Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

Chấm dứt bất bình đẳng, chấm dứt bệnh AIDS, chấm dứt các đại dịch!

Đây chính là thông điệp của Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 năm nay, đồng thời nêu bật vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong xã hội đối với việc phòng, chống căn bệnh thế kỷ, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.

 

 

Thông điệp toàn cầu "Chấm dứt đại dịch HIV/AIDS: Tiếp cận bình đẳng, tiếng nói của mọi người" 

 

Đã 40 năm kể từ khi những trường hợp đầu tiên trên thế giới ghi nhận mắc bệnh suy suy giảm miễn dịch gặp phải sau giai đoạn nhiễm virus HIV, mà sau này được gọi là bệnh AIDS. Những gì căn bệnh thế kỷ để lại cho loài người là sự kỳ thị, bệnh tật và cái chết.

 

Theo báo cáo của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS) tính đến hết năm 2020, số người nhiễm HIV trên thế giới là khoảng 37,7 triệu người, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm khoảng 1,8 triệu. Số ca nhiễm HIV mới được phát hiện là 1,5 triệu, với khoảng 150.000 ca là trẻ em. Số người nhiễm HIV tử vong là khoảng 680.000 người.

 

Trong những năm qua, sự hiểu biết về dịch bệnh cùng cách ứng phó hiệu quả đã tăng lên đáng kể khi lượng người tiếp cận điều trị HIV nhiều hơn, số ca mất vì những nguyên nhân liên quan đến AIDS cũng giảm hơn ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, những thách thức lớn vẫn tiềm tàng khi HIV/AIDS chưa kết thúc và tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống người dân ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao: người tiêm chích ma túy, người chuyển giới và bạn tình của họ, người bán dâm và khách hàng của họ, nhóm đồng tính nam và quan hệ tình dục đồng giới khác.

 

Với khoa học công nghệ tân tiến như hiện nay, việc phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị HIV được mở rộng và tiếp cận đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao song để đạt được hiệu quả tốt cần có sự chung tay của mỗi người. Đó cũng chính là điều mà thông điệp "Chấm dứt đại dịch HIV/AIDS: Tiếp cận bình đẳng, Tiếng nói của mọi người" được chọn để truyền tải đến công chúng nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12/2021). Thông điệp này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nhiều người đang đấu tranh giành lấy cơ hội tiếp cận bình đẳng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị HIV/AIDS khi dịch Covid-19 bùng phát.

 

Thông điệp này còn thể hiện mong muốn "không còn ai bị nhiễm virus bởi chúng ta đã biết cách phòng chống, không còn ai mất vì căn bệnh mà chúng ta đã có thể điều trị tích cực để sống chung và không còn ai bị bỏ lại phía sau, mà hoàn toàn được khuyến khích đưa ra tiếng nói của mình và bình đẳng trên mọi phương diện để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân". Đây cũng chính là cam kết trong việc nhanh chóng chấm dứt dịch AIDS trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, một cam kết đầy tham vọng nhưng luôn rất khả thi trên hành trình biến nguyện vọng thành hiện thực.

 

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19

 

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cựcđến mọi mặt đời sống xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam bao gồm cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Theo báo cáo của các địa phương, dịch HIV/AIDS trong 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, các biện pháp phòng chống HIV/AIDS một lần nữa cần được đẩy mạnh, quyết tâm thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Cụ thể:

 

Tăng cường cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, cách phòng, chống, điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là thông qua phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội do hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động đông người trong điều kiện dịch Covid-19.

 

Xây dựng kịch bản và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo các tình huống khác nhau phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19 để đảm bảo nhóm đối tượng có nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

 

Tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị phong tỏa, người bệnh bị cách ly do dịch.

 

Vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch.

 

Mở rộng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như tự xét nghiệm và tư vấn xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; tăng cường điểm cấp phát thuốc điều trị cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

 

Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, đảm bảo cho người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế một cách liên tục, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

 

Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng như việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế địa phương.  

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website