Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Bác Hồ và bài học về sự cần kiệm

Suốt cuộc đời mình, Hồ Chủ tịch để lại cho thế hệ sau rất nhiều bài học, thoạt nghe  thật giản dị mà càng ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm, ứng dụng vào trong cuộc sống, lại càng thấy sự thâm trầm, sâu sắc và tính thời đại. Một trong số đó là bài học về sự cần kiệm.

 

Trong 4 đức tính " cần, kiệm, liêm, chính", "kiệm" được Người đặt ở vị trí thứ 2. Điều đó đã nói lên Hồ Chủ tịch coi trọng việc tiết kiệm đến thế nào.

 

Không chỉ đề cao, Người còn đưa vấn đề này ra từ rất sớm, trong bài "Tư cách người cách mệnh", giảng cho các học viên lớp chính trị khóa 1 tại Quảng Châu năm 1925. Và lời căn dặn cuối cùng về cần kiệm của Hồ Chí Minh, chính là trong Bản Di chúc lịch sử của Người. Theo Bác, mỗi con người, chữ cần kiệm phải luôn ghi nhớ trong suốt cuộc đời. Đối với người dân lao động nói chung, và CNLĐ ngành Dệt May nói riêng, bài học tiết kiệm càng trở nên sâu sắc và đã trở thành nguyên tắc trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Tiết kiệm sức lao động

 

Sức lao động là một thứ của cải hữu hình vô cùng đáng quý, có nhiều cách để tiết kiệm sức lao động, nhưng quan trọng nhất là phải biết bố trí, sắp xếp, nâng cao năng suất lao động, mỗi người làm việc bằng hai, ba. Qua đó, sức lao động sẽ được sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.

 

Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định

 

CNLĐ ngành Dệt May vẫn có một niềm tự hào khi nhận được lời khen ngợi của Bác về việc tận dụng sửa chữa, cải tiến thành công trang thiết bị cũ, tiết kiệm sức lao động, đẩy mạnh phong trào thi đua, tăng năng suất trong dịp Người về thăm Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định) ngày 21/5/1963. Bác nói: "Nhà máy đã sớm chữa được gần 1.000 máy dệt cũ hồi Pháp thuộc thành máy nửa tự động, với loại máy cũ, mỗi công nhân chỉ đứng được từ 1 đến 2 máy; nay với loại máy mới sửa chữa lại, mỗi người đứng được từ 4 đến 6 máy". Tiếp đó, Bác đã đến thăm khu nhà ăn tập thể, khu nhà ở của gia đình công nhân. Người ân cần hỏi han tình hình sinh hoạt, học tập và ăn ở của công nhân, nhắc nhở mọi người phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, cải thiện đời sống cho tốt hơn nữa.

 

Như vậy, với việc dặn dò tiết kiệm sức lao động, Bác đã đồng thời chỉ ra những bài học về tổ chức lao động, làm việc một cách sáng tạo, có tư duy khoa học, và sự cần thiết phải nỗ lực, cố gắng của mỗi người công dân, đặc biệt trong bối cảnh đất nước còn gặp muôn vàn khó khăn.

 

Tiết kiệm thời gian

 

Thời gian là thứ thường bị không ít người xem nhẹ, lãng phí nhiều nhất. Tuy nhiên, Người đã chỉ ra rằng, mọi thứ của cải vật chất, nếu mất đi vẫn có thể làm lại được, nhưng thời gian là thứ duy nhất, không bao giờ có thể quay trở lại. Lãng phí thời gian chính là lãng phí tiền bạc, của cải. Hơn thế, mỗi người không chỉ tiết kiệm thời gian của bản thân mình, mà còn phải biết quý trọng, tiết kiệm thời gian của người khác nữa.

 

Tiết kiệm một cách chính đáng

 

Bác từng nói. "Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm".

 

Không chỉ bằng lời nói, trong cuộc sống hàng ngày, Người còn là tấm gương về sự tiết kiệm. Câu chuyện về May 10 hai lần may áo tặng Bác sẽ mãi mãi là niềm xúc động, sự kính trọng và bài học quý giá nhất về đức tính tiết kiệm mà Bác đã dành tặng cho mỗi CNLĐ Dệt May nói chung và May 10 nói riêng.

 

May 10 hai lần được may áo tặng Bác

 

Ngày 8/1/1959, Xưởng May 10 (lúc đó thuộc Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Thấy chiếc áo ka ki Bác mặc đã bạc màu, sờn tay, không ai bảo ai, mọi người có mặt trong buổi đón Bác về thăm đều mong muốn được may biếu vị lãnh tụ kính yêu bộ quần áo. Khi đem ý tưởng này trao đổi với đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác, đồng chí có nói: "Bác sắp đi thăm Inđônêxia nhưng quần áo của Bác đã cũ hết cả rồi. Các cậu có thể may biếu Bác một bộ. Ngày mai tôi sẽ đưa bộ quần áo của Bác xuống làm mẫu nhưng với điều kiện là phải… hết sức bí mật. Đường kim mũi chỉ quần áo cũ của Bác thế nào, dù cong hay thẳng thì các cậu cứ may y như thế. Và phải làm sao cho vải cũ như màu quần áo của Bác. Nếu phát hiện thấy áo mới may là "ông Cụ" không dùng đâu".

 

Sau hôm ấy, một đồng chí cán bộ mang bộ quần áo đó đến biếu Bác có thưa "Anh chị em công nhân Xưởng May 10 tiết kiệm được vải, may biếu Bác bộ quần áo với tất cả tấm lòng thành, mong Bác vui lòng nhận cho". Bác Hồ cầm lên xem và khen may đẹp. Sau đó, Bác đánh máy bức thư gửi cán bộ, nhân viên Xưởng May 10: "Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo. Bác nhận rồi, nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy"

 

Nhận thư Bác, một phong trào thi đua mới lập tức sôi nổi trong toàn xưởng may. Anh chị em nào cũng quyết tâm lập thêm thành tích để đền đáp lại tình cảm của Bác. Đồng thời, mọi người cũng rất vui mừng vì Bác nhận một bộ áo, song lại băn khoăn không biết Bác có mặc được không? Mấy hôm sau đồng chí Vũ Kỳ cho biết, nhiều lần các đồng chí phục vụ đề nghị Người dùng bộ áo mới nhưng Bác đều từ chối. Cho đến dịp đi thăm Inđônêxia, áo của Bác bị đứt cúc. Lúc đó đồng chí Vũ Kỳ mới đưa bộ áo mới của Xưởng May 10 biếu Bác, đề nghị Bác mặc với lý do "quên" không mang theo kim chỉ nên không đính lại cúc áo được. Bác cười và bảo: "Thế là chú cố ép Bác mặc áo mới nhưng chú nên nhớ rằng, mình phải biết tiết kiệm, dân mình đang còn nghèo lắm".

 

Khi Bác mất, đồng chí Trường Chinh được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ may quần áo cho Người. Ngày đó, nhiều hiệu may nổi tiếng nhất Hà Nội đều mong muốn được nhận sứ mạng lịch sử này. Song đều không được phê duyệt do dùng vải quá sang, không hợp với đức tính giản dị của Bác. Sau khi cân nhắc, nhiệm vụ này được giao cho Xí nghiệp May 10. Cán bộ, công nhân May 10 hôm đó đã thức trắng đêm, lần thứ hai may áo cho Bác, vừa làm vừa khóc vì thương nhớ Bác.

 

Với mọi thứ liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt của cá nhân mình, Hồ Chủ tịch luôn tằn tiện, tiết kiệm một cách tối đa. Nhưng với đồng bào, chiến sỹ, Người lại luôn quan tâm, rộng rãi, chu đáo từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bác luôn mong mỏi, từ những cán bộ, nhân viên làm công tác phục vụ, cho tới toàn thể nhân dân Việt Nam, đều được ăn ngon, mặc đẹp.

 

 

Còn nhớ, khi đến thăm Nhà máy Dệt 8-3 ngày 8/3/1965, trên đường đến thăm các phân xưởng, Bác nói với đồng chí Bí thư Đảng ủy Nhà máy rằng: "Chắc các cô (công nhân nữ) đang bận lo việc khánh thành nhà máy, lo sản xuất mà lãng quên việc chăm lo đời sống của công nhân, như thế là không được, nhất là cương vị người lãnh đạo cao một nhà máy lớn có hàng vạn công nhân nữ. Lo việc lớn nhưng không bỏ qua việc nhỏ, kể cả những nguyện vọng chính đáng của từng chị em."

 

Như vậy, qua bài học về sự tiết kiệm, chúng ta lại thấy được thêm một phẩm chất vô cùng trân quý ở Hồ Chủ tịch, ấy là nhân cách cao cả của vị lãnh tụ nhân dân, khi luôn chọn cho mình một cuộc sống đơn sơ, đạm bạc, thiếu thốn, nhường lại sự đầy đủ, tốt đẹp hơn cho những người xung quanh.

 

"Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn"

 

Đã hơn 50 năm, kể từ ngày Bác đi xa, những lời dạy nhẹ nhàng mà thấm thía, giản dị mà thâm trầm, mượn chuyện nhỏ để đúc kết nên những điều lớn lao của Người, vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, vẫn để lại những bài học sâu sắc cho từng cơ quan, tổ chức, từng đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân Việt Nam.

 

Hơn nửa thế kỷ, Bác vĩnh biệt chúng ta. Đất nước, con người đã thay da, đổi thịt  như mong ước suốt đời của Bác. Nhưng vẫn còn đó những vất vả, gian nan, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh khó lường như hiện nay. Càng những lúc khó khăn, chúng ta càng khẳng định một điều: những bài học Bác để lại chưa bao giờ là cũ. Hãy cùng lắng nghe, cảm nhận, thấu hiểu và nguyện làm theo lời Bác! Bởi tất cả chúng ta đều tin tưởng sâu sắc rằng: "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ". Dân tộc ấy, chắc chắn sẽ lại tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, như bao lần...                                       

 

Nguyễn Thị Thu Hương

(các câu chuyện về Bác với công nhân lao động Dệt May được trích dẫn từ nguồn Tạp chí Công thương)

 

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website