Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Tự mãn: “Căn bệnh” triệt tiêu động lực phát triển

Một xã hội tự mãn là một xã hội không thể phát triển. Một cá nhân luôn hài lòng với những gì mình làm được là một cá nhân không thể tiến bộ. Tự mãn vẫn là "căn bệnh" trầm kha đang ngấm ngầm ăn mòn ý chí của một bộ phận những người vẫn đang ở độ tuổi lao động – độ tuổi luôn cần sự tiến thủ và bắt kịp thời đại.

 

Theo định nghĩa, "tự mãn" là cảm giác tự thỏa mãn với những gì mình có, tự nghĩ rằng mình có thể làm được mà không cần phải học hỏi hay cố gắng hơn nữa.

 

 

Tự mãn được biểu hiện qua hai hình thức:

 

Thứ nhất là những người luôn cho mình là đúng. Những người luôn tự tin quá mức  với năng lực và trình độ của mình, dễ dàng cho rằng người khác không bằng mình, quan điểm của họ là sai; từ đó trở nên bảo thủ, từ chối tiếp nhận ý kiến trái chiều. Sự tự mãn này lâu dần sẽ làm cho bạn ngày càng chủ quan, cứng nhắc, ảo tưởng về năng lực của bản thân, từ đó không lắng nghe, không học hỏi thêm và trở nên tụt hậu.

 

Thứ hai là những người luôn tự hài lòng, thỏa mãn. Họ cho rằng mình làm như vậy là đạt yêu cầu, không cần cố gắng gì cả, cũng không cần phải phấn đấu thêm nữa. Công việc được thực hiện với cách thức an toàn, rập khuôn theo cách cũ mà họ đã từng làm và đã đúng. Với tâm lý "ếch ngồi đáy giếng", coi miệng giếng là tất cả bầu trời, họ không cố gắng tìm kiếm những phương pháp mới, hiệu quả và phù hợp với xu hướng hơn. Từ đó dẫn đến sự trì trệ trong tinh thần, nhận thức và cả hành động. Dần dần bản thân trở nên chây lười, ỷ lại, triệt tiêu hoàn toàn ý chí tiến thủ.

 

Dù thể hiện qua hai hình thức khá trái ngược nhưng tự mãn ở bất cứ phương diện nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội, tập thể và mỗi cá nhân.

 

Với tâm lý "ếch ngồi đáy giếng", coi miệng giếng là tất cả bầu trời

 

Tự mãn không phải là "căn bệnh" của một cá nhân, có khi là bệnh của cả một tập thể; cũng không phải của riêng người trí thức, mà còn có thể là người lao động giản đơn; không chỉ người có tuổi mà còn ở cả trẻ tuổi, thậm chí là những em nhỏ chưa bước vào đời.  Vậy làm sao có thể thoát khỏi sự tự mãn?

 

Câu trả lời bắt đầu từ nhận thức. Mỗi cá nhân, tập thể đều phải có nhận thức đúng đắn, đó là: sống là phải cố gắng và không ngừng nỗ lực từng giây từng phút. Thế giới to lớn biết bao, còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết, hãy không ngừng mở rộng tầm mắt, đôi tay và trí tuệ để đón lấy những kiến thức, tư duy mà ta chưa từng trải qua, coi đó là mục tiêu để phấn đấu, tiến thân về phía trước.

 

Thứ hai, hãy coi thất bại là những trải nghiệm quý. Nếu thất bại, đừng gục ngã. Nếu thấy người giỏi hơn mình, đừng ghen tị. Nếu thấy sai, đừng lấp liếm. Đối diện trực tiếp với thất bại chính là mẹ của thành công. Một lần vấp ngã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm hơn so với những lần thành công. Thất bại là cơ hội để ta nhìn và đánh giá lại chính mình, từ đó có những bước tiến xa hơn.

 

Cuối cùng là sự dẫn dắt, chỉ bảo. Một đứa trẻ sẽ tự mãn nếu không ai nói cho biết bài toán được 10 điểm hôm nay sẽ chỉ như một hạt cát trong sa mạc bao la kiến thức. Một nhân viên sẽ tự mãn nếu không có người lãnh đạo chỉ ra rằng phương pháp họ làm đúng hôm nay chưa phải phương pháp tối ưu và chưa hẳn sẽ đúng vào ngày mai. Một tập thể sẽ tự mãn nếu những người đứng đầu không luôn nhắc nhở đội ngũ phải sáng tạo không ngừng.

 

Dệt May là ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của cả nước. Mặc dù là ngành lao động giản đơn song với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng như áp lực cạnh tranh đến từ nhiều quốc gia khác, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi đơn vị trong ngành phải không ngừng học hỏi, chủ động tiếp cận và lĩnh hội những cái mới. CBCNVC-NLĐ của ngành phải nâng cao trình độ, kĩ năng, tay nghề, khả năng làm chủ các thiết bị máy móc hiện đại cũng như khả năng thích ứng tốt khi chuyển đổi, thay đổi vị trí việc làm.

 

Với yêu cầu luôn đổi mới, sáng tạo; đồng thời để khuyến khích, nhắc nhở NLĐ luôn phải vươn lên, tìm tòi, nghiên cứu những điều mới mẻ cũng như tạo sân chơi bổ ích để NLĐ được cọ sát, cạnh tranh lành mạnh và chia sẻ kiến thức với nhau, những năm qua, các cấp trong ngành rất coi trọng thúc đẩy các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo tại cơ sở; tổ chức các chương trình, cuộc thi cấp ngành như Ngày hội Lao động sáng tạo; Hội thi thợ giỏi, giải thưởng Doanh nghiệp vì người lao động, giải thưởng Nguyễn Thị Sen... Ngoài ra, còn tổ chức các chương trình đào tạo kĩ năng nghề nghiệp, các lớp tập huấn cho NLĐ để họ có cơ hội học tập và mở mang kiến thức.

 

Thật tốt nếu chúng ta luôn thành công và đạt được nhiều thành tựu. Nhưng cũng đừng vì say mê chiến thắng mà "ngủ quên trên ngai vàng". Cũng đừng vì hài lòng hay đề cao bản thân mà vội vàng từ bỏ phấn đấu. Hãy luôn nhớ rằng khi cuộc sống vẫn tiếp diễn, tương lai còn đang ở phía trước, chúng ta cần phải tiếp tục cập nhật, học hỏi và củng cố, hoàn thiện để ngày một tiến bộ hơn.

 

Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website