Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Tiếng gọi của non sông

Cách đây 74 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi của Bác là tiếng gọi thiêng liêng của non sông đất nước, cổ vũ tinh thần đấu tranh của toàn dân, toàn quân ta chống lại kẻ thù xâm lược. Hơn 70 năm qua, "Lời hịch" ấy vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại vẫn còn nguyên giá trị.

 

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

 

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp được sự tiếp tay của các nước đế quốc đồng minh trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, đồng thời tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta. Trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy, tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

 

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

 

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".      

 

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 20 giờ cùng ngày, bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

 

Ngày 20/12/1946, sau khi Lời kêu gọi được Đài tiếng nói Việt Nam phát đi, "Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ". Nhân dân Thủ đô không quản hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. 


Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… đến Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.

 

"Hỡi đồng bào! 

 

Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".

 

Toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ chí Minh 

 

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ chí Minh đã hoạch định đường lối cho cuôc kháng chiến, đó là kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực và lâu dài nhằm giành độc lâp, thống nhất hoàn toàn đất nước.

 

Thực hiện đường lối đó cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Và 30 năm sau, chúng ta đã cắm lá cờ lên nóc dinh độc lập, kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, đem lại độc lập thống nhất toàn vẹn cho đất nước.

 

Hơn 70 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay.

 

Tại thời bình, ý nghĩa, bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân từ Lời kêu gọi của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Trong lao động sản xuất, đặc biệt đối với ngành đông lao động như Dệt May, nhiệm vụ tập hợp sức mạnh, phát huy trí tuệ tập thể có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành. Bởi vậy trong nhiều năm qua, Công đoàn các cấp đã phối hợp cùng chuyên môn tổ chức nhiều phong trào, hoạt động nhằm khơi gợi, tập trung sức mạnh ý chí của toàn đội ngũ. Đó là: đảm bảo sự thống nhất, đúng đắn trong tư tưởng, nhận thức của CBCNVLĐ của ngành; tổ chức nhiều phong trào thi đua,  phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo... từ đó phát hiện ra những mô hình mới, cách làm hiệu quả để lan tỏa ra toàn ngành, đồng thời tôn vinh, khen thưởng các cá nhân và tập thể tiểu biểu trong từng lĩnh vực để khuyến khích, động viên tinh thần lao động của mỗi cán bộ đoàn viên, NLĐ. Các hoạt động văn hóa – thể dục thể thao, sinh hoạt tập thể, cũng được các cấp chú trọng triển khai để tăng cường sự đoàn kết, sự hiểu biết và tinh thần làm việc nhóm trong toàn thể CBCNV-NLĐ.

 

Có thể nói, nếu thời chiến ý đảng, lòng dân là thế trận, đầu súng ngọn giáo là vũ khí; thì hôm nay trong công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa cùng sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, việc tập hợp thu hút CBCNVCLĐ đoàn kết, thi đua làm chủ kiến thức, kỹ năng, thiết bị, máy móc, chính là làm chủ mặt trận lao động sản xuất, tạo tiền đề quan trọng cho việc củng cố vững chắc những thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới. Mỗi người lao động dệt may như một chiến sĩ cùng đồng lòng, hăng say lao động sản xuất, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, ngành Dệt May Việt Nam ngày càng phát triển, không ngừng khẳng định vị thế trên bản đồ dệt may thế giới.

 

Tiếng súng đã lặng hơn 40 năm, nhưng phía trước còn nhiều thách thức, nhiều nhiệm vụ quan trọng phải hoàn thành. "Đoàn kết là sức mạnh" và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đó vẫn còn thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website