Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nhân ngày Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc 29/5 – Cảm nhận về hai chữ “hòa bình”

Hòa bình có lẽ là hai từ mà bất cứ ai trên thế giới này đều khao khát, ước mơ. Đặc biệt là với những người vẫn hàng ngày, hàng giờ phải sống trong chiến tranh, hay trong những cuộc xung đột đẫm máu. Là một dân tộc đã trải qua hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, nhân dân Việt Nam thấu hiểu hơn ai hết, giá trị của hai chữ phải đánh đổi bằng biết bao xương máu đồng bào.

 

Việt Nam – Một dân tộc luôn khát vọng hòa bình

 

Trên thế giới, hiếm có quốc gia nào mà lịch sử từ khi thành lập nước, trải qua hàng nghìn năm, kéo dài cho đến tận những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đều là những cuộc trường kỳ kháng chiến, đấu tranh để giành độc lập dân tộc, giành lấy hòa bình, như Việt Nam.

 

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S, dấu tích tàn khốc của những trận chiến vẫn in hằn. Trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, những ký ức đau thương kinh hoàng ấy, sẽ khó thể phai mờ.

 

Nữ quân nhân Việt Nam lên đường tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan

 

Có đi qua tháng ngày giông bão, mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của những giờ phút bình yên. Thấu hiểu, thấm thía, trân trọng giá trị của hòa bình, người dân Việt Nam không chỉ khát khao hòa bình cho dân tộc, đất nước mình, mà còn mong mỏi, đấu tranh cho hòa bình của các dân tộc khác, đặc biệt là các quốc gia còn nghèo đói, kém phát triển.

 

Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã cử các cán bộ, sĩ quan tham gia vào Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc tại một số quốc gia ở châu Phi. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ quốc phòng, các sỹ quan quân đội Việt Nam còn hoạt động rất tích cực và hiệu quả trong việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn cách trồng rau xanh, dạy học...cho người dân địa phương, được chỉ huy Phái bộ và Liên Hiệp quốc đánh giá rất cao.

 

Những việc làm này đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đầy trách nhiệm và có tính chất bền vững, dài lâu của Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình tại khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao uy tín, vị thế quốc gia.

 

Giấc mơ hòa bình của người lao động Dệt May

 

Ngành Dệt May Việt Nam có những doanh nghiệp ra đời giữa bom đạn chiến tranh như May 10 (một xưởng may nhỏ trong chiến khu Việt Bắc) hay những nhà máy dệt vang tiếng một thời như Dệt Nam Định, Dệt 8/3, Dệt Vĩnh Phú, Dệt kim Đông Xuân...

 

Cho dù thời gian, hoàn cảnh ra đời có khác nhau, song tất cả đều đã có đóng góp xứng đáng trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

 

Dệt Nam Định có hàng trăm công nhân gia nhập Vệ quốc đoàn trong kháng chiến chống Pháp. Kháng chiến chống Mỹ, tiếp tục truyền thống hào hùng năm xưa, những người công nhân thành Nam cùng với những cô gái, chàng trai của Dệt 8/3, Dệt Vĩnh Phú, Dệt kim Đông Xuân, May 10... vẫn vừa sản xuất, vừa kiên cường bám trụ, bảo vệ sự sống còn của nhà máy, biến nhà máy thành trận địa bắn rơi máy bay Mỹ.

 

Thanh niên công nhân lên đường nhập ngũ chống Mỹ cứu nước

 

Ở miền Nam thân yêu, những người công nhân Dệt May, cùng với công nhân các ngành công nghiệp khác, tham gia ngày càng đông đảo vào lực lượng vũ trang, góp phần lập nên nhiều chiến công vang dội...

 

Đất nước vừa mới thống nhất, còn gặp muôn vàn khó khăn, chiến tranh biên giới phía Bắc lại nổ ra, những người công nhân ngành Dệt May lại tiếp tục cầm súng lên đường, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.Đã có biết bao nhiêu người chiến sỹ- công nhân Dệt May anh dũng ngã xuống, để lại trong lịch sử chiến tranh vệ quốc và truyền thống của ngành những bức chân dung đẹp đẽ, bi tráng, vĩnh viễn không thể phai mờ.

 

Công nhân dệt may sản xuất chi viện cho miền Nam ruột thịt

 

Như bất kỳ một người Việt Nam nào, người lao động Dệt May luôn đau đáu một giấc mơ hòa bình, hạnh phúc. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, những người công nhân trẻ tuổi, ăm ắp hoài bão và ước mơ ấy, lại sẵn sàng hy sinh cả máu xương, tính mạng để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền hòa bình của dân tộc.

 

Ngày hôm nay, lao động ngành Dệt May được sống, làm việc và cống hiến ở một đất nước hòa bình. Cùng với sự phát triển, thịnh vượng của đất nước, Dệt May cũng có những bước tăng trưởng thật đáng tự hào.

 

Một tháng qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến vô cùng phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Lao động Dệt May cùng với đồng bào cả nước lại tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới, vừa đảm bảo sản xuất, vừa bình tĩnh, kiên cường chống dịch.

 

Để rồi một ngày rất gần, bình an và niềm hạnh phúc, sẽ lại trở về trên mỗi mái nhà người lao động Dệt May, mỗi người dân Việt Nam...

 

                                                                              Nguyễn Thị Thu Hương

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website