Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

Măng non Dệt May tô nét chữ, luyện nết người

Lịch sử phát triển của một nền văn minh thường gắn liền với ngôn ngữ và chữ viết. Khác với phương Tây yêu thích tự do, khuyến khích sự khác biệt, tại các quốc gia Á Đông, trong đó có Việt Nam thì chữ viết lại được cha ông ta quan niệm "nét chữ, nết người", thậm chí còn được nâng tầm thành nghệ thuật thư pháp Việt trường tồn đến ngày nay. Chính vì vậy việc rèn chữ luôn được chú trọng, góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách con người cũng như bảo tồn văn hóa chữ viết của dân tộc.

 

Biết chữ, viết đúng chữ trước khi viết chữ đẹp…

 

Năm 1965, Tổ chức UNESCO chọn ngày 8-9 hằng năm là Ngày Quốc tế biết chữ. Ngày này lần đầu tiên được kỷ niệm vào năm 1966 với mục đích nhấn mạnh về tầm quan trọng của phổ cập giáo dục cho các công dân, các cộng đồng và toàn xã hội; đồng thời tích cực vận động cộng đồng Quốc tế thúc đẩy xóa nạn mù chữ, coi đây là chìa khóa mở ra sự phát triển tri thức cho toàn nhân loại.

 

Tại Việt Nam sau khi giành chính quyền, ngay phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và Người xác định xóa nạn mù chữ là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ ra đời nằm trong Bộ Quốc gia giáo dục. Sau một năm, Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96 nghìn giáo viên, mở được gần 75 nghìn lớp học. Trong kháng chiến, việc xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, đồng thời còn tổ chức các lớp bổ túc văn hóa, bồi dưỡng đào tạo cán bộ để phục vụ kháng chiến.

 

Công cuộc đổi mới đất nước Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 đã hoàn thành, tiến tới xây dựng xã hội học tập để "nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài". Cùng với phong trào thi đua "Dạy tốt học tốt", ngành Giáo dục đã phát động phong trào "Vở sạch chữ đẹp" trong học sinh bậc Tiểu học. Thông qua các cuộc thi viết chữ đẹp hằng năm, phong trào này đã trở thành hoạt động trọng tâm của nhà trường giúp công tác dạy chữ, rèn chữ cho nhiều thế hệ học sinh ngày càng hiệu quả.

 

 

Ngày nay, quan niệm "nét chữ, nết người" để nói về về tính cách, đạo đức của một ai đó có lẽ không còn phù hợp. Khi xã hội phát triển thì chữ viết phụ thuộc nhiều vào ngành nghề, công việc, ví như giáo viên tiểu học với nhiệm vụ chính là luyện chữ cho học trò nên sẽ có điều kiện trau dồi giúp chữ viết ngày một đẹp hơn. Trái lại ngành nghề không đủ thời gian để "nắn nót" mỗi khi đặt bút viết là các y, bác sỹ nên bị quy chụp biệt danh "chữ bác sỹ" …

 

Vậy nên, nếu căn cứ vào chữ viết sẽ không có cơ sở để phản ánh đúng tính cách con người.  Tuy nhiên, rèn luyện để có chữ viết đẹp sẽ đồng thời rèn tính kiên trì, cẩn thận, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo…giúp mang lại nhiều giá trị, bài học, lợi ích trong cuộc sống. Sở hữu chữ viết đẹp là mong muốn của tất cả mọi người, nếu không thể viết chữ được đẹp thì hãy viết chữ đúng cụ thể là: đủ dấu, đủ nét, đúng chính tả và trình bày phải sạch sẽ, khoa học…Bởi vì chữ viết cầu thả, không đọc được tức là người viết không tôn trọng người, đồng nghĩa với không tôn trọng chính mình.

 

Công nghệ hiện đại có thay thế được chữ viết?

 

Thiết bị công nghệ như khi như máy tính, smartphone… sau một thời gian ngắn ra đời có thể thay thế phần lớn việc ghi chép bằng tay hoặc "mã hóa" được cả chữ ký cá nhân với độ bảo mật cao, không những tiết kiệm thời gian, công sức mà còn có tính thẩm mĩ, thuận tiện cho công tác lưu trữ, sao in dữ liệu, bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng bút, giấy, mực…

 

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Princeton và Đại học California (Mỹ): Những sinh viên có thói quen viết  bằng tay thường vượt trội hơn so với nhóm sinh viên viết bằng máy tính. Người viết tay ghi chú thường học tốt hơn, ghi nhớ thông tin lâu hơn, dễ dàng hơn nắm bắt các ý tưởng mới.  Một số nghiên cứu khác cho rằng: Não bộ điều khiển bàn tay, cánh tay và vai liên quan mật thiết đến hệ thần kinh trung ương, biểu lộ thái độ, tình cảm của người viết…  Điều này không có ở chữ viết bằng thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó chữ viết là sản phẩm của rèn luyện, tư duy và là "sở hữu" riêng của mỗi người nên trong phạm vi nhất định, thiết bị sẽ không thể nào thay thế. Bên cạnh đó chữ viết phải mất hàng nghìn năm mới hình thành và hoàn thiện, chứa đựng bao giá trị, tinh hoa của dân tộc, ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ nên cần phải trân trọng, lưu giữ.

 

Không thể đánh giá chữ viết hay công cụ hiện đại thay thế chữ viết sản phẩm nào là tối ưu. Tuy nhiên, sự kết hợp hài hòa hoặc ứng dụng sao cho phù hợp với công việc đem lại hiệu quả đó mới là lựa chọn có giá trị cao nhất.

 

Măng non Dệt May tô nét chữ, luyện nết người

 

Mặc dù không phát động phong trào, không tổ chức các hoạt động cho con NLĐ thi viết chữ đẹp nhưng nhiều năm nay công tác động viên khen thưởng con CNVCLĐ đạt giải tại các cuộc thi, hội thi viết chữ đẹp được các cấp công đoàn chú trọng đã góp phần không nhỏ vào công tác gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt cũng như "tô nét chữ, luyện nết người" cho thế hệ măng non của Ngành.

 

 

Tại cấp cơ sở, những năm học trước ngoài việc gặp mặt động viên, khen thưởng các cháu, các đơn vị kết hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm, trò chơi tư duy, tặng quà là các sản phẩm giúp các em biết trân trọng chữ viết và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Tại cấp ngành, tính riêng Đợt I năm học 2020-2021, Công đoàn Dệt May đã khen thưởng 42 em học sinh bậc Tiểu học đạt giải viết chữ đẹp cấp tỉnh, thành phố nâng tổng số em được khen thưởng trong 3 năm học gần đây (2018-2021) là 236 em. Các em đạt giải viết chữ đẹp đồng thời là học sinh giỏi và cháu ngoan Bác Hồ.

 

Năm học mới 2021-2022 bắt đầu, việc dạy chữ và rèn chữ cho các em học sinh đối với các trường bậc Tiểu học sẽ gặp không ít khó khăn đặc biệt là các em vừa bước vào lớp 1 do phải học trực tuyến. Tuy nhiên tô nét chữ, luyện nết người là cả một quá trình, hy vọng các em học sinh tương lai làm chủ công nghệ 4.0 sẽ không quên việc bảo tồn và giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Việt.

 

Nguyễn Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website