Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh

Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp lan rộng tại hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Vì vậy thông điệp "Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai dịch bệnh" được lựa chọn để các cấp ủy Đảng, Chính quyền, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với các em, đặc biệt trong tình hình hiện nay. 

 

Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em

 

Việt Nam là Quốc gia đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai trên Thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Cùng với Hiến pháp năm 2013,  Luật Trẻ em năm 2016 có 13 Điều (từ Điều 13- 36,  chương II) quy định đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em, cụ thể: Trẻ em có quyền được chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng; Quyền được giáo dục, học tập; Quyền được vui chơi, giải trí; Quyền bí mật đời sống riêng tư; Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; Quyền được bảo vệ không được bóc lột sức lao động...Ngoài ra một số bộ luật như:  Hình sự, Lao động, Hôn nhân và gia đình, Bình đẳng giới… sửa đổi, bổ sung đều hướng tới quyền trẻ em, quan tâm tạo điều kiện và cơ hội đối với người chưa thành niên.

 

 Như vậy, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, đầu tư tốt nhất cho nguồn nhân lực tương lai: Trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; học sinh cấp tiểu học được miễn học phí; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Nhiều mô hình tốt, cách làm hiệu quả được triển khai: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 hoạt động 24/7 miễn phí; Nhiều vụ xâm hại trẻ em bị cộng đồng mạng, dư luận xã hội lên án và xử lý theo quy định của pháp luật...đã giúp việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em ngày một hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn và nhân văn hơn.

 

Dệt May là một ngành có đại đa số LĐ đang nuôi con nhỏ và trong độ tuổi vị thành niên nên ngoài việc chú trọng đến công tác tuyên truyền về đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, các cấp Công đoàn có nhiều hoạt động chăm lo cho con NLĐ như tặng quà nhân ngày Tết Thiếu nhi, Trung thu, trao thưởng học sinh giỏi... Phối hợp với người sử dụng LĐ xây dựng nhà trẻ, trường Mầm non, lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp để hỗ trợ việc chăm sóc con NLĐ.

 

 Là ngành sử dụng số lượng lao động lớn, có nhiều công đoạn giản đơn,  tuy nhiên 100% doanh nghiệp có CĐCS trực thuộc Công đoàn Dệt May không sử dụng lao động trẻ em, kể cả việc thông qua các chuỗi cung ứng sản phẩm. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong hệ thống đã góp phần tích cực chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em cũng như tuân thủ nghiêm túc quy định của Bộ Luật lao động và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.

 

Bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh

 

Những năm gần đây do biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai. Trận bão lũ lịch sử năm 2020 gây ra cho các tỉnh miền Trung vẫn chưa hết khó khăn.  Thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, việc học hành và để lại sang chấn tâm lý không nhỏ đối với nhiều trẻ thơ nơi đây. Các em không chỉ thiếu thốn về vật chất, nguy hiểm tới tính mạng, thậm chí có em cả tuổi thơ bị ám ảnh bởi bão lũ thiên tai cướp mất người thân...

 

Bằng tấm lòng tương thân tương ái, cả nước hướng về miền Trung, cùng với hỗ trợ vật chất là động viên tinh thần để khắc phục khó khăn, trẻ em được chăm sóc kịp thời và nhanh chóng được trở lại trường lớp để ổn định học tập. Bài học kinh nghiệm từ phòng chống thiên tai đã được đưa vào giáo dục học đường, ngoài kiến thức, bộ môn bơi lội và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được chú trọng nhất là học sinh ở các địa phương thường xuyên xảy ra bão lũ.

 

 

Khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, với phương châm "Không một ai bị bỏ lại phía sau" và trẻ em là đối tượng được quan tâm chú trọng. Tùy tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương mà áp dụng Chỉ thị 15,16 của Chính phủ đối với giãn cách xã hội, trong đó giải pháp cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc học tập của các em vẫn được duy trì. Tuỳ từng độ tuổi, cấp học sẽ ứng dụng phương pháp học tập online trên tinh thần "Nghỉ dịch chứ không nghỉ học". Khi trẻ em trở lại trường, các biện pháp bảo vệ trẻ em được gia đình, nhà trường quan tâm như: Thực hiện thông điệp "5k", hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách, bổ sung chất dinh dưỡng, vệ sinh đồ dùng cá nhân, cơ sở vật chất nơi học đường... Đối với trẻ em trong khu vực cách ly, ngoài chế độ chăm sóc đặc biệt các em còn được đội ngũ y bác sỹ, thầy cô giáo, tình nguyện viên...động viên tinh thần, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, hỗ trợ học online giúp các em ổn định tâm lý, cha mẹ yên tâm cùng hợp tác thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh.

 

Một số lưu ý phòng bệnh mùa hè cho trẻ

 

Hiện nay, dịch covid-19 với biến chủng mới lây lan nhanh, diễn biến phức tạp. Mùa hè cũng là thời điểm một số bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm đường hô hấp cấp tính, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng..  có nguy cơ xảy ra. Để công tác phòng ngừa "Dịch bệnh chồng dịch bệnh" đối với con trẻ, cha mẹ cần thực hiện tốt một số nội dụng sau:

 

- Tiêm phòng đầy đủ: Trên cơ sở các loại vacin quy định, bổ sung một số loại vaccin có tác dụng phòng ngừa nhiều loại bệnh khác theo hướng dẫn và chỉ định của bác sỹ.

 

- Nuôi con bằng sữa mẹ: Đây là giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nhất là trẻ em dưới 12 tháng tuổi vì sữa mẹ ngoài dưỡng chất quan trọng còn có một lượng kháng thể rất dồi dào giúp trẻ phòng tránh bệnh tật.

 

- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ: Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.

 

- Ăn uống hợp vệ sinh: Việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

- Tạo môi trường sống trong lành và an toàn: Giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

 

- Bổ sung chất dinh dưỡng: Bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như trái cây, rau xanh…

 

- Tuân thủ thông điệp "5K" của Bộ y tế: Đeo khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập đông người - Khai báo y tế.

 

 Một mùa hè bắt đầu, chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ và chăm sóc con trẻ thật tốt để các con được tận hưởng những tháng ngày bổ ích và ý nghĩa.  

 

 

Nguyễn Thị Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website