Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Người nữ giảng viên trẻ “truyền lửa” đam mê thiết kế thời trang

Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội với tấm bằng cử nhân nghệ thuật, năm 2007 cô sinh viên Nguyễn Thị Hồng Liên đầu quân về trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và trở thành giảng viên khoa Thiết kế thời trang. Nữ giảng viên trẻ không những nhiệt huyết với chuyên môn mà còn là người tích cực "truyền lửa" và nâng bước bao thế hệ sinh viên nơi đây.

 

 

Say mê với nghề

 

Là giảng viên thiết kế, chị Nguyễn Thị Hồng Liên mang trong mình lòng đam mê với thiết kế và sự tâm huyết của một người thầy. Kiến thức và kinh ngiệm trong lĩnh vực thiết kế đã được chị bằng lòng nhiệt huyết của mình chuyển thành tri thức và chia sẻ đến từng sinh viên, học viên.

 

Tuy tuổi đời còn trẻ, tuổi công tác cũng chỉ 10 năm, nhưng  chị đã chủ biên nhiều tài liệu giảng dạy ứng dụng vào các học phần chuyên ngành thiết kế thời trang, có thể kể đến là giáo trình "Sáng tác mẫu thời trang" giảng dạy cho trình độ Đại học. Cùng các giảng viên khoa Thời trang hoàn thiện 2 chương trình đào tạo Cao đẳng và Đại học ngành Thiết kế thời trang. Nghiên cứu xây dựng học liệu giảng dạy cho các học phần mới trong chương trình đào tạo Đại học ngành thiết kế thời trang như: Sáng tác mẫu thời trang 1,2,3; Dự án thiết kế bộ sưu tập thời trang; Kĩ thuật thay đổi bề mặt vải...

 

Khi chọn nghề giáo viên, chị luôn mong muốn đóng góp một phần công sức vào xây dựng nguồn nhân lực thiết kế thời trang bởi đây vẫn là một "mắt xích" còn yếu của chuối cung ứng dệt may của Việt Nam. Điều này đã thôi thúc chị không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn giảng dạy mà còn phải có tầm nhìn xa hơn, đó là nghiên cứu làm sao xây dựng được một đội ngũ thiết kế bài bản, chuyên nghiệp, thích ứng với những điều kiện mới.  Năm 2016 chị cùng các cộng sự bảo vệ thành công Đề tài "Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất tiêu chí của nguồn nhân lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) phù hợp với phương thức sản xuất ODM tại các doanh nghiệp may". Đây là đề tài mang tính cấp thiết và ứng dụng cao bởi sản xuất theo phương thức ODM (Original Designed Manufacturer – Sản xuất trọn gói từ thiết kế) luôn là đích đến của Dệt May, việc đề ra tiêu chí về nhân lực đáp ứng được phương thức này sẽ xác định được mục tiêu mà nhà trường và doanh nghiệp hướng đến trong đào tạo.

 

 

Chưa bao giờ bằng lòng với những gì đã có, chị Nguyễn Thị Hồng Liên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, đặc biệt chị còn là người rất yêu công nghệ, thường xuyên sử dụng công nghệ trong công việc thiết kế và giảng dạy.  Năm 2020, chị tiếp tục tham gia thực hiện 2 đề tài, trong đó chủ nhiệm một đề tài cấp trường "Giải pháp thiết kế không gian học tập tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội"; và cùng các cộng sự tham gia đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang". Nếu nghiệm thu thành công vào tháng 12 tới, đề tài sẽ được ứng dụng sâu rộng trong hệ thống ngành với sự chuyển giao những quy trình thiết kế từ 2D sang 3D và ngược lại.

 

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, hoạt động đoàn thể như: Đạt giải Nhì Hội thi Giáo viên giỏi toàn quốc năm học 2015-2016; Đạt giải Ba hội thi "Phụ nữ Dệt May duyên dáng, tài năng" do Công đoàn Dệt May tổ chức; Nhiều năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở được Công đoàn Dệt May Việt Nam, Bộ dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

 

 

"Truyền lửa" cho sinh viên

 

Do đặc thù thiết kế thời trang là ngành gắn liền với nền công nghiệp làm đẹp. Người làm công việc thiết kế thời trang cần phải sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời những tác phẩm thời trang theo xu hướng thẩm mỹ của xã hội, giúp làm đẹp cho con người, cho cuộc sống với cả hai hướng: hướng trình diễn nghệ thuật (trang phục biểu diễn) và hướng ứng dụng thực tế (trang phục ứng dụng). Cùng với đó, thiết kế thời trang là công việc lao động nghệ thuật. Sản phẩm làm ra là những tác phẩm nghệ thuật nên sự đón nhận của xã hội là thước đo giá trị.

 

Sinh viên theo học ngành này, bên cạnh việc được đào tạo khả năng cảm thụ và nắm bắt các xu hướng thời trang đương đại; khả năng hoàn thiện tác phẩm theo một quy trình khép kín: Phác thảo ý tưởng, chọn nguyên liệu, thiết kế rập – cắt – may, thiết kế phụ trang; khả năng diễn hoạ, nghiên cứu thị trường, nhu cầu khách hàng; phân tích, dự báo xu hướng thời trang, mix & match; kĩ năng quảng bá, quản lý thương hiệu...thì nhất định phải có niềm đam mê mới có cơ hội "kết duyên" lâu dài với nghề.

 

Với mong muốn sinh viên theo học khoa Thiết kế thời trang tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ khẳng định được mình khi đảm đương các vị trí công việc sau khi ra trường, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Liên đã khơi gợi hứng thú, niềm đam mê cho sinh viên theo cách của riêng mình. Đó là để các em tự do sáng tạo, tự do khám phá, phát huy năng khiếu, óc thẩm mỹ, cá tính của mỗi người.... Trong giảng dạy, chị thường xuyên rèn luyện thêm cho các em kỹ năng mềm hay tổ chức các giờ thực hành như sáng tác, thiết kế, trưng bày và trình diễn thời trang độc lập hoặc kết hợp làm việc nhóm. Chị cũng rất tích cực giới thiệu, đề cử và hỗ trợ sinh viên tham dự các chương trình, sự kiện do các hãng thời trang nổi tiếng tổ chức...

 

 

Bên cạnh đó, chị đang hướng dẫn sinh viên thực hiện các dự án thiết kế thời trang tái chế. Dự án này được tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường ghi nhận, đánh giá cao bởi tính sáng tạo, đồng thời tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường ... trong khi đó các sản phẩm thời trang thiết kế mang xu thế mới, độc đáo đem lại sự trải nghiệm và giá trị kinh tế cho các em.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Liên chia sẻ "Được giảng dạy, thực hiện công việc mình yêu thích thiết kế thời trang đã là niềm vui nhưng được truyền ngọn lửa đam mê, tâm huyết và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho các thế hệ sinh viên thì đó là hạnh phúc. Với thiết kế thời trang, hôm nay mình là thầy nhưng ngày mai có thể mình trở thành đồng nghiệp, là học trò của các bạn ấy". 

 

Bao nhiêu năm công tác là bấy nhiêu năm cô giáo Nguyễn Thị Hồng Liên vui mừng vì các thế hệ sinh viên được mình trực tiếp đào tạo, giảng dạy đã thành đạt. Theo khảo sát tình hình việc làm của sinh viên ngành thời trang năm 2020, sau khi tốt nghiệp 12 tháng và 24 tháng 100% sinh viên có việc làm trong đó tự khởi nghiệp là 6%. Thu nhập trung bình từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều người hiện đảm nhiệm quản lý tại các doanh nghiệp Dệt May, công ty thời trang và nhiều nhà thiết kế có tên tuổi của các thương hiệu thời trang, nhãn hàng trong và ngoài nước.

 

Hành trình giúp các thế hệ sinh viên yêu thích ngành học thiết kế thời trang và thành công trên con đường lập nghiệp là cả một quá trình. Tuy nhiên vượt qua khó khăn, thách thức và tiếp tục tạo ra nhiều hạt giống tốt gieo trồng trên mảnh đất của ngành Dệt May và lĩnh vực thời trang có lẽ cần nhiều giảng viên có tâm với  nghề, có năng lực và luôn thắp sáng trong mình, trong sinh viên ngọn lửa đam mê thiết kế thời trang như cô giáo Nguyễn Thị Hồng Liên.

 

Nguyễn Thủy

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website