Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

Phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp: Mô hình hay cần được lan rộng

Với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho lao động (LĐ) nữ Dệt May nuôi con nhỏ bằng nguồn sữa mẹ, nhiều đơn vị trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam đã cho lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc. Sau một thời gian triển khai,  mô hình này đã mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi các đơn vị còn gặp một số khó khăn nhất định.

 

Ý nghĩa từ những phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp

 

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo: "Nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi được 24 tháng tuổi. Đây là cách tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tình cảm".

 

Việc nuôi con bằng sữa mẹ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với bản thân con trẻ, gia đình mà còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp (DN) và cộng đồng xã hội. Thực tế cũng cho thấy trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con. Gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12%-15% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh. Nhờ đó mà bố mẹ có điều kiện để chuyên tâm hơn cho công việc.

 

Dệt May là ngành có tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 70%, trong số đó gần 40% đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Do đặc thù ngành nghề làm ca kíp nên nhiều LĐ nữ đang nuôi con nhỏ nhưng không thể tranh thủ giờ nghỉ trưa, giờ nghỉ sớm theo quy định để về cho con bú. Nếu doanh nghiệp không có giải pháp hỗ trợ thì nguồn sữa sạch của LĐ nữ sẽ bị vắt bỏ vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đến tâm lý của người phụ nữ đang trong thời kỳ chăm sóc nuôi con nhỏ.

 

 

Để tạo điều kiện tốt nhất cho LĐ nữ được nuôi con bằng sữa mẹ, Công đoàn Dệt May đã có hướng dẫn các CĐCS phối hợp cùng chuyên môn triển khai thực hiện chương trình "Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ". Bước đầu mang lại kết quả tốt, được DN và NLĐ đánh giá cao vì đã góp phần giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con, nhờ đó NLĐ nữ có sức khỏe và tinh thần tốt để làm việc, hiệu quả và năng suất cao hơn.

 

Ngoài ra, thiết chế này còn giúp DN đáp ứng các tiêu chuẩn về chăm lo cho NLĐ, đặc biệt là LĐ nữ của nhiều tổ chức, nhãn hàng, đối tác quốc tế.

 

 Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai chương trình

 

Việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp luôn được các cấp ban ngành quan tâm, tạo điều kiện. Cụ thể,  Tại Khoản 5, Điều 80 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định "Khuyến khích các DN lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của LĐ nữ và khả năng của NSDLĐ. Đối với các DN có từ 1.000 LĐ nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc".

 

Bên cạnh đó, 100% các DN có cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NLĐ với đội ngũ cán bộ có trình độ sẽ tư vấn, hỗ trợ NLĐ cách sử dụng phòng vắt trữ sữa. Về phía chuyên môn cũng đầu tư và tạo điều kiện về thời gian cho LĐ nữ sử dụng thiết chế này bất kỳ thời gian nào trong ngày khi LĐ nữ có nhu cầu...

 

Từ những thuận lợi trên, hiện nay toàn hệ thống có 12 phòng vắt trữ sữa tại 9 DN, phục vụ cho gần 1.000 LĐ nữ nuôi con nhỏ.  Những đơn vị khác chưa trang bị được phòng vắt trữ sữa độc lập nhưng đã lắp đặt các thiết bị thiết yếu như tủ lạnh, điều hòa, bồn rửa tay, biển hướng dẫn… tại phòng Y tế của DN, đồng thời cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn nữ CNLĐ khi có nhu cầu vắt và bảo quản nguồn sữa sạch.

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn tồn tại một số hạn chế và khó khăn:

 

Nghị định 145/2020 quy định: "Đối với các DN có từ 1.000 LĐ nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc". Tuy nhiên, toàn ngành hiện nay có 22 DN có trên 1.000 LĐ nữ. Như vậy, 9/22 DN lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc chiếm 41% - tỷ lệ vẫn còn thấp so với yêu cầu.

 

Số LĐ nữ nuôi con nhỏ tham gia và sử dụng phòng vắt trữ sữa tại DN chưa cao nhất là LĐ nữ trực tiếp sản xuất. Nguyên nhân: Một bộ phận LĐ nữ do thiếu kiến thức hoặc nhận thức chưa đầy đủ trong việc vắt trữ sữa tại nơi làm việc nên không "mặn mà".  Do làm việc theo dây chuyền nên nhiều chị em e ngại trong việc vắt trữ sữa giữa buổi sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Một số LĐ nữ nhập cư, lựa chọn giải pháp trọ gần hoặc gửi con tại nhà trẻ của DN để tranh thủ giờ nghỉ  cho con bú trực tiếp. Hoặc có những LĐ nữ "cai sữa" con sớm gửi về quê cho ông bà chăm sóc giúp. Điều kiện kinh tế khó khăn cũng khiến chị em phải cân nhắc bởi ngoài những thiết bị đã được DN đầu tư, để đảm bảo vệ sinh, an toàn mỗi LĐ nữ phải chi khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng cho việc trang bị riêng cho mình máy hút, bình trữ, máy hâm nóng sữa...

 

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số lượng LĐ nữ nuôi con nhỏ đến phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc của DN càng giảm, thậm chí có DN phòng vắt trữ sữa gần như "bỏ ngỏ". Việc đầu tư khoảng 20-30 triệu để lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc là thực sự cần thiết, ý nghĩa và trong khả năng của nhiều DN tuy nhiên, đầu tư mà không đem lại hiệu quả thiết thực sẽ lãng phí.

 

Giải pháp nào để triển khai chương trình lắp đặt phòng vắt trữ sữa hiệu quả?

 

Để việc triển khai lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp Dệt May được hiệu quả, rất cần có sự chung tay của NLĐ- DN-CĐCS:

 

Đối với NLĐ: Trước hết là LĐ nữ nuôi con nhỏ cần thay đổi tư duy và nâng cao kiến thức trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, thấy được ý nghĩa của chương trình cũng như chia sẻ, hướng dẫn những LĐ nữ khác đang nuôi con nhỏ cùng hưởng ứng và sử dụng.

 

Đối với NSDLĐ, bên cạnh đầu tư kinh phí lắp đặt phòng vắt trữ sữa, cũng cần tạo điều kiện tốt nhất cho LĐ nữ khi sử dụng, ví dụ như không tính thời gian vắt trữ sữa vào thời gian nghỉ 60 phút/ngày, có chế độ bổ sung dinh dưỡng cho LĐ nữ sau khi vắt sữa như trái cây, bánh, sữa...; bổ sung chất dinh dưỡng, thay đổi thực đơn bữa ăn ca để LĐ nữ đang nuôi con nhỏ đảm bảo sức khỏe cũng như duy trì nguồn sữa được lâu dài.

 

Đối với CĐCS: Tăng cường tuyên truyền vận động LĐ nữ nuôi con bằng sữa mẹ cũng như sử dụng phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp. Đề xuất và phối hợp với chuyên môn trong việc lắp đặt và đưa vào sử dụng phòng vắt trữ sữa, nhất là những doanh nghiệp có trên 1.000 lao động nữ nhưng chưa triển khai.

 

Quy định NSDLĐ lắp đặt phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách đối với lao động nữ. Đây không chỉ đơn thuần là quy định pháp luật mà còn mang ý ngĩa nhân văn sâu sắc thể hiện trách nhiệm của xã hội đối với lao động nữ và trẻ em. Mong rằng việc lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp Dệt May sẽ góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ.

 

 Nguyễn Thị Thủy

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website