Góc nhìn & chia sẻ
Hành trình 10 năm mang “Tết Sum vầy” đến với người lao động
2023 là một năm đặc biệt, đánh dấu chặng đường 10 năm của hành trình mang "Tết Sum vầy" đến với người lao động (NLĐ) cả nước, nhưng ở Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn DMVN), hành trình ấy, có lẽ còn dài hơn thế.
Thuở ban đầu gian khó
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trụ sở văn phòng công đoàn ngành (khi ấy là Công đoàn Tổng Công ty Dệt May Việt Nam) còn phải đi thuê, cán bộ chuyên trách chỉ có vài người, từ cơ sở vật chất cho đến kinh phí hoạt động còn rất thiếu thốn và hạn chế nhưng lãnh đạo công đoàn ngành đã đưa ra chủ trương "mang" Tết đến cho những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn của các đơn vị. Số tiền nặng nghĩa, nặng tình ấy có được là từ sự quyên góp của toàn thể CNVCLĐ trong toàn ngành.
Trong những năm qua, công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ ngày càng được các cấp công đoàn quan tâm, được Tổng Liên đoàn chỉ đạo kịp thời và có sự đồng hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn hệ thống. Công tác chăm lo được thực hiện thường xuyên, liên tục trong cả năm nhưng trọng tâm là các thời điểm Tháng Công nhân, Tết Nguyên đán và các ngày kỷ niệm quan trọng của tổ chức Công đoàn.
Từ năm 2017, Tổng Liên đoàn triển khai chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn", công tác chăm lo càng được thúc đẩy, thu hút được sự quan tâm, chia sẻ đồng hành của các đối tác Công đoàn trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ vật chất và phi vật chất với các ưu đãi dành cho NLĐ.
Nhiều chương trình hướng về đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn như chương trình "Mái ấm công đoàn"; chương trình hỗ trợ vốn cho đoàn viên công đoàn, NLĐ làm kinh tế; trợ cấp cho con em CBCNVC nhân dịp đầu năm học mới...
Việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ quê xa, có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết, được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên và với nhiều hình thức linh hoạt, tạo niềm tin cho NLĐ, giúp họ gắn bó với tổ chức, yêu công việc và thêm động lực, cố gắng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
"Tết Sum vầy" trong hệ thống Công đoàn DMVN
Ở cấp ngành
Chương trình "Tết Sum vầy" được tổ chức theo mô hình "Phiên chợ nghĩa tình" lần đầu tiên vào năm 2014 tại khu vực miền Nam (gồm cụm công nghiệp Việt Thắng và cụm công nghiệp Phong Phú), bán các sản phẩm may mặc, da giày, hàng thiết yếu cho NLĐ với giá ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy doanh thu cho các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, cùng với việc trợ cấp khó khăn cho NLĐ.
Phiên chợ nghĩa tình của Công đoàn DMVN
Từ năm 2018, chương trình "Tết Sum vầy" được công đoàn ngành tổ chức tại nhiều điểm trên phạm vi cả nước. Chương trình phối hợp triển khai giữa Công đoàn và chuyên môn, nội dung tích hợp 03 chủ đề "Tết Sum vầy - Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình". Ở mỗi điểm, tùy điều kiện thực tế và văn hóa vùng miền, chương trình được triển khai với hình thức và thời điểm khác nhau, nhưng tựu chung đều hướng về NLĐ với các hoạt động:
"Tết Sum vầy": Tổ chức tặng quà cho công nhân lao động Dệt May có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ Tấm vé nghĩa tình đưa công nhân về quê sum họp cùng gia đình đón Tết; tổ chức gặp mặt chúc mừng năm mới tới các cán bộ công đoàn hưu trí trong khu vực…
Trao tặng những chuyến xe nghĩa tình đưa NLĐ về quê đón Tết cùng gia đình
"Ngày hội công nhân": Đoàn viên công đoàn và NLĐ được thưởng thức và giao lưu văn nghệ quần chúng, tham gia các trò chơi dân gian, hội thi truyền thống...
Một nét đặc sắc nữa là Công đoàn DMVN đã thiết kế và phát hành một ấn phẩm bưu thiếp là câu đối chúc Tết, ý thơ mừng Xuân với nội dung mang đậm dấu ấn ngành nghề để tặng các đại biểu và CĐCS sử dụng treo cây đào, quất nhân dịp Tết. Tấm bưu thiếp tuy nhỏ nhưng vừa đẹp về hình thức, vừa góp phần quảng bá, lan tỏa nét văn hóa ngành Dệt May.
Tặng quà cho NLĐ tại Chương trình Tết sum vầy
Tại một số điểm, ban tổ chức đã bố trí khu vực cây cảnh Tết, không gian trưng bày câu đối, ý thơ; tái hiện hình ảnh "ông đồ già" tặng chữ ngày Xuân…, giúp cho NLĐ, ngoài việc được tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian, còn được hòa mình vào không khí Tết xưa, thêm yêu quý, trân trọng và mong muốn giáo dục thế hệ sau biết nâng niu, gìn giữ truyền thống, phong vị Tết của dân tộc.
"Phiên chợ nghĩa tình": tổ chức các gian hàng ưu đãi giảm giá từ 20-70% với nhiều chủng loại: Quần áo, giầy dép, các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm ngày Tết…; các gian hàng dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ cho NLĐ tham gia phiên chợ.
Đặc biệt, các mặt hàng tại gian hàng "Đồng giá" là sản phẩm được huy động từ sự đóng góp, sẻ chia của LĐ ngành Dệt May. Số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ lại được gửi về "Quỹ xã hội từ thiện" của ngành để tiếp tục chăm lo cho NLĐ và các hoạt động từ thiện với cộng đồng.
Đây quả là một hoạt động đầy ý nghĩa bởi chính số tiền có được từ việc bán hàng từ thiện, lại được quay ngược trở lại quỹ, để tiếp tục hành trình thiện nguyện đến với những LĐ khác, đến với xã hội, cộng đồng.
Bên cạnh các gian hàng bán với giá ưu đãi, là mô hình gian hàng "Không đồng" với những sản phẩm may mặc chất lượng mà các doanh nghiệp trong ngành ủng hộ để tặng cho CBCNV có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tại một số điểm, NLĐ còn được phát voucher để mua hàng hóa là những sản phẩm thiết yếu dành cho gia đình trong dịp Tết.
Ở cấp cơ sở
Các công đoàn cơ sở phối hợp với NSDLĐ, huy động các nguồn lực để chăm lo cho NLĐ, tổ chức Tết Sum vầy tại cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp như: thi gói và nấu bánh chưng, gói giò; liên hoan tất niên, tổ chức đón giao thừa cho NLĐ không về quê ăn Tết; bố trí xe đưa đón hay hỗ trợ vé tầu xe để NLĐ về quê và trở lại sau Tết; tổ chức thi cắm hoa, các trò chơi dân gian, liên hoan văn nghệ, quay xổ số trúng thưởng nhân dịp đầu xuân,… nhằm thu hút CBCVN vào các hoạt động vui tươi, lành mạnh, mang những giá trị truyền thống và tình cảm ấm áp, gần gũi như trong một gia đình.
Hội thi Gói bánh trưng, giã bánh dày của CĐ Tổng Công ty May 10 - CTCP
Tại các đơn vị, công đoàn còn phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ khó khăn cho CBCNV.
---
Hành trình gần 30 năm, "mang" Tết đến cho NLĐ khó khăn và hành trình 10 năm, kể từ khi chương trình được tổ chức một cách quy mô, bài bản hơn tại Công đoàn DMVN sẽ là một hành trình không có điểm dừng, bởi không có giới hạn nào cho sự sẻ chia, yêu thương, chở che, mà các nhà quản lý, tổ chức Công đoàn, cho tới mỗi thành viên trong ngôi nhà Dệt May dành cho cán bộ, đoàn viên, NLĐ của mình.
Cùng với sự phát triển của đất nước, sự tăng trưởng của ngành, nhận thức của xã hội và sự lan tỏa của những tấm lòng thiện nguyện, hành trình ấy hẳn sẽ ngày càng trở nên rực rỡ bởi những hoạt động chăm lo cho NLĐ, đặc biệt là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ ngày càng trở nên thực chất, hiệu quả, đúng người, đúng việc; thu hút được ngày càng nhiều hơn, nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đối tác, từ các tổ chức, cá nhân...
Người ta nói, lòng tốt là thứ ngôn ngữ không lời mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy.
Bởi những lòng tốt cho đi, lòng tốt sẽ được nhận lại.
Mỗi ngày, mỗi ngày, những tấm lòng lại nở hoa nhân ái...
Thu Hương
Tin khác
- Nghĩa đồng bào phía sau cơn bão mạnh nhất miền Bắc trong vòng 30 năm qua
- Những ý tưởng mới được ghi nhận từ chuyến thăm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên
- Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May
- Giai cấp công nhân và phong trào công đoàn quốc tế tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Sâu sát với Công đoàn, công nhân
- Công đoàn Dệt May Việt Nam: Những hoạt động - sự kiện nổi bật 6 tháng đầu năm 2024
- Bệnh viện Dệt May - nơi gửi trọn niềm tin của người bệnh
- Một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
- Những xúc cảm khi nhìn lại năm 2023
- Video: Bay cao ước mơ năm 2024
- Giới trẻ ngày nay trong lằn ranh của “thực tế” và “thực dụng”
- Góc thơ: Thành kính tiếc thương
- Ngồi đây nhưng anh em làm gì đều biết cả đấy!
- Ngọn lửa nồng nàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho công nhân, Công đoàn
- Tóm tắt tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Dự thảo sửa đổi Luật Việc làm: một số điểm mới về bảo hiểm thất nghiệp - người lao động cần biết
- Thư chúc Tết Giáp Thìn - 2024 của Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam
- Cảm nhận từ những chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Vinatex về năm 2023 nhiều thách thức