Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nỗi niềm cha mẹ sau những cờ hoa rực cỡ ngày khai trường

Sau 2 năm học bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và một lễ khai giảng trực tuyến (năm học 2020-2021) chưa từng có trong lịch sử, khai trường năm nay đã trở thành ngày hội trên khắp cả nước, là thời khắc mà thầy và trò trông đợi từ rất lâu, với biết bao háo hức và hồi hộp.

 

Hòa chung với niềm vui của thầy và trò là sự an tâm, tin tưởng, phấn khởi từ các phụ huynh, khi nỗi lo dịch bệnh trong hơn 2 năm qua đã vợi bớt rất nhiều; cha mẹ không còn lo con tự học ở nhà mà không có người quản lý, vừa không  hiệu quả, vừa thêm nỗi lo về an toàn cho trẻ, nhất là mấy anh cu tí, khoản leo trèo, nghịch ngợm thì thôi rồi...

 

Nhưng mùa tựu trường không chỉ có niềm vui chan chứa, trên khuôn mặt của không ít mẹ cha, sau nụ cười dường như có phần gượng gạo, trước nỗi vui sướng thơ ngây của con trẻ, là hằn lên rất nhiều những nỗi lo...

 

 

Hội chứng sợ "họp phụ huynh đầu năm"

 

Đối với không ít gia đình, cứ tầm tháng 9 hàng năm, những cuộc họp phụ huynh gần như đã trở thành nỗi ám ảnh, nhất là những gia đình khó khăn, đông con.

 

Họp đầu năm chưa có nhiều nội dung vì các con vừa mới khai giảng, nhưng thường sẽ có một phần mà không chỉ các hộ nghèo, ngay nhóm cán bộ công chức nhà nước bình thường cũng phải giật mình: đóng tiền!

 

Một danh sách được anh/chị trưởng ban phụ huynh thông báo đến từng bậc cha, mẹ về những khoản phải đóng. Chỉ liếc qua cũng thấy toàn những khoản thiết yếu: nào là bảo hiểm y tế, học phí... Trước đó, trong tháng 7- 8, phụ huynh đã phải đóng tiền sách giáo khoa, đồng phục mới. Đây mới là những khoản bắt buộc, bên cạnh đó là những khoản không bắt buộc nhưng phụ huynh nào cũng ngầm hiểu không đóng không được: tiền học thêm, tiền ăn, chăm sóc bán trú (cấp tiểu học và một số lớp đầu trung học cơ sở), tiền nước uống...

 

Nhưng khó hiểu nhất có lẽ là các khoản phí mang cái tên rất mơ hồ: "xã hội hóa"! "Bà chằn" "xã hội hóa" có muôn hình vạn trạng, như trăm hoa đua nở ở nhiều ngôi trường: đóng góp mua điều hòa, xây dựng trường, tu bổ trường, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, bảo trì phòng tin học...

 

Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; sửa chữa xây dựng các công trình nhà trường... Quy định là vậy nhưng nhiều phụ huynh không đủ can đảm phản đối những khoản thu không hợp lý.

 

 

Nhiều ngành nghề đối mặt với 6 tháng cuối năm khó khăn

 

Vào những ngày cuối cùng của tháng 9 năm 2022, bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam đã vẽ nên hai mảng tối sáng rõ rệt.

 

Nếu như giai đoạn 6 tháng đầu năm là những gam màu nóng, hồ hởi, hừng hực của sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch thì 6 tháng cuối năm lại là sự chuyển màu đột ngột sang tông xám trầm, lặng lẽ, âu lo của tác động từ cuộc chiến Nga- Ukraine; gía dầu leo thang; lạm phát mạnh ở hầu như tất cả quốc gia; giá nhiều loại nguyên vật liệu, logistics tăng cao chưa từng thấy; thời tiết biến đổi vô cùng khắc nghiệt tại nhiều nơi trên thế giới... khiến thu nhập và đời sống nhân dân các nước, đặc biệt là EU và Mỹ, những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa không thiết yếu suy giảm rất nhiều.

 

Dệt May cũng như nhiều ngành nghề khác như da giày, chế biến thủy hải sản, gỗ... gặp khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, khách hàng trì hoãn việc nhận hàng, thậm chí đột ngột hủy hợp đồng... Các doanh nghiệp đều phải hết sức nỗ lực để đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ trong bối cảnh lạm phát trong nước tăng 2,58% (8 tháng đầu năm).

 

Co kéo sao cho đủ

 

Tháng 9 "giông bão" sắp qua đi nhưng nỗi lo của những bậc làm cha làm mẹ thì vẫn còn nguyên đó. Cho dù trước đó vài tháng, nhiều gia đình đã thắt chặt chi tiêu, cố để dư ra một khoản nho nhỏ, gom góp dần cho mùa tựu trường nhưng hệ quả của 2 năm dịch Covid-19 cũng như những khó khăn trong việc làm và thu nhập đã  khiến họ phải "cân, đo, đong, đếm" rất nhiều để có được một khoản để dành, dẫu là nhỏ.

 

Đồng cảm và thấu hiểu khó khăn của người lao động, nhất là thời điểm vào năm học mới, các cấp trong ngành trong đó có tổ chức công đoàn đã tổ chức hỗ trợ, trao học bổng "Cùng em đến trường", giới thiệu và hoàn thiện thủ tục hồ sơ hỗ trợ con NLĐ khó khăn trong chương trình hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel...

 

Những hỗ trợ này có thể chưa phải là lớn xét ở khía cạnh vật chất nhưng lại mang nhiều giá trị tinh thần sâu sắc bởi nó ghi nhận những nỗ lực, cố gắng hết mình, tất cả vì người lao động của lãnh đạo chuyên môn cho tới tổ chức công đoàn, trong bối cảnh doanh nghiệp cũng đang gặp muôn vàn khó khăn.

 

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, năm 2022 với đủ các sắc màu, cung bậc, đủ các cụm từ so sánh phong phú nhưng tựu trung đều mang những hàm ý tiêu cực như: chưa từng thấy, chưa từng có tiền lệ, cao nhất trong lịch sử..., sẽ qua đi.

 

Năm 2023 sắp đến, với những dự báo tích cực hơn từ các chuyên gia và gần nhất sẽ là mấy tháng cuối năm với Noel, năm mới và rất nhiều lễ hội, sẽ mang lại những hy vọng khởi sắc cho nền kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có ngành Dệt May.  

 

Để phía trong cánh cửa ngôi trường sẽ chỉ còn lại những chan chứa yêu thương, tri thức và niềm vui con trẻ...

 

Và đằng sau cánh cổng ấy, cũng sẽ không còn những khuôn mặt phụ huynh khắc khổ, trĩu nặng những âu lo, mỗi mùa tựu trường...

 

Nguyễn Thị Thu Hương

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website