Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

NLĐ Dệt May: Bảo vệ môi trường từ những điều giản dị nhất

Môi trường là không gian sống quan trọng bậc nhất của con người và các động, thực vật, bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất, có quan hệ mật thiết, tác động tương hỗ với nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại, phát triển cũng như quá trình lao động sản xuất để duy trì sự sống của loài người, động vật và thiên nhiên. Bởi vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống, bảo vệ sự tồn tại, phát triển lâu dài và bền vững của muôn loài nói chung; của mỗi con người, gia đình và xã hội nói riêng.

 

Doanh nghiệp Dệt May hướng đến phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường

 

Dệt May là một ngành sản xuất đông lao động, đồng thời có những yếu tố đặc thù, có thể ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt tại các công đoạn dệt, nhuộm.... Vì vậy mục tiêu vừa đảm bảo sản xuất, vừa bảo vệ môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp trong ngành. Cụ thể, sự phát triển của ngành phải gắn với định hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, hướng ngành Dệt May theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn, có nền tảng vững chắc; bên cạnh đó là việc tăng cường thể chế, cơ chế bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư cho bảo vệ môi trường.

 

Một góc nhà máy nhuộm của ngành dệt may 

 

Xác định được điều này, ngày càng nhiều doanh nghiệp Dệt May quan tâm hơn đến đầu tư công nghệ xử lý chất thải, khí thải; đổi mới trang bị sản xuất, thay thiết bị cũ bằng những thiết bị mới, an toàn, tiết kiệm nước, năng lượng và hóa chất; ưu tiên sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh, tránh làm phát sinh phụ phẩm, có thể phân hủy sau khi sử dụng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn xây dựng, tổ chức kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng tự nhiên.

 

Trong cuộc bầu chọn Doanh nghiệp An toàn tiêu biểu ngành Dệt May năm 2020 do Công đoàn ngành phối hợp cùng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn tổ chức đã ghi nhận nhiều đơn vị trong hệ thống làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường như: Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Công ty CP Dệt May Huế, Công ty CP May Việt Thịnh, Tổng Công ty May 10 – CTCP, Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP, Công ty CP Dệt May Liên Phương, Công ty CP Tiên Hưng, Tổng Công ty CP Phong Phú, Công ty CP Quốc tế Phong Phú... 

 

Công ty CP Quốc tế Phong Phú - một trong những đơn vị có trang thiết bị hiện đạt nhất của ngành, góp phần giảm thiểu khí thải, chất thải, tiết kiệm năng lượng, nguyên phụ liệu và chi phí

 

NLĐ chung tay bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất

 

Bảo vệ môi trường không nhất thiết phải làm những gì thật lớn lao, đòi hỏi nhiều công sức, chi phí. Ngay trong lao động sản xuất, thay đổi những thói quen rất nhỏ nhất cũng chính là bảo vệ cho cuộc sống của chúng ta.

 

Đó là, tham gia phong trào trồng cây xanh trong khuôn viên doanh nghiệp, đặt cây xanh tại bàn làm việc của khối văn phòng; In ấn, sử dụng máy in và giấy một cách hợp lý, khoa học. Sử dụng nước, điện tiết kiệm, tránh bỏ thừa đồ ăn thức uống gây lãng phí. Ưu tiên sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng hoặc xe đưa đón của công ty để đi làm. Thường xuyên dọn dẹp, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp nơi làm việc.... Những việc làm này không chỉ có giá trị bảo vệ môi trường mà còn giúp nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách thực sự văn minh.

 

Tết trồng cây tại Công ty CP Dệt May Nha Trang

 

Trong sản xuất, phân loại các loại chất thải tại nguồn theo nguyên tắc 3R (Reduce (giảm thiểu), Recycle (tái chế) và Reuse (tái sử dụng), thu gom về kho lưu trữ tạm thời trước khi chuyển giao xử lý; Tiến hành thu gom các loại phế liệu, vải rẻo, bông rơi, bông phế của các nhà máy may, nhà máy sợi và chuyển giao đơn vị tái chế, tái sử dụng; Các vật dụng bỏ đi trong quá trình sản xuất được tái chế thành những vật dụng hữu ích, như thùng sợi được chế tác thành thùng rác thân thiện với môi trường....

 

Đặc biệt, cách làm việc khoa học, sáng tạo cùng tay nghề chuyên môn vững vàng giúp tăng năng suất, hiệu quả công việc, hạn chế sai sót, tránh làm đi làm lại nhiều lần cũng chính là tham gia bảo vệ môi trường bởi khi đó, chúng ta đã tiết kiệm điện năng, nguyên phụ liệu, độ khấu hao của thiết bị, máy móc, đồng thời giảm thiểu các khí thải, chất thải của quá trình sản xuất ra môi trường bên ngoài.

 

Những năm qua, phong trào bảo vệ môi trường luôn được các cấp công đoàn chú trọng tuyên truyền cho NLĐ thông qua các phương tiện truyền thông và hoạt động phong trào. Các đơn vị làm tốt công tác này có thể kể đến như Tổng Công ty May 10-CTCP, Công ty CP Dệt May Huế, Công ty CP Dệt May Nha Trang,  Tổng Công ty Phong Phú, Công ty CP Quốc tế Phong Phú... Từ ý thức đã chuyển thành hành động, những đánh giá khách quan của các tổ chức, viện nghiên cứu cho thấy ngành của chúng ta ngày càng quan tâm hơn đến môi trường, từ những hành động đơn giản và nhỏ bé nhất của NLĐ cho đến việc đầu tư dây chuyền xử lý chất thải trị giá hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp.

 

Có thể thấy, ngành Dệt May không chỉ cố gắng mỗi ngày, mỗi giờ trong sản xuất, kinh doanh, để duy trì vị trí là một ngành kinh tế, luôn đứng hạng nhất, nhì về xuất khẩu trên cả nước, mà còn quyết tâm giữ vững vị trí ấy một cách bền vững, đầy trách nhiệm với người lao động và với cộng đồng.

 

                                                                          Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website