Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nâng cao chất lượng dân số, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” để có nguồn nhân lực đủ mạnh

Muốn tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội phải dựa vào yếu tố cơ bản là nguồn nhân lực mà nguồn nhân lực lại gắn liền với sự biến đổi dân số về cả số lượng và chất lượng. Vì vậy, nâng cao chất lượng dân số sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia.

 

Xác định công tác dân số, chuyển đổi nhân khẩu học và phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chính sách, chiến lược, chương trình về dân số, lao động, việc làm để sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước. Nhờ vậy, tốc độ tăng dân số được kiểm soát ở mức hợp lý; tuổi thọ bình quân của người dân được cải thiện nhanh; trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động ngày càng tiến bộ. Theo Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020, với chỉ số phát triển con người năm 2019 đạt 0,704 đưa Việt Nam vào nhóm phát triển con người cao và xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về chất lượng phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp thấp (nước ta thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới theo tiêu chí của Tổ chức Lao động Quốc tế).

 

Cơ cấu "dân số vàng", nếu không tận dụng, sẽ lỡ thời cơ

 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, hiện đang trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" đồng thời với xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên hợp quốc, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039, tức là chỉ còn 19 năm. Cùng với đó, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm, từ năm 2011 đến năm 2036 - đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Đặc biệt, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hoá khác, đã và đang tạo ra thách thức lớn trong phát triển kinh tế đất nước nếu không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng và có các biện pháp thích ứng hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số.

 

Những vấn đề đặt ra trong phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và phát triển nguồn nhân lực hiện nay

 

Tại Hội thảo "Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số" do Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (CHLB Đức) tổ chức tháng 4/2021 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội Lê Văn Thanh đã đưa ra hai vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam đó là:

 

Thứ nhất, thời gian cho phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng không còn nhiều trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao.

 

Thứ hai, tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội chưa đủ mạnh.

 

Vì vậy, để phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội đang xây dựng "Đề án phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số" trong đó nêu rõ 4 mục tiêu cụ thể: 1) Phấn đấu đến năm 2030, tăng đáng kể lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo để chuyển đổi việc làm; 2)Tăng cường duy trì việc làm, phát triển việc làm bền vững, giảm thiểu thất nghiệp và giảm tình trạng thanh niên không có việc làm, không đi học và không tham gia hợp đồng kinh tế; 3) Đảm bảo an ninh thu nhập và phát triển việc làm cho người cao tuổi; 4) Tăng cường chăm sóc xã hội, chăm sóc dài hạn và môi trường sống thân thiện cho người cao tuổi.

 

Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may

 

Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may

 

Dệt may là ngành đông lao động, với nguồn nhân lực trẻ nhưng vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng trong đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Do đó, để thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng dân số và phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng của nhà nước nói chung và phát triển nguồn lao động chất lượng về cả thể chất lẫn trình độ chuyên môn nói riêng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ với sự tham gia của các bên như doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động.

 

Một là, với tỷ lệ lao động chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo thì công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phải được thực hiện một cách có hệ thống tại tất cả các doanh nghiệp và các trường đào tạo của ngành. Tổ chức công đoàn cần phối hợp với chuyên môn và cơ sở đào tạo thực hiện các chương trình nghiên cứu, khảo sát số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn lao động, trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp phù hợp cải thiện các yếu tố này, đặc biệt là nâng cao chất lượng lao động. Thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn,…khuyến khích tình thần chủ động học tập của người lao động; Tiến tới xây dựng lực lượng lao động chất lượng: có tay nghề, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, kết hợp với chế độ tiền lương, môi trường làm việc an toàn, phúc lợi xã hội tốt để thu hút và giữ lao động chuyên môn kỹ thuật.

 

Hai là, tổ chức công đoàn cần đổi mới hình thức, thay đổi thông điệp truyền thông cho người lao động trong thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của nhà nước, đảm bảo mỗi gia đình sinh đủ 2 con, vừa đảm bảo kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng, vừa trì hoãn quá trình già hóa dân số. Cùng với đó, tổ chức công đoàn cần tăng cường thương lượng, đối thoại với doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện tốt các chế độ ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe và các chính sách chế độ với lao động nữ, lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

 

Ba là, đã đến lúc doanh nghiệp và bản thân người lao động cần thay đổi tư duy người già gắn với "sự rút lui", "sức khỏe không đảm bảo" và "phụ thuộc" sang tư duy mới, đó là phát huy vai trò của lao động cao tuổi, thúc đẩy họ lao động, vừa góp phần duy trì tuổi thọ khỏe mạnh, vừa đóng góp nguồn lực cho sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh chính sách của nhà nước đã quy định tuổi nghỉ hưu tăng lên. Đây là vấn đề doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cần nghiên cứu để có sự chuẩn bị thích ứng, bố trí công việc cho người lao động cao tuổi theo khả năng và các chính sách chế độ phù hợp.

 

Như vậy. để biến cơ hội dân số vàng thành động lực tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng nguồn lao động thì việc xây dựng chiến lược toàn diện về phát triển nguồn nhân lực, trong đó đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng nhất. Cùng với đó, duy trì mức sinh thay thế và tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website