng kế hoạch và kiểm soát số liệu sản xuất, quản lý xí nghiệp May, quản lý bộ phận gia công May. Và hiện nay "chàng sinh viên trẻ tuổi, vui tính, hay cười, giỏi Anh Văn và thích tìm tòi năm đó" đang giữ nhiệm vụ Trưởng bộ phận "Nhà máy thông minh", đúng như sở trường và đam mê của anh. Đây là bộ phận mới được thành lập năm 2019, có chức năng tiếp nhận và triển khai những công nghệ mới đến các đơn vị sản xuất. Anh đang có 3 dự án trong quá trình thực hiện và 3 dự án đã hoàn tất bàn giao, được áp dụng vào sản xuất đại trà.

 

Anh Trần Thanh Bằng

 

Sáng kiến "Thiết bị đo thông số áo sử dụng cảm biến" của anh Trần Thanh Bằng xuất phát từ những trăn trở khi anh quan sát trực tiếp thao tác của các nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) khi còn làm vị trí quản lý xưởng May. Việc đo thông số áo được nhân viên KCS thực hiện thường xuyên, thao tác lấy thước dây, đặt lên sản phẩm, đo, thu thước lại mất nhiều thời gian. Nếu trong lúc vội, đôi khi nhân viên sẽ không đủ thời gian tuân thủ nghiêm túc quy trình, có thể dẫn tới sót sản phẩm lỗi đến tay khách hàng. Bên cạnh đó, việc canh đúng số đo trên rất nhiều sản phẩm trong ca sản xuất thường làm nhân viên mỏi mắt, dễ dẫn đến sai sót. Do vậy, dù bận rộn với những dự án lớn của Công ty lúc đó như "Dây chuyền sản xuất thông minh" (Smart line), "Nhà máy thông minh" (Smart Factory), anh Bằng vẫn không ngừng suy nghĩ tìm giải pháp cải tiến thao tác đo của nhân viên KCS.

 

Khi tìm hiểu những thiết bị đo có sẵn trên thị trường, anh nhận thấy chi phí khá đắt đỏ, lại lắp đặt quá cồng kềnh không phù hợp môi trường may mặc. Mỗi lần lang thang chợ điện tử Nhật Tảo để tìm kiếm linh kiện cho những sáng kiến của mình, ý tưởng về chiếc máy đo vẫn luôn thôi thúc anh.

 

Với mục tiêu làm sao để giảm bớt sai sót trong quá trình làm việc của công nhân KCS, làm sao cải thiện thao tác đo đạc với những linh kiện có thể dễ dàng tìm được trên thị trường trong nước với giá hợp lý, anh đã tự bỏ tiền ra mua vật dụng, suy nghĩ và tạo ra sản phẩm mẫu để áp dụng thử tại xưởng may. Có một lợi thế là đối với sản phẩm may vải thun thì yêu cầu độ chính xác không cao, sai số có thể chấp nhận được từ 1 đến 1.5cm nên những linh kiện có thể đáp ứng được hầu hết có sẵn tại các cửa hàng điện tử và giá rất hợp lý.

 

Được sự tin tưởng và tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, anh đã mang sản phẩm thử nghiệm áp dụng vào sản xuất, và kết quả vượt cả sự mong đợi khi sản phẩm này tiết kiệm được thời gian kéo và cất thước dây là 5 giây trên mỗi sản phẩm. Quan trọng hơn, kết quả công việc đã không còn phụ thuộc nhiều vào tay nghề của nhân viên như trước nữa, hạn chế những rủi ro, sơ sót xảy ra trong quá trình đo thủ công.

 

Thiết bị đo của anh Bằng chỉ lớn cỡ bàn tay, hoạt động dựa trên quang trở, các quang trở được lắp cách nhau 2 mm, các cảm biến sẽ được nối vào vi điều khiển. Khi đặt sản phẩm lên thiết bị, các quang trở bị che sẽ thay đổi giá trị, từ đó gửi tín hiệu về cho vi điều khiển. Kích thước của sản phẩm may sẽ tính theo công thức định sẵn và độ chính xác của thiết bị là +/-2 mm.

 

Với thiết bị này, thời gian thực hiện 1 sản phẩm sẽ tiết kiệm được 5 giây thao tác. Trong khi đó mỗi năm, bộ phận may của Công ty tại TP.HCM có sản lượng  15 triệu sản phẩm, tạm tính giá của 1 giây công nghệ là 11 đồng. Như vậy một năm có thể tiết kiệm hơn 800 triệu đồng. Hơn nữa, sáng kiến này nhắm tới mục tiêu số hóa ngành may, khắc phục nhược điểm của công nghiệp may mặc là phụ thuộc quá nhiều vào con người.

 

Thiết bị này hiện mới ở giai đoạn dùng thử và vẫn còn có thể cải tiến để đạt hiệu quả hơn nữa. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty và anh Bằng sẽ tiến hành cập nhật thiết kế, mua linh kiện và đưa ra phiên bản áp dụng rộng rãi tại tất cả các nhà máy, chi nhánh thuộc doanh nghiệp.

 

Trong suốt trong quá trình làm việc từ năm 2012 đến nay, dù ở vị trí nào, anh luôn có những sáng kiến, những chế tạo để phục vụ cho công việc cũng như giúp đỡ các bộ phận khác trong Công ty. Từ năm 2019, sau khi giữ nhiệm vụ trưởng bộ phận, anh ý thức được rằng việc áp dụng công nghệ rộng rãi trong sản xuất là việc phải làm. Thời gian dài gắn bó với công việc đã giúp bản thân anh quan sát, phân tích được những điểm cần cải thiện về chuyên môn của bản thân, cũng như thôi thúc anh có những ý tưởng mới.

 

Tin tưởng rằng sự đánh giá, khen thưởng kịp thời của TLĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ là niềm vui tiếp thêm cho anh nguồn năng lượng tích cực vào công cuộc tìm tòi, nghiên cứu, đề ra sáng kiến cải tiến, áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, mang lại giá trị lợi nhuận cao cho ngành May và Công ty.

 

 

Huỳnh Ngọc Trinh

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website