Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Đừng để “Bà hỏa” hỏi thăm

Hiểm họa từ "Bà hỏa" không hẹn ngày giờ mà có thể "ghé thăm" bất cứ lúc nào. Những vụ cháy nghiêm trọng thời gian gần đây cho thấy mức độ mất an toàn tại các kho, nhà xưởng, doanh nghiệp đã đến mức báo động. Đặc thù là ngành sản xuất có đông lao động tập trung, nguyên liệu sản xuất và sản phẩm đều là chất dễ cháy, nên các cơ sở Sợi - Dệt - May luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Nâng cao cảnh giác phòng "bà hỏa ghé thăm" luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay.

 

Theo báo cáo thống kê, mỗi năm cả nước xảy ra bình quân trên 3.000 vụ cháy. Lý do chủ yếu là do sự thiếu cảnh giác của người dân, doanh nghiệp mà nguyên nhân chính là: chập điện, sử dụng gas, chất đốt không an toàn, thiếu thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy.

 

Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, ví dụ vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội đã làm 8 người tử vong, thiêu rụi 4 nhà xưởng, tổng diện tích bị cháy gần 1.000m2, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

 

Hay vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) gây thiệt hại vô cùng lớn. Mặc dù đám cháy đã được các lực lượng chức năng khống chế nhưng lửa vẫn âm ỉ bên trong khu nhà kho lợp mái tôn rộng khoảng 3.000m2, vài ngày sau đó khói đen vẫn tiếp tục nhả từng đợt và mùi khét lẹt, hóa chất độc hại, khói, bụi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, không khí, môi trường sống của toàn bộ người dân khu vực lân cận, nhiều hộ gia đình đã phải sơ tán một thời gian dài để lực lượng hóa học chuyên ngành xử lý môi trường bị ảnh hưởng.

 

Cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (Nguồn: Internet)

 

Với tình hình trên, ngày 6/4/2020, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 01/2020/TT-BXD, quy định cụ thể quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình: Đảm bảo an toàn cho người; ngăn chặn cháy lan; cấp nước chữa cháy; chữa cháy và cứu nạn; quy định về quản lý trong phòng cháy, chữa cháy… áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng nhà dân dụng và nhà công nghiệp. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 và thay thế Thông tư số 07/2010/TT-BXD ngày 28/7/2010 của Bộ Xây dựng. 

 

Riêng ngành Dệt May, 2 năm qua cũng đã ghi nhận 02 trường hợp cháy nổ gây thiệt hại về tài sản. Đây là tiếng chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở dệt, may và các kho hàng hóa, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, Với ngành Dệt May, hầu hết, các cơ sở sản xuất thường được chia thành 3 khu vực chính gồm kho, khu vực sản xuất và khu vực hành chính. Các cơ sở dệt, may tập trung số lượng lớn các chất dễ cháy đó là vải, sợi, bông, các loại hóa chất phục vụ cho công đoạn nhuộm, xử lý vải, dầu mỡ bôi trơn máy móc thiết bị ngành may. Nhiều máy móc, trang thiết bị hoạt động với công suất lớn cộng thêm tình hình thời tiết nắng nóng dễ gây ra hiện tượng quá tải, chập mạch, bên cạnh đó, phản ứng hóa học của các loại hóa chất trong quá trình sử dụng cũng có thể gây ra cháy nổ.

 

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Lê Nho Thướng cho biết, Dệt May là ngành có nguy cơ cháy nổ cao hơn so với các ngành khác. Công đoàn ngành xác định phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của tổ chức phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động trong công tác PCCC và CNCH.

 

Thượng tá Đoàn Văn Quỳnh – Phó Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, doanh nghiệp Dệt May cần nêu cao tinh thần "phòng cháy hơn chữa cháy" và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ, Phương tiện tại chỗ và Vật tư, hậu cần tại chỗ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về kiến thức và kĩ năng PCCC cho từng cán bộ công nhân viên, người lao động.

 

Hội thi PCCC tại Tổng Công ty Đức Giang

 

Để chủ động phòng ngừa cháy nổ, đối với các doanh nghiệp dệt, may, chúng ta cần lưu ý thực hiện một số biện pháp sau:

 

Một là, niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn. Đảm bảo các điều kiện về khoảng cách an toàn phục vụ công tác thoát nạn như: không để hàng hóa, vật tư cản trở lối thoát nạn; dựng rào chắn, khóa cửa trên lối và đường thoát nạn. Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn phải có đủ số lối thoát nạn theo quy định, lối thoát phải đủ kích thước theo số người ở tập trung đông nhất.

 

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC cho tất cả công nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng cho đội ngũ PCCC cơ sở, sao cho đảm bảo rằng mỗi công nhân viên đều phải biết các biện pháp PCCC, để có thể chủ động và kịp thời xử lý khi phát hiện ra cháy.  Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, tuyệt đối không xem nhẹ công tác tự kiểm tra các vấn đề liên quan đến PCCC.

 

Diễn tập thoát hiểm tại Tổng Công ty May 10

 

Ba là,  thường xuyên tổ chức kiểm tra, phân công người theo dõi quy trình quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt; những nơi dễ  phát sinh cháy như: máy móc, thiết bị sử dụng điện, dây dẫn điện, dây chuyền công nghệ…, những nơi có các vật liệu dễ cháy như: khu vực chứa phế liệu, kho chứa hàng, khu vực hóa chất… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

 

Bốn là, lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptômat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng biệt các nguồn điện: chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt. Kiểm tra việc thực hiện các quy định trong sử dụng điện: như có ngắt cầu giao, aptômat, tắt nguồn các thiết bị máy móc, thiết bị khi không sử dụng. Có giải pháp chống tĩnh điện đối với những dây chuyền sản xuất, thiết bị phát sinh tĩnh điện.

 

Năm là, đảm bảo vệ sinh công nghiệp, dọn vệ sinh chung sau mỗi ca làm việc, lau chùi vệ sinh máy móc, thiết bị sử dụng điện, dây dẫn điện loại trừ chất cháy thoát ra trong quá trình sản xuất nhằm hạn chế sự cháy tạo thành môi trường nguy hiểm cháy nổ. Sắp xếp hàng hóa theo đúng quy định an toàn PCCC.

 

Sáu là, phát huy vai trò người đứng đầu cơ sở, phụ trách quản lý cơ sở công tác tuyên truyền, tự kiểm tra an toàn PCCC; lập đội PCCC cơ sở, mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ PCCC hoặc có người tham gia đội PCCC; mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy. Định kỳ tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng PCCC cơ sở. Lập và thực tập thường xuyên phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống khác nhau ở cơ sở để lực lượng này đủ khả năng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

 

Tóm lại, việc đảm bảo an toàn phòng cháy đối với các cơ sở Dệt May phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác tuân thủ theo đúng quy trình và quy định trong sản xuất kinh doanh của những người đứng đầu cơ sở và của từng cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động. Do vậy, cần phải nhận thức được tầm quan trọng trong công tác PCCC để "Bà hỏa" không có cơ hội để ghé thăm và giảm thiểu những nguy cơ và thiệt hại khi có sự cố đáng tiếc xảy ra..

 

Hồng Chiến

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website