Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

Năm 2021 – Những dấu ấn đến từ đội ngũ lao động nữ Dệt May

"Giỏi việc nước, đảm việc nhà" là phong trào thi đua đặc thù về giới được các cấp công đoàn trong ngành Dệt May phát động và triển khai sâu rộng trong nữ CNVCLĐ. Phong trào đã trở thành nét đẹp truyền thống, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ phong trào này, nhiều chị em đã thành công trong sự nghiệp, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc.

 

Linh hoạt tổ chức phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

 

Là ngành sử dụng trên 70% là lao động nữ. Thu nhập không cao, trình độ và nhận thức còn hạn chế; hơn nữa nhiều lao động nhập cư phải thuê trọ nên khi tổ chức các hoạt động tập trung nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua "GIỏi việc nước, đảm việc nhà" bên cạnh các điều kiện thuận lợi như thu hút đông LĐ nữ tham gia, chuyên môn ủng hộ, cán bộ CĐCS nhiệt tình... thì gặp không ít khó khăn. Từ thực tế trên,  các cấp công đoàn đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo và linh hoạt mang lại hiệu quả thiết thực cho NLĐ.

 

 Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Dệt May đã xây dựng chương trình "Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, vì sự tiến bộ của lao động nữ", trong đó chú trọng đến phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", từ đó hướng dẫn CĐCS triển khai các hoạt động phù hợp như: Gắn danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" với các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; Cuộc thi thợ giỏi các cấp; Giải thưởng Nguyễn Thị Sen; danh hiệu "Gia đình Dệt May tiêu biểu", khen thưởng con CNVCLĐ đạt thành tích trong học tập, thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình, gia đình văn hóa, lao động nữ vượt khó...

 

Trên cơ sở hướng dẫn của Công đoàn ngành, CĐCS cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp với từng đối tượng như lao động nữ khối trực tiếp sản xuất, phòng ban của doanh nghiệp; lao động nữ khối cơ quan hành chính và lao động nữ khối viện, trường học....để có căn cứ xét thi đua và khen thưởng.

 

Lao động nữ Dệt May nỗ lực, vượt khó trước đại dịch Covid-19

 

Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm thu nhập cho NLĐ, nhiều doanh nghiệp trong ngành tổ chức cho NLĐ làm việc theo mô hình "3 tại chỗ"... Việc thực hiện "3 tại chỗ" thực sự  khó khăn đối với LĐ nữ bởi ngoài công việc, các chị còn phải quán xuyến gia đình, chăm sóc nuôi dạy các con nhất là các gia đình có con nhỏ.

 

Khi tham gia "3 tại chỗ", các chị phải xa nhà ít nhất từ 15-20 ngày, thậm chí vài tháng. Có những chị cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ CĐCS  "nằm vùng" để tổ chức sản xuất và chăm lo cho NLĐ làm việc 2 tháng rưỡi mới được trở về nhà.

 

Nhiều lao động nữ tình nguyện gác lại việc nhà, tham gia "3 tại chỗ" cùng DN

 

Tham gia sản xuất "3 tại chỗ" NLĐ hoàn toàn yên tâm khi họ vẫn có thu nhập; Đều kiện ăn ở, sinh hoạt và làm việc được đảm bảo mặc dù không thoải mái, thuận lợi như ở nhà. Tuy nhiên, nỗi thương con, nhớ nhà, lo lắng cho chính mình và người thân trước nguy cơ  nhiễm Covid-19 đã khiến tâm trạng chị em trở lên bất an. Làm việc "3 tại chỗ" cũng sẽ không tránh khỏi tăng ca, tăng giờ nên phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần. Nhưng, các chị đã cố gắng nỗ lực vượt qua thách thức, bám máy, bám xưởng sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời khắc khó khăn vì dịch bệnh.

 

Dịch bệnh khiến công việc đảo lộn, cuộc sống vì thế trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là những lao động thuê trọ. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt trên thành phố tốn kém, con cái không được đến trường, nguy cơ cao trở thành F0....nên nhiều người đã chọn giải pháp về quê. Khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhiều lao động nữ đã gửi con lại ở quê... tiếp tục trở lại thành phố làm việc vì cơm áo mưu sinh cho dù trong lòng luôn lo lắng, thường trực nỗi nhớ và và đau đáu thương con.

 

Nhiều LĐ nữ trước đó bị mất đi người thân do dịch bệnh hoặc bản thân đã từng là F0 nên di chứng để lại là sức khỏe giảm sút, tâm trạng buồn phiền, mệt mỏi. Cùng với đó, các chị vẫn phải thực hiện vai trò của người phụ nữ trong gia đình, chăm sóc nuôi dạy các con, cân đối chi tiêu trong điều kiện khó khăn, chưa kể tình hình dịch bệnh còn khiến mâu thuẫn gia đình gia tăng, gây ra áp lực tâm lý rất lớn cho người phụ nữ.  

 

Kết quả phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ Dệt May năm 2021

 

Gần 2 năm qua đặc biệt là năm 2021 đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế như phụ nữ. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó của các chị, sự vào cuộc tích cực của các cấp, trong đó có tổ chức Công đoàn mà phong trào thi đua "2 giỏi" trong LĐ nữ tiếp tục được duy trì, tạo được dấu ấn và lan tỏa mạnh mẽ.

 

Tại cấp cơ sở:  Năm 2021, đã có gần 64.200 LĐ nữ đăng ký đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" (đạt 76%).  Qua nắm bắt và số liệu báo cáo của CĐCS, số LĐ nữ đạt danh hiệu "2 giỏi" năm 2021 là trên 50.600 người, đạt tỷ lệ gần 79% so với số đăng ký. Có trên 8.100 chị xuất sắc được khen thưởng. Để động viên NLĐ trong công tác chăm lo, xây dựng gia đình, nuôi con học giỏi. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị đã trích 4,7 tỷ đồng động viên, khen thưởng  gần 21.500 con NLĐ đạt thành tích xuất sắc trong học tập năm học 2020-2021.

 

Tại cấp  ngành: Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các CĐCS, Công đoàn Dệt May đã xét khen thưởng chuyên đề "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" năm 2021 cụ thể: Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ, bằng khen cho 3 tập thể, 2 cá nhân. Công đoàn Dệt May tặng 3 cờ, 95 bằng khen cho 31 tập thể và 64 cá nhân có thành tích xuất sắc với tổng số tiền thưởng trị giá trên 85 triệu đồng. Tôn vinh 10 lao động nữ đạt "Giải thưởng Nguyễn Thị Sen" năm 2021. Lựa chọn và giới thiệu 01 chị là đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027).

 

 

Giải thưởng Nguyễn Thị Sen 2021

 

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Ngày Gia đình Việt Nam, Công đoàn Dệt May đã khen thưởng 37 "Gia đình Dệt May tiêu biểu" năm 2021, đồng thời tôn vinh 25 gia đình nhân kỷ niệm 25 năm thành lập. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành còn gửi thư khen, phần thưởng cho 675 cháu,  trao 322 suất học bổng "Đồng hành cùng em đến trường" cho con NLĐ đạt thành tích xuất sắc trong học tập, học sinh vượt khó năm học 2020-2021với tổng số tiền 561 triệu đồng...

 

Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động từ năm 1989, trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, phong trào vẫn tiếp tục được duy trì hàng năm. Điều đó khẳng định được ý nghĩa trong việc tôn vinh vai trò vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.  Năm 2021 đã khép lại với bao khó khăn, thách thức nhưng "lợi ích kép" của phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" sẽ tiếp tục giúp lao động nữ Dệt May phát huy và tỏa sáng.

 

Nguyễn Thị Thủy

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website