Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Thấy gì từ mô hình “3 tại chỗ” của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19

Ngày hôm qua (2/6), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bắt đầu triển khai mô hình "3 tại chỗ" cho công nhân lao động, đó là ăn, ở, làm việc ngay tại nhà máy. Mô hình này xuất phát từ một số doanh nghiệp của tỉnh khi bắt đầu làn sóng thứ 4 (đầu tháng 5) và được UBND tỉnh chọn lựa áp dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây được coi biện pháp tối ưu tại thời điểm hiện tại khi vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

 

Áp dụng phương pháp này, các doanh nghiệp sẽ chia đôi số công nhân lao động hiện tại, một nửa sẽ mang đồ đạc, đồ dùng cá nhân đến công ty để ăn ở ngủ nghỉ và sản xuất tại nhà máy; một nửa còn lại sẽ thực hiện giãn cách tại nhà theo quy định của địa phương. Đồng nghĩa với đó, các nhà máy sẽ thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập", công nhân không được phép ra về, bắt buộc phải luôn ở trong nhà máy ít nhất 2 tuần.

 

Như vậy, doanh nghiệp sẽ không lo sản xuất bị gián đoạn, các đơn hàng sẽ không bị phá vỡ. Mặc dù số lượng công nhân sản xuất giảm song các doanh nghiệp đều khuyến khích công nhân làm thêm giờ bởi việc sinh hoạt ngay tại nhà máy rất thuận tiện cho CNLĐ di chuyển cũng như có nhiều thời gian rảnh để làm thêm, tăng thu nhập. Trường hợp trong nhóm NLĐ đang làm việc có ca F0 thì sẽ tiến hành khoanh vùng F1, F2 và cho cách ly toàn bộ số CNLĐ có liên quan. Lúc này nhóm còn lại đang thực hiện giãn cách tại nhà sẽ được huy động trở lại làm việc và sinh hoạt ngay tại công ty giống như nhóm 1. Cứ luân phiên như vậy thì dù có trường hợp F0 thì doanh nghiệp sẽ không phải đóng cửa, tổn thất về chi phí, thời gian được giảm thiểu.

 

 

Về phía doanh nghiệp, có thể nói việc để CNLĐ ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt ngay tại nhà máy là một tiền lệ chưa từng có. Chuẩn bị cho phương án này, thông thường công đoàn phối hợp với chuyên môn:

 

  1. Chuyển đổi công năng một số khu vực nhà kho, xưởng sản xuất chưa sử dụng đến, chuyển thành nơi ở cho công nhân.
  2. Mua sắm các vật dụng cơ bản như chiếu/tấm trải/đệm, lều bạt cá nhân hoặc màn chụp để đảm bảo sự riêng tư cũng như thoải mái cho mỗi người.
  3. Lắp đặt thêm các thiết bị mới tại nhà vệ sinh, nhà tắm. Có chỗ giặt và phơi phóng quần áo.  
  4. Phòng ăn được khử khuẩn thường xuyên, phục vụ đủ 3 bữa/ngày, sắp xếp vị trí ngồi cố định cho từng người, có thể giữ nguyên vị trí như khi ngủ và làm việc để thuận tiện khoanh vùng khi có F0.
  5. Nhiều doanh nghiệp đầu tư cả tủ lạnh, TV, đầu phát wifi để phục vụ công nhân thư giãn, giải trí. Ngoài lương, có doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm mỗi công nhân từ 100.000 đến 150.000 đồng/ngày.
  6. Giao cho bộ phận y tế thường xuyên kiểm tra thân nhiệt cho NLĐ, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm túc; đồng thời cắt cử các chốt kiểm tra để giám sát việc tuân thủ biện pháp "3 tại chỗ".
  7. Tổ chức tuyên truyền để CNLĐ tự nguyện đồng hành cùng doanh nghiệp, chấp hành quy định "3 tại chỗ";  giải đáp và chia sẻ kịp thời các thắc mắc cũng như khó khăn để công nhân yên tâm và thoải mái khi không được về nhà.

 

Chi phí để chuẩn bị và thực hiện biện pháp này không tính là ít, tuy nhiên nếu so sánh với thiệt hại do công ty phải tạm đóng cửa sản xuất, NLĐ thiếu việc làm, giảm thu nhập thì hoàn toàn có lợi hơn, nhất là với các công ty có nhiều lao động, nhiều đơn hàng giá trị cao.  

 

Đối với các doanh nghiệp Dệt May quy mô trên 1.000 lao động mà đang nằm trong vùng tâm dịch, nếu còn nhiều đơn hàng cần hoàn thành cũng nên tham khảo mô hình này. Theo Vinatex, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị đang có dấu hiệu khởi sắc, kết quả quý I đã quay lại mức tăng trưởng 10% và có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn so với năm 2020, trở lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 năm 2019. Đơn hàng của đại đa số các đơn vị đã ký đến tháng 7 – tháng 8, nhiều đơn vị có đơn hàng hết quý III, thậm chí quý IV. Chính vì thế, việc giữ lấy thời cơ tại giai đoạn này hết sức quan trọng, ưu tiên số 1 chính là ổn định sản xuất, năng suất cao, đảm bảo thời gian giao hàng. Trong khi chờ vaccine để tiêm cho toàn thể NLĐ trong hệ thống, chúng ta vẫn cần chuẩn bị những phương án phản ứng nhanh, hiệu quả và an toàn cho cả 2 mục tiêu: sản xuất và phòng dịch.  

 

Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website